Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 2

Bảy Mươi Lần Bảy

Ma-thi-ơ 18:21-22

“Nếu các con tha lỗi cho người ta, thì Cha các con ở trên trời cũng sẽ tha thứ cho các con. Nhưng nếu các con không tha lỗi cho người ta, thì Cha các con ở trên trời cũng sẽ không tha thứ cho các con” (Ma-thi-ơ 6:14-15, BTTHĐ).

Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu muốn nói gì khi bảo ông Phi-e-rơ phải tha thứ bảy mươi lần bảy? Tha thứ có phải là dung túng tội ác chăng? Nếu người phạm lỗi với ta không chịu ăn năn thì chúng ta phải làm sao?

Trong cuộc sống với nhau, nói tha thứ thì dễ, nhưng làm thì rất khó, có người cả đời không thể tha thứ cho người phạm lỗi với mình được. Tuy nhiên, tha thứ là một mệnh lệnh bắt buộc được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Kinh Thánh. Chúa Giê-xu còn liên kết việc chúng ta phải tha thứ người khác với việc Chúa tha thứ chúng ta

(Ma-thi-ơ 6:14-15; 18:35).

Các thầy ra-bi dạy dân chúng tha thứ cho người phạm lỗi với mình ba lần. Trong câu hỏi với Chúa, Sứ đồ Phi-e-rơ nâng lên bảy lần, con số biểu trưng cho sự trọn vẹn. Nhưng Chúa dạy phải tha thứ bảy mươi lần bảy, không có nghĩa là tha đến mức giới hạn là 490 lần, con số lớn khó mà theo dõi để ghi nhớ, nhưng có nghĩa là luôn luôn tha thứ!

Nhưng nếu luôn luôn tha thứ như thế có phải dung túng cho người kia tiếp tục phạm lỗi không? Trong Lu-ca 17:3, Chúa dạy: “Nếu anh em con phạm tội, hãy quở trách! Nếu họ ăn năn, hãy tha thứ!” Ga-la-ti 6:1 ghi: “Nếu có người nào vô tình phạm lỗi, thì anh em là người thuộc linh, hãy lấy tinh thần khiêm nhu mà sửa đổi họ.” Trong Ma-thi-ơ 18:15-17, Chúa dạy về kỷ luật trong Hội Thánh. Trước hết dùng cách gặp riêng, nếu không giải quyết được thì mời thêm vài người khác, nếu cũng không xong thì đem người đó ra công khai giữa Hội Thánh để xét xử, nếu họ cũng không nghe Hội Thánh thì “hãy xem người ấy như người ngoại,” tức là dứt phép thông công. Như vậy, Chúa không dạy chúng ta dung túng hay cam chịu những lỗi lầm của người khác mà hãy “nói sự thật trong tình yêu thương” (Ê-phê-sô 4:15 BTTHĐ), đôi lúc phải dùng đến kỷ luật, nhưng với mục đích là để họ ăn năn, và khi họ ăn năn thì phải tha thứ (2 Cô-rinh-tô 2:6-8).

Trường hợp người phạm lỗi với ta không có cơ hội để ăn năn (thí dụ đã qua đời hoặc mất liên lạc), hay ngoan cố không nhận lỗi thì sao? Chúng ta cần phân biệt tha thứ và giải hòa. Nếu người kia nhận lỗi thì có sự giải hòa giữa đôi bên. Còn nếu người kia không nhận lỗi, hoặc không có cơ hội giải hòa, thì chúng ta cũng phải tha thứ như Lời Chúa dạy, có nghĩa là không căm thù và không có hành động trả đũa. Thái độ này giữ mối tương giao giữa chúng ta với Chúa không bị trở ngại và để giải thoát chúng ta khỏi ngục tù của lòng cay đắng (Hê-bơ-rơ 12:15).

Làm thế nào để tha thứ cho người phạm lỗi với mình khi không có cơ hội giải hòa?

Lạy Chúa, xin ban cho con sự khôn ngoan để biết ứng xử phải lẽ với người làm tổn hại con. Xin Chúa ban cho con sức mạnh để luôn luôn sống tha thứ theo Lời Chúa dạy, hầu giải thoát con khỏi ngục tù của lòng cay đắng.

(c) 2024 svtk.net