Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 29

Sự Chọn Lựa Nào?

Ê-sai 30:1-18

“Đức Giê-hô-va phán: Khốn thay cho con cái bội nghịch, lập mưu chẳng bởi ý Ta, kết ước chẳng cậy Thần Ta, hầu cho thêm tội trên tội” (câu 1).

Câu hỏi suy ngẫm: Người ít-ra-ên có sự lựa chọn thiếu khôn ngoan nào? Vì sao họ không thích nghe lời các tiên tri? Bạn thấy mình giống người Ít-ra-ên ở điểm nào? Gần đây, bạn có sự chọn lựa thiếu khôn ngoan nào?

Lời trách phạt “khốn thay” thứ ba nhắm vào giới lãnh đạo của Giê-ru-sa-lem dưới thời của Vua Ê-xê-chia. Quy phục A-si-ri, ký hiệp ước, và hằng năm phải nộp triều cống, hay liên minh với Ai Cập để chống lại A-si-ri đều là sự chọn lựa dẫn đến đau khổ cho họ cũng như cho cư dân Giê-ru-sa-lem. Giá như ngay từ đầu, họ tin cậy Đức Chúa Trời, nghe theo lời khuyên của Tiên tri Ê-sai. Ông cảnh cáo rằng, họ sẽ nhận lấy hậu quả tai hại nếu bắt tay với Ai Cập, nhưng họ không chịu nghe. Thay vì vậy, họ bí mật sai các sứ thần mang vàng bạc và các tặng vật quý giá vượt sa mạc Negev ở miền nam Giu-đa sang Ai Cập để mua sự che chở từ đất nước thờ thần tượng này. Nhưng Tiên tri Ê-sai đặt tên cho Ai Cập là “Ra-háp, ngồi yên không động đậy,” nghĩa là “Ai Cập chẳng giúp gì được cho Ít-ra-ên” (câu 7).

Người Ít-ra-ên không tiếp các tiên tri Đức Chúa Trời sai đến. Họ không muốn nghe những điều các tiên tri truyền dạy, mà chỉ muốn nghe những điều họ thích. Chúng ta cũng vậy. Thường chúng ta chú trọng vào các lời hứa nhưng lại làm ngơ trước các mệnh lệnh trong Kinh Thánh, hay bỏ qua những lời dạy mà chúng ta cho là khó làm theo. Vì người Giu-đa từ chối sứ điệp của Tiên tri Ê-sai mà nương nhờ nơi sự bạo ngược và giả dối (câu 12), nên sẽ phải chịu sự tang thương. Nói theo cách của Tiên tri Ê-sai, người Ít-ra-ên dùng “sự bạo ngược và trái nghịch” làm vật liệu để xây bức tường bảo vệ mình. Bức tường này có những chỗ nứt, chỗ phình, đến khi họ nhận ra thì đã quá trễ: Tường sụp và chôn vùi họ. Sự rạn nứt thuộc linh thường khó nhận thấy và diễn ra cách âm thầm trong thời gian dài. Nếu chúng ta không lưu ý thì sự suy sụp xảy đến là điều tất yếu.

Cuối cùng, người Ít-ra-ên quên địa vị là dân được cứu chuộc, và cũng không nhớ đến Đức Chúa Trời là “Đấng Thánh của Ít-ra-ên” (câu 12, 15). Cụm từ này cho thấy Đấng thánh khiết, trọn vẹn là Đức Chúa Trời của những người bất khiết, bất toàn. Chúa không dung tha tội lỗi, nhưng Ngài hết lòng làm mọi điều tốt nhất để khiến một đoàn dân đông, bất xứng, quay bỏ tội lỗi, trở thành “dân thánh.”

Điều gì thường khiến bạn quên địa vị “dân thánh” của mình? Những chọn lựa nào đưa bạn đến sự thất bại trong cuộc sống?

Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì được làm con của Ngài. Xin giúp con giữ gìn địa vị của “dân thánh” mà Ngài ban bằng cách giữ mình trong sự thánh khiết mỗi ngày để luôn biết khôn ngoan trong chọn lựa.

(c) 2024 svtk.net