Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 29

Chẳng Nói Một Lời

Ê-sai 36:1-22

“Chúng làm thinh, chẳng đáp lại một lời, vì vua có truyền lệnh rằng: Các ngươi đừng đáp lại. Ê-li-a-kim, con trai của Hinh-kia, làm chức cung giám, cùng thư ký Sép-na, sử quan Giô-a, con trai của A-sáp, xé áo mình ra, trở về chầu vua Ê-xê-chia, và thuật lại những lời của Ráp-sa-kê” (câu 21, 22).

Câu hỏi suy ngẫm: Tướng Ráp-sa-kê nói gì? Bạn đánh giá con người này như thế nào? Vì sao các ông Ê-li-a-kim, Sép-na, và Giô-a chẳng đáp một lời? Nếu ở vào vị trí của họ, bạn sẽ phản ứng ra sao?

Mặc cho tình thân hữu và những lời hứa với Vua Ê-xê-chia, sau khi chiến thắng Ai Cập, Vua San-chê-ríp xua quân vây phủ Giê-ru-sa-lem. Vàng bạc và các của báu mà Vua Ê-xê-chia cống nộp cho Vua San-chê-ríp khiến cho vị vua kiêu ngạo này càng trở nên tham lam hơn. Vua San-chê-ríp nghĩ rằng Giê-ru-sa-lem còn nhiều vàng bạc, vì thế ý định của y là chiếm cho bằng được Giê-ru-sa-lem.

Từng lúc, câu chuyện cho thấy sự hung tàn, ngạo mạn, và điên dại của một dân tộc dám đối đầu với Đức Chúa Trời qua lời tán dương vua mình và khinh thường Vua Ê-xê-chia của một tướng lãnh A-si-ri là ông Ráp-sa-kê. Tình huống trong câu chuyện cho thấy những nhân vật cầm quyền của Vua Ê-xê-chia ở trong tình trạng thật căng thẳng. Chúng ta thấy được cách nói năng khôn khéo nhưng gian ngoa và bịp bợm của ông Ráp-sa-kê: Châm biếm quân đội Ai Cập (câu 6); chế nhạo sự ngây thơ của người Giu-đa với lời nhục mạ trơ tráo (câu 7, 9) và lời nói dối rẻ tiền (câu 10).

Viên tướng khá mồm mép này dù giỏi chiến tranh tâm lý, nhưng đã phạm phải một số sai lầm. Sai lầm thứ nhất là đánh giá sai thực lực và nội tình của người Ít-ra-ên. Theo 2 Sử Ký 32:1-8, Vua Ê-xê-chia và các quan chức của vua đã đối phó với sự xâm lược của A-si-ri bằng cách lấp hết các nguồn suối bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem, trừ nguồn nước chảy vào thành qua các đường cống ngầm. Tướng Ráp-sa-kê không hề biết điều này và cho rằng dân trong thành khi bị vây khốn chắc chắn sẽ không có nước uống (câu 12). Vua Ê-xê-chia cũng cho sửa lại vách thành và xây thêm tường bên ngoài. Ông cũng cho chế tạo một số vũ khí quan trọng.

Sai lầm thứ hai của Tướng Ráp-sa-kê và của cả người A-si-ri là họ không biết chút gì về Đức Chúa Trời của Ít-ra-ên. Chỉ mình Ngài là Đấng có năng quyền giải cứu dân Ngài. Thật ngu dại khi so sánh Đức Chúa Trời với các vị thần hư không mà đền miếu của các thần này bị người A-si-ri san bằng trên đường tiến quân của họ. Trước những lời hùng hổ của kẻ thù, các quan chức của Ít-ra-ên là các ông Ê-li-a-kim, Sép-na, và Giô-a chỉ yên lặng (câu 21), và Đấng giải cứu dân Ngài cũng yên lặng cho đến giờ phút này. Tuy nhiên, phía sau sự yên lặng ấy là quyền năng của Đức Chúa Trời sẽ phát lộ để giải cứu những người của Ngài đang ở trong tình trạng nguy khốn.

Bạn sẽ làm gì trong hoàn cảnh dễ làm lung lạc niềm tin của bạn?

Lạy Chúa, xin giúp con can đảm đứng lên đấu tranh cho lẽ công bằng. Khi con phải yên lặng đối mặt với hoàn cảnh dễ làm lung lạc niềm tin của con, thì cho con biết yên lặng trong sự tin cậy nơi Ngài là Đấng che chở và gìn giữ con.

(c) 2024 svtk.net