Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 2

1:18-25 - CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH

1 Vả, sự giáng sinh của Đức Chúa Jêsus Christ đã xảy ra như vầy: Khi Ma-ri, mẹ Ngài, đã hứa gả cho Giô-sép, song chưa ăn ở cùng nhau, thì người đã chịu thai bởi Đức Thánh Linh. 19 Giô-sép chồng người, là người có nghĩa, chẳng muốn cho người mang xấu, bèn toan đem để nhẹm. 20 Song đang ngẫm nghĩ về việc ấy, thì thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong giấc chiêm bao, mà phán rằng: Hỡi Giô-sép, con cháu Đa-vít, ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì con mà người chịu thai đó là bởi Đức Thánh Linh. 21 Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Jêsus, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội.

22 Mọi việc đã xảy ra như vậy, để cho ứng nghiệm lời Chúa đã dùng đấng tiên tri mà phán rằng: 23 Nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, và sanh một con trai, Rồi người ta sẽ đặt tên con trai đó là Em-ma-nu-ên; nghĩa là: Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.

24 Khi Giô-sép thức dậy rồi, thì làm y như lời thiên sứ của Chúa đã dặn, mà đem vợ về với mình; 25 song không hề ăn ở với cho đến khi người sanh một trai, thì đặt tên là Jêsus.

 

1. Xin cho biết những đặc điểm của Giô-sép qua câu chuyện nầy? “Người có nghĩa” là người như thế nào?

2. Nếu Bạn là Giô-sép, Bạn sẽ xử sự như thế nào trong trường hợp nầy? Tại sao?

3. Giô-sép đã xử sự như thế nào? Tại sao?

4. Chúa Giê-xu được gọi bằng hai tên khác nhau trong phân đoạn nầy? Xin cho biết ý nghĩa của mỗi tên gọi.

5. Bạn có nhận xét gì về Giô-sép trong phân đoạn nầy? Chúng ta học được điều gì từ Giô-sép?

Ma-thi-ơ thuật lại câu chuyện Chúa Giê-xu giáng sinh thật ngắn gọn và đầy đủ. Đây là câu chuyện dưới cái nhìn của Giô-sép (Lu-ca ghi câu chuyện giáng sinh dưới cái nhìn của Ma-ri). Ba điểm chính trong phân đoạn nầy là:

(1) Vai trò của Giô-sép.

(2) Sự hướng dẫn của Chúa qua chiêm bao.

(3) Lời tiên tri được ứng nghiệm.

Ma-ri, mẹ Ngài, đã hứa gả cho Giô-sép. Hứa gả theo phong tục Do-thái xảy ra khoảng một năm trước ngày cưới và được kể là giai đoạn đầu của hôn nhân với những ràng buộc như trong hôn nhân. Luật lệ trong Cựu Ước áp dụng cho thiếu nữ “đã hứa gả” và “chưa hứa gả” khác nhau (Phục truyền 22:23-24; 28-29) cho thấy người hứa gả được kể như đã là vợ chồng.

Giô-sép được gọi là người có nghĩa. Có nghĩa mang ý nghĩa công chính, nghĩa là cẩn thận tuân hành luật pháp của Chúa. Tuân thủ đúng luật lệ của Chúa, Giô-sép không thể tiến hành hôn nhân với Ma-ri vì có thai trước khi chung sống chứng tỏ Ma-ri là người có lỗi. Giô-sép có thể công khai ly dị Ma-ri để mọi người biết ông không phải là người có lỗi, nhưng Giô-sép không định làm như vậy để Ma-ri khỏi mang tiếng xấu. Quyết định mà Giô-sép suy nghĩ là một quyết định quân bình giữa công chính và yêu thương; giữa việc tuân giữ đúng luật lệ và bày tỏ lòng thương xót người khác. Đang lúc phân vân, không biết phải quyết định như thế nào thì thiên sứ của Chúa đã hiện đến với Giô-sép trong chiêm bao và bảo Giô-sép tiến hành việc hôn nhân với Ma-ri vì thai nhi nàng đang mang là do Đức Thánh Linh, không phải là lỗi của Ma-ri.

Suốt cả Kinh Thánh, Đức Chúa Trời mạc khải hay hướng dẫn con dân Chúa qua nhiều phương cách khác nhau (Hê-bơ-rơ 1:1). Chiêm bao hay giấc mơ là một trong những phương cách Đức Chúa Trời truyền đạt sứ điệp của Ngài cho con người (Sáng thế ký 20:3; 28:12; 31:24; Dân số ký 12:6; I Các Vua 3:5; Đa-ni-ên 1:17; Giô-ên 2:28). Trong Phúc Âm Ma-thi-ơ, chúng ta đọc thấy nhiều lần Chúa dùng phương cách nầy (1: 20; 2:12; 13; 19). Câu 24 cho thấy Giô-sép đã tuân hành đúng mạng lệnh thiên sứ loan báo cho ông qua chiêm bao. Lời của thiên sứ cho Giô-sép bao gồm hai điều: (1) Việc Ma-ri mang thai là đến từ Đức Thánh Linh. (2) Giô-sép phải đặt tên cho em bé là Giê-xu với ý nghĩa cứu rỗi.

Tên Chúa Giê-xu (Iesous, tiếng Hy-lạp) phiên âm từ những tên bằng tiếng Hy-bá như Giô-suê hay Giê-hô-sua nghĩa là “Chúa Gia-vê cứu” hay “Chúa Gia-vê là sự cứu rỗi.” Trong văn hóa Do-thái, tên của một người thường đi chung với đặc tính hay công việc người đó làm. Chúa Giê-xu được đặt tên nầy vì Ngài đem sự cứu rỗi đến cho nhân loại. Thiên sứ bảo Giô-sép phải đặt tên con là Giê-xu (c. 21) và Giô-sép đã vâng lời làm theo đúng như vậy (c. 25).

Mọi việc đã xảy ra như vậy, để cho ứng nghiệm lời Chúa đã dùng đấng tiên tri mà phán rằng... (c. 22) là câu được nhắc lại nhiều lần trong Phúc Âm Ma-thi-ơ vì độc giả của Ma-thi-ơ chủ yếu là người Do-thái. Ma-thi-ơ cho thấy rằng Kinh Thánh Cựu Ước của người Do-thái đã không nói gì khác hơn là về Chúa Giê-xu, Chúa Giê-xu chính là Đấng Mê-si-a của Kinh Thánh Cựu Ước. Ứng nghiệm đầu tiên là việc Chúa Giê-xu giáng sinh với danh hiệu Em-ma-nu-ên, ứng nghiệm lời tiên tri trong Ê-sai 7:14. Danh hiệu nầy nghĩa là “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” hàm ý, qua Chúa Giê-xu mà Đức Chúa Trời vô hạn và vô hình có thể hiện diện với con người hữu hạn. Sự hiện diện nầy mang ý nghĩa mạc khải (qua Chúa Giê-xu, chúng ta có thể biết Đức Chúa Trời tường tận). “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” cũng mang ý nghĩa cứu rỗi (qua Chúa Giê-xu, con người tội lỗi có thể tương giao với Đức Chúa Trời thánh khiết). Sự hiện diện của Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu cũng mang ý nghĩa gần gũi, bảo vệ, dẫn dắt (chúng ta có Chúa ở bên mình trong mọi hoàn cảnh).

Điểm chính của câu chuyện trong Ma-thi-ơ 1:18-25 là việc Chúa Giê-xu do trinh nữ sinh hạ. Lời tiên tri về sự kiện nầy được ghi trong Ê-sai 7:14. Chúa Giê-xu đã do một trinh nữ sinh hạ, phù hợp với chi tiết được ghi trong Lu-ca 1:26-38. Giô-sép chỉ biết Ma-ri có thai còn Ma-ri thì biết rõ tiến trình nầy. Do đó Giô-sép cần có lời giải thích của thiên sứ để tiến hành hôn nhân với Ma-ri (c. 24). Giô-sép đã vâng lời và “đem vợ về với mình” (kết hôn) nhưng không có quan hệ nam nữ (“không hề ăn ở với”) để minh chứng và đảm bảo cho việc Chúa Cứu Thế do một trinh nữ sinh hạ.

Những bài học chúng ta ghi nhận trong phân đoạn nầy:

1. Chúng ta cần có sự hướng dẫn của Chúa trước những quyết định quan trọng trong đời sống.

2. Theo gương Giô-sép, những quyết định của chúng ta cần bao gồm cả hai điều: công chính và thương xót, phải biết nghĩ đến phúc lợi của người khác trong những quyết định của chúng ta.

3. Chúng ta cần vâng lời tuyệt đối một khi đã biết rõ ý muốn của Chúa (“làm y như lời thiên sứ của Chúa đã dặn.”)

4. Mỗi khi nhắc đến tên Chúa Giê-xu, chúng ta không thể quên ơn cứu rỗi Chúa dành cho chúng ta.

5. Nhắc đến danh hiệu “Em-ma-nu-ên,” hãy để cho những chữ: “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” vang vọng trong lòng với các ý nghĩa: mạc khải, cứu rỗi và dẫn dắt.