Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 30

Đức Chúa Trời Giải Cứu

Ê-sai 37:21-38

“Ta sẽ bênh vực thành này, để giải cứu nó, vì cớ Ta và vì cớ Đa-vít là tôi tớ Ta” (câu 35).

Câu hỏi suy ngẫm: Đức Chúa Trời đáp lời Vua Ê-xê-chia và giải cứu Giê-ru-sa-lem như thế nào? Dấu mà Ngài ban để khích lệ dân Ngài là gì? Bạn nghĩ gì và học được gì từ kết cuộc bi thảm của Vua San-chê-ríp và đạo binh của ông?

Lời khẩn cầu của Vua Ê-xê-chia được Đức Chúa Trời trả lời mau chóng. Đức Chúa Trời phán trực tiếp về Vua San-chê-ríp. Ngài nói rằng những cô gái đồng trinh của Giê-ru-sa-lem sẽ cười nhạo Vua San-chê-ríp, bởi vì dưới sự che chở của Đức Chúa Trời, Vua San-chê-ríp không thể bắt và xâm phạm đến họ (câu 22). Sau khi lặp lại những lời kiêu ngạo và không có cơ sở của Vua San-chê-ríp, Đức Chúa Trời nói rằng, chính Ngài đã định làm ra “sự đó” từ xưa (câu 26): Ngài kỷ luật dân Ngài và khiến họ không có khả năng chống lại kẻ thù, chứ không phải bởi quyền lực của Vua Sa-chê-ríp đã hạ họ xuống. Ngài nhìn thấy sự kiêu ngạo của Vua San-chê-ríp và biết từng ý tưởng, từng động cơ của ông. Giờ đây, Ngài hạ con người kiêu ngạo này xuống.

Tiếp theo, Đức Chúa Trời ban cho dân Ngài một dấu hiệu để khích lệ họ, vừa làm người canh để “bênh vực và giải cứu” dân Ngài (câu 35). Gieo lúa mì, lúa mạch trong thời gian thành bị bao vây là điều không thể. Vì thế, dấu mà Đức Chúa Trời ban cho họ hai vụ mùa từ những cánh đồng lúa tự mọc (câu 30). Cho đến năm thứ ba, khi đất nước hoàn toàn bình yên họ mới bắt đầu gieo gặt và trồng cây ăn trái. Đức Chúa Trời cũng hứa với Vua Ê-xê-chia rằng trong nhà Giu-đa sẽ có những người tránh khỏi thảm họa do chiến tranh và được sống sót. Ý niệm về “dân sót” (câu 32) rất quan trọng trong cả Kinh Thánh. Dù Đức Chúa Trời trách phạt dân Ngài vì họ không vâng lời, nhưng không tuyệt diệt họ. Ngài luôn bảo tồn dân còn sót và đây là dấu hiệu của sự thành tín của Ngài đối với các lời hứa trong giao ước.

Kết cuộc bi thảm của Vua San-chê-ríp và đạo binh đông đảo của vị vua này (câu 36-38) cho thấy sự nguy hiểm khôn lường của lòng kiêu ngạo và xem thường Đức Chúa Trời. Sự kiêu ngạo và xúc phạm đến Đức Chúa Trời của người lãnh đạo có thể dẫn đến thảm họa cho nhiều người dưới quyền. Đức Chúa Trời giải cứu Giê-ru-sa-lem không chỉ là để trừng phạt Vua San-chê-ríp hoặc để ban thưởng cho Vua Ê-xê-chia vì đặt lòng tin cậy nơi Ngài, mà còn để Danh Ngài được tôn vinh, bởi Giê-ru-sa-lem là nơi Ngài chọn, là nơi ngự của Danh Ngài và là nơi Ngài thiết lập ngôi Vua Đa-vít và dòng dõi ông.

Bạn thấy còn những hậu quả nào khác của lòng kiêu ngạo và khinh dể Đức Chúa Trời?

Lạy Chúa, qua câu chuyện hôm nay, con càng thêm tin cậy nơi sự che chở và giải cứu của Ngài. Con cũng nhìn thấy hậu quả của sự kiêu ngạo và thiếu tôn kính Chúa. Xin giúp con sống khiêm nhường và tôn cao Danh Ngài mọi lúc, mọi nơi.

(c) 2024 svtk.net