Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 7

4:1-11 - CHÚA CHỊU CÁM DỖ

1 Bấy giờ, Đức Thánh Linh đưa Đức Chúa Jêsus đến nơi đồng vắng, đặng chịu ma quỉ cám dỗ. 2 Ngài đã kiêng ăn bốn mươi ngày bốn mươi đêm rồi, sau thì đói. 3 Quỉ cám dỗ đến gần Ngài, mà nói rằng: Nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời, thì hãy khiến đá nầy trở nên bánh đi. 4 Đức Chúa Jêsus đáp: Có lời chép rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời.

5 Ma quỉ bèn đem Ngài vào nơi thành thánh, đặt Ngài trên nóc đền thờ, 6 và nói rằng: Nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời, thì hãy gieo mình xuống đi; vì có lời chép rằng:

Chúa sẽ truyền các thiên sứ gìn giữ ngươi,

Thì các Đấng ấy sẽ nâng ngươi trong tay,

Kẻo chân ngươi vấp nhằm đá chăng.

7 Đức Chúa Jêsus phán: Cũng có lời chép rằng: Ngươi đừng thử Chúa là Đức Chúa Trời ngươi.

8 Ma quỉ lại đem Ngài lên trên núi rất cao, chỉ cho Ngài các nước thế gian, cùng sự vinh hiển các nước ấy; 9 mà nói rằng: Ví bằng ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ lạy, thì ta sẽ cho ngươi hết thảy mọi sự nầy.  10 Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng nó rằng: Hỡi quỉ Sa-tan, ngươi hãy lui ra! Vì có lời chép rằng: Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi.

11 Ma quỉ bèn bỏ đi, liền có thiên sứ đến gần mà hầu việc Ngài.

 

1. Tại sao Đức Thánh Linh lại “đưa” Chúa Giê-xu đến nơi đồng vắng đặng chịu ma quỷ cám dỗ như thể Chúa bắt buộc phải chịu cám dỗ?

2. I Giăng 2:16 chia cám dỗ làm ba loại. Xin cho biết mỗi cám dỗ của Chúa Giê-xu tương ứng với điều nào trong bảng phân loại nầy? Chúng ta có bị cám dỗ tương tự không? Biết điều nầy sẽ giúp chúng ta như thế nào khi đối diện với cám dỗ?

3. Xin cho biết hoàn cảnh và cường độ của sự cám dỗ thứ nhất. Nếu Chúa hóa đá thành bánh thì Chúa phạm điều sai lầm nào?

4. Xin cho biết đặc điểm của cám dỗ thứ nhì?

5. Bí quyết nào giúp Chúa Giê-xu chiến thắng ba lần cám dỗ? Chúng ta áp dụng bí quyết nầy như thế nào?

 

Cả ba Phúc Âm Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca đều cho thấy vai trò của Chúa Thánh Linh trong việc Chúa Giê-xu chịu cám dỗ (Mác 1:12; Lu-ca 4:1). Điều nầy cho thấy việc Chúa chịu cám dỗ nằm trong chương trình của Đức Chúa Trời. Chúa vừa được xác nhận là “Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng” (3:17), đó là sứ mạng của Chúa. Để hoàn thành sứ mạng, Chúa phải vượt thắng những cám dỗ cản trở sứ mạng của Ngài, đó là cám dỗ đi đường tắt, không theo chương trình của Đức Chúa Trời.

Sự cám dỗ của Chúa Giê-xu mang ý nghĩa Mê-si-a, nghĩa là làm ứng nghiệm lời hứa trong Cựu Ước về Đấng phải đến. Có hai lời truyền tụng phổ thông trong vòng người Do-thái lúc bấy giờ về Đấng Mê-si-a: (1) Khi Đấng Mê-si-a đến, Ngài sẽ đứng trên nóc đền thờ và tuyên bố giải phóng con dân Chúa. (2) Khi Đấng Mê-si-a đến, hiện tượng bánh ma-na sẽ tái xuất hiện trong đồng vắng. Hai cám dỗ đầu tiên gợi ý về những lời truyền tụng đó. Chúa Giê-xu phải chịu cám dỗ để hoàn thành sứ mạng của Ngài. Đây là những cám dỗ đặc thù, chỉ dành cho Chúa là Đấng Mê-si-a. Tuy nhiên, Chúa Giê-xu trong vai trò cứu rỗi nhân loại, “Ngài phải chịu làm giống như anh em mình trong mọi sự...” và, “vì chính mình Ngài chịu khổ trong khi bị cám dỗ nên có thể cứu những kẻ bị cám dỗ vậy” (Hê-bơ-rơ 2:17-18). Ngài cũng là “thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta song chẳng phạm tội” (Hê-bơ-rơ 4:15). Việc Chúa Giê-xu chịu cám dỗ chẳng những để hoàn thành sứ mạng cứu rỗi nhưng cũng để nêu gương cho chúng ta và giúp chúng ta biết rằng Chúa đồng cảm với chúng ta khi chúng ta bị cám dỗ, vì Ngài cũng từng bị cám dỗ như chúng ta.

I Giăng 2:16 cho biết ba cám dỗ chính của thế gian là: (1) Sự mê tham của xác thịt. (2) Sự mê tham của mắt. (3) Sự kiêu ngạo của đời. Ba điều nầy tương ứng với ba sự cám dỗ Chúa Giê-xu phải trải qua cũng như ba cách ma quỷ đã đến cám dỗ bà Ê-va (Sáng thế ký 3:6). Đây cũng là cách ma quỷ cám dỗ chúng ta hôm nay:

 

I Giăng 2:16

Sáng 3:6

Ma-thi-ơ 4:3-10

Sự mê tham của xác thịt

Bộ ăn ngon

Hóa đá thành bánh

Sự mê tham của mắt

Đẹp mắt

Các nước thế gian

Sự kiêu ngạo của đời

Mở trí khôn

Nhảy từ nóc đền thờ

 

Cám dỗ thứ nhất đến với Chúa Giê-xu khi Chúa đang đói. Chúa Giê-xu mang một thân xác giống như chúng ta (Rô-ma 8:3) cho nên Ngài cũng đương đầu với cám dỗ nầy như chúng ta. Chính trong hoàn cảnh Chúa đang bị đói, ma quỷ đến cám dỗ Ngài, Nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời, thì hãy khiến đá nầy trở nên bánh đi (c. 3). Chữ “nếu” trong câu nầy theo cấu trúc văn phạm trong nguyên ngữ hàm ý đây là sự thật, không phải giả sử. Ma quỷ thách thức Chúa hàm ý, “Vì ngươi là Con Đức Chúa Trời nên hãy khiến đá nầy trở nên bánh để ăn đi cho khỏi đói!” Chứ không hàm ý, “Hãy hóa đá nầy trở nên bánh để chứng minh ngươi là Con Đức Chúa Trời.” Đây là cám dỗ dùng khả năng mình có để thỏa mãn nhu cầu riêng tư. Về sau, Chúa Giê-xu đã hai lần hóa bánh ra nhiều cho đoàn dân nhưng Chúa làm việc đó trong chương trình và ý muốn của Đức Chúa Trời, cho phúc lợi của người khác và làm vinh hiển Đức Chúa Trời. Cám dỗ “hóa đá thành bánh” là cám dỗ làm bất cứ điều gì để thỏa mãn nhu cầu, lợi ích hay ham muốn cá nhân bất kể đến Đức Chúa Trời và người khác.

Để trả lời ma quỷ, cũng như hai lần cám dỗ tiếp theo, Chúa Giê-xu bắt đầu với câu, Có lời chép rằng. Cách dùng động từ chép ở đây mang ý nghĩa chắc chắn, không thay đổi, có thể diễn ý là, “Có lời chép rành rành như đinh đóng cột như thế nầy!” Đây là chân lý muôn đời không bao giờ thay đổi, được ghi trong Kinh Thánh Cựu Ước. Câu Chúa Giê-xu trích là Phục truyền 8:3 nói về kinh nghiệm của con dân Chúa trong đồng vắng. Họ đã được nuôi sống 40 năm trong sa mạc nhờ ma-na (bánh từ trời) và câu nầy cho thấy dù là ăn ma-na để sống, đó chỉ là phương tiện. Thật ra ma-na đến với họ từ Đức Chúa Trời, chính Đức Chúa Trời mới là Đấng nuôi sống họ chẳng những bằng ma-na (thứ yếu) nhưng là sự dẫn dắt tức là lời phán dạy của Ngài (chính yếu). Câu nầy cho thấy đâu là ưu tiên trong đời sống. Chúa Giê-xu bị cám dỗ “hóa đá thành bánh” để thỏa mãn một nhu cầu nhất thời nhưng chân lý của Lời Chúa cho thấy sống theo Lời dạy của Đức Chúa Trời là điều quan trọng hơn. Chẳng phải chỉ nhờ bánh nghĩa là chúng ta có nhờ bánh, nhưng đó chỉ là phương tiện. Điều quan trọng hơn là chúng ta phải sống nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời. Sống nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời hàm ý Đức Chúa Trời là tác giả của Kinh Thánh và chúng ta phải theo Lời Kinh Thánh để sống mỗi ngày.

Cám dỗ thứ hai Chúa Giê-xu phải đối diện liên quan đến “sự kiêu ngạo của đời.” Một lần nữa ma quỷ cám dỗ Chúa với câu, Nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời với dụng ý muốn Ngài sử dụng quyền năng cho riêng mình, chứng tỏ mình tài giỏi, thay vì làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Lần nầy ma quỷ kèm theo lời cám dỗ với lời trích dẫn Kinh Thánh từ Thi thiên 91:11-12. Rõ ràng là ma quỷ đã trích Kinh Thánh không đúng trong văn mạch. Thi thiên 91 nói về sự bảo vệ của Chúa dành cho người nương cậy nơi Chúa, không phải cho người chứng tỏ mình tài giỏi. Một lần nữa, Chúa Giê-xu lại dùng lời Kinh Thánh để trả lời ma quỷ. Câu Chúa trích trong sách Phục truyền nhắc lại việc con dân Chúa thử Chúa tại Ma-sa (Xuất 17:7). Con dân Chúa có nhu cầu nước uống trong đồng vắng nhưng cách họ đòi hỏi nước uống mang tính cách thách thức Chúa, hàm ý nếu Chúa có thật thì phải cho chúng tôi nước uống (“Có Đức Giê-hô-va ở giữa chúng ta hay chăng?”). Ma quỷ cám dỗ Chúa Giê-xu lần nầy mang một ý nghĩa tương tự. Nếu Chúa Giê-xu nghe lời ma quỷ nhảy xuống khỏi nóc đền thờ thì Đức Chúa Trời buộc phải ra tay nâng đỡ. Như thế, là ma quỷ thử Đức Chúa Trời, hay nói đúng hơn điều khiển Ngài bằng cách đặt Đức Chúa Trời vào một tình huống không thể làm khác hơn. Chúa Giê-xu không thể làm theo lời ma quỷ để việc đó xảy ra và Ngài cho ma quỷ thấy rằng như vậy là thử Đức Chúa Trời!

Cám dỗ thứ ba liên quan đến “sự mê tham của mắt” (c. 8-9). Núi rất cao có thể thấy các nước thế gian là lối nói mô tả. Chỉ cho Ngài hàm ý giải thích vinh hoa các nước thế gian là như thế nào. Ma quỷ hình dung trong tâm trí của Chúa hình ảnh tất cả các vương quốc trên trần gian cùng vinh hiển các nước ấy. Vinh hiển nói đến vinh hoa, hào nhoáng, những hấp dẫn thể hiện bên ngoài. Cám dỗ nầy cũng là cám dỗ cho những người người sẵn sàng làm bất cứ điều gì, với bất cứ phương tiện nào để đạt được quyền hành hay vinh hoa, phú quý. Điều kiện của ma quỷ là sấp mình trước mặt ta mà thờ lạy. Sấp mình nghĩa là phủ phục nhưng ở đây mang ý nghĩa thuận phục, sẵn sàng làm theo đường lối của ma quỷ. Đây nói về thỏa hiệp với thế gian, chủ trương “cứu cánh biện minh cho phương tiện,” làm giống như đời để được quyền thế của đời. Trước cám dỗ đó, một lần nữa Chúa Giê-xu trích Lời Kinh Thánh trong sách Phục truyền, dạy về thờ phượng Đức Chúa Trời. Trước khi trích Kinh Thánh, Chúa ra lệnh cho ma quỷ, Ngươi hãy lui ra! Lời Kinh Thánh là nền tảng để Chúa ra lệnh cho ma quỷ. Lời dạy đó cho thấy thờ phượnghầu việc đi chung với nhau. Thờ phượng Chúa cũng là hầu việc, phụng sự Ngài. Và Đức Chúa Trời là Chân Thần duy nhất, đối tượng duy nhất cho chúng ta tôn thờ: chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi! (c. 10b).

Ma quỷ bèn bỏ đi không có nghĩa là Chúa Giê-xu không còn bị cám dỗ. Lu-ca 4:13 cho biết ma quỷ chỉ tạm lìa Ngài mà thôi. Câu Chúa quở Phi-e-rơ trong Ma-thi-ơ 16:23 hàm ý ma quỷ đứng đằng sau Phi-e-rơ để cám dỗ Chúa tránh con đường thập tự. Một lần nữa, chúng ta thấy Ma-thi-ơ nhắc đến thiên sứ (1:20; 2:13, 19) trong chức vụ hầu việc Chúa. Đây có thể là để cung cấp thức ăn cho Chúa sau nhiều ngày kiêng ăn.