Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 21

Tấm Lòng của Người Cha

II Ti-mô-thê 1:1-7

“Vậy nên ta khuyên con hãy nhen lại ơn của Đức Chúa Trời ban cho, mà con đã nhận lãnh bởi sự đặt tay của ta. Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu và dè giữ” (câu 6, 7).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô đã mở đầu bức thư thứ hai gửi cho người con tinh thần của ông là Mục sư Ti-mô-thê bằng những lời lẽ như thế nào? Ông nhắc lại điểm đặc biệt nào trong truyền thống gia đình của Mục sư Ti-mô-thê? Ông cũng nhắc con tinh thần của mình chú trọng những điều gì trong chức vụ phụng sự Chúa? Bạn học được điều gì qua tấm lòng của người cha Phao-lô?

Chúng ta biết Sứ đồ Phao-lô không có gia đình và con cái, trong bước đường phục vụ Chúa, ông đã nhận người trai trẻ Ti-mô-thê làm con tinh thần của mình, huấn luyện, dạy dỗ thanh niên này trở thành một người phục vụ Chúa. Cha mẹ Mục sư Ti-mô-thê đã sinh thành, dưỡng dục ông trong cuộc sống trên đất, nhưng người cha tinh thần Phao-lô đã giúp ông được sinh lại, được sống vĩnh hằng trên trời. Nhiều gia đình không có con cái, nhưng trong Chúa, họ không lấy đó làm đau buồn, chán nản, mà có thể có nhiều con trai, con gái tinh thần để nuôi dưỡng đức tin của họ trong Chúa, và họ hoàn toàn vui thỏa không khác nào con ruột.

Mở đầu thư II Ti-mô-thê, Sứ đồ Phao-lô đã gọi Mục sư Ti-mô-thê với một tình cảm rất thắm thiết: “Con rất yêu dấu của ta” (câu 2). Sau khi cầu nguyện xin Đức Chúa Trời ban ân sủng, sự thương xót, và bình an, ông nhắc lại những điều quan trọng để nâng đỡ đức tin của Mục sư Ti-mô-thê.

Trước hết, ông nhắc lại truyền thống gia đình. Bà ngoại và mẹ của Mục sư Ti-mô-thê đã có một đức tin vững vàng trong Chúa, và chúng ta thấy bà ngoại của Mục sư Ti-mô-thê đã hết sức quan tâm dạy dỗ hai thế hệ tiếp nối, bà dạy dỗ đức tin cho con gái, và cũng không quên cháu mình là Mục sư Ti-mô-thê. Khi lớn lên, chàng trai Ti-mô-thê có được một đức tin chân thành do thừa hưởng từ sự giáo dục của mẹ và bà mình. Chúng ta thường quan tâm nhiều đến con mà ít để ý dạy dỗ cho cháu của mình. Điều đáng buồn là nhiều thế hệ thứ hai, thứ ba đã vắng bóng trong nhà thờ. Nếu mỗi người chúng ta cam kết với Chúa sẽ chăm sóc, dạy dỗ đức tin cho hai thế hệ, con và cháu của mình thì chắc chắn chúng ta sẽ có được một dòng dõi thánh trong Chúa.

Tiếp theo, Sứ đồ Phao-lô nhắc con tinh thần của mình hãy nhen lại ơn Chúa ban cho để có thể sống phục vụ Chúa cách mạnh mẽ, yêu thương và tự chủ. Sự đặt tay của Sứ đồ Phao-lô là nghi thức biệt riêng ông ra cho chức vụ. Trong sự phục vụ Chúa, Sứ đồ Phao-lô nhắc con tinh thần của mình hãy nhờ ơn và quyền năng của Chúa để phục vụ. Khi một người biết nhen lại ơn Chúa thì luôn nhớ ơn Chúa, và sẽ biết nhờ ơn Chúa để phục vụ Ngài có kết quả.

Tấm lòng của người cha Phao-lô với con mình là Mục sư Ti-mô-thê thật tràn đầy, không phải mong cho con mình giàu có vật chất nhưng quan trọng là giàu đức tin và ơn Chúa để được Chúa dùng trong công tác cứu người.

Bạn đã nuôi dạy con, cháu của mình như thế nào? Có điều nào cần cầu xin Chúa điều chỉnh lại? Bạn để lại gia sản gì cho con, cháu của mình?

Lạy Chúa, xin giúp con biết quan tâm, coi trọng việc dạy dỗ đức tin cho con và cũng không quên cháu của con để gia đình con thật sự là một dòng dõi thánh trong Ngài.

(c) 2024 svtk.net