Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 16

Hãy Nhớ

II Ti-mô-thê 2:8-13

“Vậy nên, ta vì cớ những người được chọn mà chịu hết mọi sự, hầu cho họ cũng được sự cứu trong Đức Chúa Giê-xu Christ, với sự vinh hiển đời đời” (câu 10).

Câu hỏi suy ngẫm: Trong câu 8, Sứ đồ Phao-lô nhắc Mục sư Ti-mô-thê hãy nhớ những điều gì? Sứ đồ Phao-lô sống và chịu khổ với mục đích gì? Những điều nào đã thêm sức mạnh để đeo đuổi mục đích sống của ông Phao-lô? Bạn cần làm gì để nối bước tiền nhân trong việc rao truyền Phúc Âm?

Sau khi dạy về sự chịu khổ của người phục vụ Chúa (câu 1-7), Sứ đồ Phao-lô tiếp tục nhắc Mục sư Ti-mô-thê những điều cần phải nhớ. Trước hết, ông nói hãy nhớ Chúa Giê-xu, Đấng chúng ta tôn thờ là Đấng Cơ Đốc, tức Đấng Mết-si-a, Đấng sinh bởi dòng dõi Vua Đa-vít, nghĩa là Đấng của Lời hứa. Ngài đã chịu chết nhưng cũng đã sống lại, bẻ gãy chìa khóa của sự chết và âm phủ. Đó chính là nền tảng của Phúc Âm mà ông đang rao truyền (câu 8).

Khi Sứ đồ Phao-lô dạy về sự chịu khổ là lúc ông đang trải qua những ngày lao tù tại La Mã, chính ông cũng đã chịu trói như người phạm tội. Tuy nhiên, điều ông khẳng định là, dù ông cũng như những tín hữu khác phải bị trói nhưng Đạo của Đức Chúa Trời không hề bị trói. Vì thế, ông công bố rằng, ví bằng chúng ta chết với Ngài, tức sẵn sàng chịu khổ với Phúc Âm, thì cũng sẽ sống lại với Ngài. Nếu chúng ta chịu đựng mọi thử thách thì sẽ được cùng cai trị với Chúa. Nhưng nếu chúng ta chối Chúa thì Ngài cũng sẽ chối chúng ta. Đây là điều rất chắc chắn vì Chúa là Đấng thành tín.

Chính vì những điều phải nhớ đó, nên Sứ đồ Phao-lô xác định mục đích sống của ông là sẵn sàng chịu mọi gian khổ để nhiều người có cơ hội tiếp nhận ơn cứu rỗi và được vinh quang vĩnh cửu trong Chúa Cứu Thế Giê-xu (câu 10). Hạt giống Tin Lành đã được tưới bằng máu của những thánh tử đạo, bằng mồ hôi và nước mắt của biết bao người chịu khổ vì Phúc Âm của Chúa. Riêng ở đất nước chúng ta, hơn 100 năm qua, máu, mồ hôi, và nước mắt của các tiền nhân đã đổ ra không ít, cho nên hiện nay, chúng ta là những thế hệ tiếp nối cũng không miễn trừ điều này. Chính những điều hãy nhớ về Đấng chúng ta tôn thờ và rao truyền thêm sức cho chúng ta. Lời hứa của Chúa tăng sức mạnh cho chúng ta, và tình yêu đối với những linh hồn đang hư mất chung quanh thôi thúc chúng ta sẵn sàng chịu khổ để tất cả chúng ta đều được hưởng niềm vui trong ngày cuối cùng với Chúa.

Bạn có sẵn lòng chăng? Bạn đang chịu khổ cho Chúa về những phương diện nào?

Lạy Chúa, con vui mừng vì Ngài là Đấng sống, và Tin Mừng chúng con rao truyền không thể bị trói. Xin cho con luôn nhớ những điều này để sẵn lòng chịu khổ vì Phúc Âm của Chúa và vì nhiều người chưa được cứu chung quanh con.

(c) 2024 svtk.net