Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 16

5:38-42 - TRẢ THÙ

38 Các ngươi có nghe lời phán rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. 39 Song ta bảo các ngươi, đừng chống cự kẻ dữ. Trái lại, nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn; 40 nếu ai muốn kiện ngươi đặng lột cái áo vắn, hãy để họ lấy luôn cái áo dài nữa; 41 nếu ai muốn bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ. 42 Ai xin của ngươi hãy cho, ai muốn mượn của ngươi, thì đừng trớ.

 

1. Xin giải thích ý nghĩa của luật “Mắt đền mắt, răng đền răng.”

2. “Đừng chống cự kẻ dữ” nghĩa là thế nào? Có phải chúng ta luôn luôn thụ động để cho người khác ức hiếp mình không? Nếu không thì tại sao?

3. Chúa Giê-xu bảo chúng ta phải xử sự như thế nào thay vì trả thù trong bốn trường hợp khác nhau (c. 39b-42). Xin kể ra và giải thích mỗi trường hợp.

 

Mục đích của luật Mắt đền mắt, răng đền răng trong Cựu Ước (Xuất 21:24; Lê-vi ký 24:20; Phục 19:21) không phải để trả thù nhưng nhằm để xác nhận việc đền bù cho thích hợp và xứng đáng, không đi quá giới hạn. Một người làm ta hư một mắt thì chỉ có thể bị phạt hư lại một mắt chứ không hơn giới hạn đó. Tuy nhiên, người Do-thái cũng thường lợi dụng, dựa vào luật nầy để trả thù người khác. Chúa Giê-xu là Đấng làm trọn luật pháp (c. 17) và tiêu chuẩn của Ngài cao hơn tiêu chuẩn thông thường (c. 20) cho nên điều Chúa dạy cao hơn luật đền bù đó.

Trước hết Chúa dạy, Đừng chống cự kẻ dữ (c. 39a). Câu nầy không hàm ý chúng ta cứ ở yên, thụ động, không làm gì cả, mặc cho người khác làm hại mình. Không phải như vậy! Đừng chống cự kẻ dữ mang ý nghĩa không trả thù, không làm hại người khác khi người đó gây thiệt hại cho chúng ta, dù là thiệt hại vật chất hay tinh thần. Chúa cho thấy môn đệ của Chúa sống vượt cao hơn bình thường. Bốn hình ảnh hay bốn ví dụ theo sau hai chữ trái lại cho thấy điều đó:

1. Nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn (c. 39b). Vả má thường nói lên ý bị nhục mạ hơn là bị đau đớn. Lời của Phao-lô trong II Cô-rinh-tô 11:20 cho thấy điều đó. Để vả má bên hữu, người đánh phải dùng lưng bàn tay của mình, đối với người Do-thái đó là điều nhục mạ gấp đôi. Trong trường hợp nầy, thay vì trả thù, chúng ta phải nhẫn nhục chịu đau và sẵn sàng tiếp tục chịu đựng. Chúa Giê-xu và Phao-lô khi bị vả vào má trước tòa án, Chúa và Phao-lô đều bắt bẻ lại (Giăng 18:22-23; Công vụ 23:2-3) không phải là Chúa và Phao-lô không làm theo lời dạy nầy nhưng vì tính cách bất hợp pháp của hành động nầy. Không tìm cách trả thù nhưng nhẫn nhục chịu đựng, đó là ý nghĩa của lời dạy nầy.

2. Nếu ai muốn kiện ngươi đặng lột cái áo vắn, hãy để họ lấy luôn cái áo dài nữa (c. 40). Đây cũng là một hành động có tính cách sỉ nhục, bị kiện lột hết y phục để đền bù (xiết nợ). Luật của Chúa trong Cựu Ước không cho phép được giữ áo ngoài của người khác qua đêm (Xuất 22:26-27; Phục truyền 24:13). Để cho người khác lấy luôn cái áo dài vì vậy nghĩa là sẵn sàng từ bỏ quyền lợi hay đặc ân của mình. Người khác không có quyền lấy áo dài (áo ngoài) nhưng chúng ta cứ để cho lấy.

3. Nếu ai muốn bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ (c. 41). Lính La-mã tại Palestine trong thời Chúa Giê-xu, theo tục lệ đưa thư của người Ba-tư, có quyền bắt dân chúng phải vác hành lý hay bất cứ vật dụng gì cho họ ít nhất là một dặm đường như trường hợp bắt Si-môn phải vác thập tự giá cho Chúa Giê-xu (Mác 15:21). Đi một dặm là điều bắt buộc phải làm còn đi hai dặm nghĩa là sẵn sàng làm quá điều đòi hỏi, không phải làm nhưng sẵn sàng làm.

4. Ai xin của ngươi hãy cho, ai muốn mượn của ngươi, thì đừng trớ (c. 42). Câu nầy dạy về lòng rộng rãi vô điều kiện, sẵn sàng ban cho và sẵn sàng giúp đỡ, không viện lý do để thoái thác. Đây là thái độ sẵn sàng ban cho và rộng lượng chứ không phải dại dột tuôn đổ của cải, giúp đỡ những người lợi dụng chúng ta.

Những lời dạy trong phần nầy bắt đầu với trường hợp ta bị thiệt hại mà không trả thù và đi dần lên với những thái độ cao quý của môn đệ Chúa, đó là, không đòi hỏi quyền lợi, sẵn sàng làm nhiều hơn điều bị bắt buộc phải làm và sẵn sàng ban cho, giúp đỡ mọi người. Sự công bình trổi hơn sự công bình của các thầy thông giáo và người dòng Pha-ri-si là như vậy.