Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 19

6:5-15 - CẦU NGUYỆN

5 Khi các ngươi cầu nguyện, đừng làm như bọn giả hình; vì họ ưa đứng cầu nguyện nơi nhà hội và góc đường, để cho thiên hạ đều thấy. Quả thật ta nói cùng các ngươi, bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi. 6 Song khi ngươi cầu nguyện, hãy vào phòng riêng, đóng cửa lại, rồi cầu nguyện Cha ngươi, ở nơi kín nhiệm đó; và Cha ngươi, là Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi. 7 Vả, khi các ngươi cầu nguyện, đừng dùng những lời lặp vô ích như người ngoại; vì họ tưởng vì cớ lời mình nói nhiều thì được nhậm. 8 Vậy, các ngươi đừng như họ; vì Cha các ngươi biết các ngươi cần sự gì trước khi chưa xin Ngài.

9 Vậy các ngươi hãy cầu như vầy:

Lạy Cha chúng tôi ở trên trời;

Danh Cha được thánh;

10 Nước Cha được đến;

Ý Cha được nên, ở đất như trời!

11 Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày;

12 Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi;

13 Xin chớ để chúng tôi bị cám dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác!

[Vì nước, quyền, vinh hiển đều thuộc về Cha đời đời. A-men]

14 Vả, nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi. 15 Song nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi.

 

1. Xin cho biết điểm tương đồng trong lời dạy của Chúa Giê-xu về cầu nguyện và bố thí.

2. Lời dạy trong câu 6 có cấm chúng ta cầu nguyện nơi công cộng không? Tại sao?

3. Sự cầu nguyện của người ngoại và người tin Chúa khác nhau thế nào? Tại sao?

4. “Như vầy” (c. 9a) nghĩa là gì? “Cầu như vầy” nghĩa là thế nào?

5. Xin cho biết hai phần chính của lời cầu nguyện Chúa dạy. Mỗi phần nói gì?

6. Gọi Chúa là “Cha” nói lên điều gì?

7. Chữ “chúng tôi” sau chữ “Cha” cho thấy khía cạnh gì trong việc cầu nguyện?

8. Ba điều chúng ta phải cầu nguyện về Đức Chúa Cha (c. 9-10) là gì? Xin cho biết ý nghĩa của mỗi điều.

9. Ba điều chúng ta phải cầu nguyện cho mình (c. 11-13) là gì? Xin cho biết ý nghĩa của mỗi điều.

10. Câu 15 có dạy về sự đổi chác trong cách chúng ta tha thứ không? Nếu không thì dạy về điều gì?

 

Ba vấn đề bố thí, cầu nguyện và kiêng ăn (c. 1-18) Chúa dạy trong cùng một chủ đề: không làm để khoe cho người ta thấy nhưng để một mình Chúa biết (so sánh các câu 2-3, 5-6 và 16-18). Đây là chủ đề được nêu ở đầu  (c. 1). Cũng tương tự như làm việc từ thiện, người đạo đức giả cầu nguyện chỉ để khoe khoang, để người khác khâm phục mình là người đạo đức. Chính vì vậy, họ cầu nguyện ở nơi đô hội, có nhiều người qua lại như ở nhà hội và góc đường với mục đích là để cho thiên hạ đều thấy. Một lần nữa Chúa nhắc lại bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi, nghĩa là nếu cầu nguyện với mục đích chứng tỏ mình là người đạo đức thì việc cầu nguyện dừng lại tại đó: tôi đứng cầu nguyện để được tiếng khen, ngoài ra không còn gì nữa! Phần thưởng về cầu nguyện của những người đạo đức giả là tiếng khen của loài người và chỉ có vậy.

Người tin Chúa, người thật lòng cầu nguyện là người vào phòng riêng, đóng cửa lại, rồi cầu nguyện Cha ngươi, ở nơi kín nhiệm. Một lần nữa, điểm nhấn mạnh là nơi kín nhiệm, nơi chỉ có một mình ta với Chúa. Mục đích chính của cầu nguyện là tương giao và chỉ nơi riêng tư, kín nhiệm, một mình ta với Chúa, cầu nguyện mới có ý nghĩa. Lời dạy nầy không hàm ý cấm chúng ta cầu nguyện nơi công cộng. Cầu nguyện nơi công cộng có chỗ của nó, là lúc chúng ta tương giao với Chúa và thờ phượng chung với anh chị em tín hữu: cộng đồng thờ phượng (đối chiếu với cá nhân thờ phượng). Thưởng cho ngươi mang cùng ý nghĩa với việc làm từ thiện ở trên: Chúa biết và ghi nhận.

Chúa Giê-xu cũng đối chiếu việc cầu nguyện của người tin Chúa và người ngoại (ở trên là giữa người tin Chúa và người đạo đức giả). Điểm khác nhau trong việc cầu nguyện của người ngoại (người thờ các thần khác) là dùng những lời lặp vô ích (c. 7). Chữ quan trọng đây là vô ích, không phải lời lặp. Bản Hiệu Đính dịch là những lời sáo rỗng. Lời sáo rỗng là những lời vô nghĩa, nói mà không biết mình nói gì. Người tin Chúa cũng mắc phải lỗi lầm nầy nếu lời cầu nguyện của chúng ta trở thành khuôn sáo, tuôn ra nhiều lời mà không để ý đến những gì mình nói. Đây là lời cầu nguyện chỉ phát ra từ môi miệng mà trí óc hay tấm lòng chúng ta không phần gì trong đó. Như người tụng kinh, không phải cầu nguyện.

Vì dùng lời rỗng tuếch vô ích, người ngoại nghĩ rằng chỉ cần nói nhiều những lời đó thì sẽ có hiệu quả (họ tưởng vì cớ lời mình nói nhiều thì được nhậm). Nếu Đức Chúa Trời dựa vào số lượng những lời cầu nguyện máy móc chúng ta đọc lên để nhậm lời thì thật là buồn cười. Hình ảnh con dân Chúa cầu nguyện với Ba-anh trong thời tiên tri Ê-li chính là điểm Chúa muốn cho thấy ở đây (I Vua 18:29).

Đối chiếu với người ngoại, Chúa Giê-xu bảo chúng ta không cần phải cầu nguyện thật dài thì Đức Chúa Cha mới biết, lý do là Đức Chúa Trời đã biết mọi nhu cầu của chúng ta ngay cả trước khi chúng ta cầu nguyện (c. 8b). Nếu Đức Chúa Trời đã biết nhu cầu của con cái Ngài thì chúng ta còn cầu nguyện làm gì? Tại sao lại phải cầu nguyện? John Stott trích lời của John Calvin, nhà cải cách giáo hội, về câu hỏi nầy như sau:

Người tin Chúa cầu nguyện không phải để thông báo cho Đức Chúa Trời về những điều Ngài không biết hoặc để giục giã Chúa thi hành bổn phận của Ngài, cũng không phải để nhắc nhở Chúa vì Chúa đang ngần ngừ. Trái lại, người tin Chúa cầu nguyện là để giục giã chính mình tìm kiếm Chúa, để luyện tập đức tin khi suy nghiệm những lời hứa của Chúa, để thoát ra khỏi những lo lắng khi tuôn đổ tấm lòng của mình cho Chúa. Tóm lại, cầu nguyện là tuyên bố rằng chúng ta hy vọng và chờ đợi tất cả mọi điều tốt lành cho chính mình và cho người khác từ một mình Đức Chúa Trời mà thôi.

Martin Luther thì nói: “Cầu nguyện thật sự là để chúng ta dạy dỗ chính mình hơn là để cầu xin với Chúa!”

Sau khi bảo chúng ta đừng cầu nguyện như người ngoại, Chúa bảo chúng ta cầu nguyện như vầy. Như vầy nghĩa là theo cách nầy, theo thể thức nầy, hàm ý đây là khuôn mẫu để chúng ta theo đó mà cầu nguyện, không phải là bài kinh để tụng niệm.

Trước hết Chúa cho thấy cầu nguyện là một lời đối thoại, một mối tương giao Cha-con: Lạy CHA chúng tôi ở trên trời. Cầu nguyện là thưa chuyện với người Cha thiên thượng. Đây là người Cha chung của người tin Chúa vì tiếp theo sau chữ Cha là hai chữ chúng tôi. Khi cầu nguyện Lạy Cha chúng tôi ở trên trời chúng ta hàm ý rằng, cùng với bản thân mình có nhiều người khác cũng gọi Chúa là Cha. Cầu nguyện chẳng những là mối quan hệ chiều dọc với Cha thiên thượng nhưng cũng là mối quan hệ chiều ngang với anh chị em tín hữu khác. Đức Chúa Cha được gọi là Đấng ở trên trời hàm ý Chúa là Đấng quyền năng cao cả. Chúa có tất cả mọi điều và có thể ban cho mọi điều chúng ta cầu xin theo ý muốn Ngài.  Thể thức hay bài cầu nguyện mẫu của Chúa gồm hai phần:

(1) Cho Đức Chúa Cha, c. 9-10, gồm ba điều:

·      Danh Cha được thánh. Danh nói đến đặc tính hay những việc đi chung với danh hiệu đó (1:21, Chúa được đặt tên là “Giê-xu” vì Chúa “cứu dân mình ra khỏi tội”). Danh của Đức Chúa Trời là thánh, nghĩa là Chúa là Đấng thánh khiết. Danh Chúa bao giờ cũng được thánh, không cần đến lời cầu nguyện của chúng ta. Cầu nguyện Danh Cha được thánh vì vậy là thật ra là cầu xin cho chính mình là con cái Chúa phải sống như thế nào để Danh Chúa luôn được tôn thánh, không bị người khác chê cười. Phao-lô nói “vì bởi cớ các ngươi Danh Đức Chúa Trời bị nói phạm trong vòng người ngoại” (Rô-ma 2:24) tức là Danh Chúa đã không được tôn thánh.

·      Nước Cha được đến. Nước hay “vương quốc” nói đến quyền cai trị của Chúa. Vương quốc Đức Chúa Trời là chủ đề chính của Phúc Âm Ma-thi-ơ. Nước của Chúa thật sự đã đến qua Chúa Giê-xu nhưng trong nghĩa rộng, nước hay quyền cai trị của Chúa là điều trong tương lai. Cầu nguyện nước Cha được đến hàm ý hai điều: (1) Thật sự để Chúa cai trị đời sống (nước Chúa được đến trong chúng ta). Và: (2) Ngày Chúa trở lại cầm quyền cai trị sớm đến.

·      Ý Cha được nên ở đất như trời. Đây là lời cầu nguyện để mọi điều Chúa đã hoạch định sẽ được thành tựu trong đời sống chúng ta cũng như trong mọi vật Ngài tạo dựng. Ý muốn của Đức Chúa Cha bao giờ cũng được nên trên thiên đàng, do đó cầu nguyện ý Cha được nên ở đất như trời hàm ý chúng ta sẵn sàng làm theo ý muốn của Chúa để mọi điều trên trần gian cũng được toàn vẹn như ở trên trời.

(2) Cho con người, c. 11-13, cũng gồm ba điều:

·      Nhu cầu thuộc thể: Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày. Đồ ăn (bánh) chẳng những nói đến thức ăn nhưng hàm ý mọi nhu cầu thể xác (cơm ăn, áo mặc, nhà ở...) Cầu nguyện lời nầy hàm ý chúng ta tin cậy nơi Chúa về mọi nhu cầu trong đời sống, biết rằng mọi vật đều đến từ Chúa (I Ti-mô-thê 6:17b). Những chữ hôm nayđủ ngày nghĩa là “đủ cho từng ngày một” hàm ý chúng ta nương cậy và thỏa lòng, không bôn ba và lo lắng về các nhu cầu vật chất.

·      Nhu cầu tâm linh: Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi. Lời cầu nguyện nầy cho thấy tầm quan trọng của những mối quan hệ trong đời sống, đặc biệt là mối quan hệ với Chúa và với nhau. Tha thứ và được tha thứ là nhu cầu tâm linh quan trọng trong các mối quan hệ đó. Chữ tội lỗi trong nguyên văn là “nợ” cho thấy  điều chúng ta nợ Chúa là sự vâng lời tuyệt đối của chúng ta. Phạm tội là thiếu vâng lời và do đó chúng ta mắc nợ với Chúa. Chỉ một mình Chúa là chủ nợ mới có thể tha nợ cho chúng ta, dĩ nhiên là chúng ta phải có lòng ăn năn thật. Như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi không hàm ý đổi chác hay mặc cả (vì con đã tha nợ cho người khác nên xin Chúa cũng hãy tha nợ cho con!) nhưng hàm ý rằng chúng ta không thể xin ơn tha thứ của Chúa nếu chính chúng ta thiếu lòng thương xót, không tha thứ người khác (18:23-35).

·      Nhu cầu bảo vệ: Xin chớ để chúng tôi bị cám dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác. Gia-cơ 1:13 cho biết Đức Chúa Trời “không cám dỗ ai” cho nên để hiểu lời cầu nguyện nầy, chúng ta phải nhìn chung với câu kế tiếp: mà cứu chúng tôi khỏi điều ác. Điều ác, đúng hơn là “người ác,” nói đến ma quỷ và mọi mưu chước cám dỗ của nó. Chớ để chúng tôi bị cám dỗ vì vậy tương đương với cứu chúng tôi khỏi điều ác, nghĩa là cầu nguyện xin Chúa đừng để cho ma quỷ cám dỗ đến nỗi chúng ta phải thua mưu mắc kế của nó. Lời cầu nguyện nầy hàm ý rằng tự sức chúng ta không thể thắng hơn ma quỷ, tự chúng ta không thể đứng nổi để địch lại ma quỷ vì vậy chính Chúa sẽ giải cứu chúng ta khỏi cám dỗ của ma quỷ khi chúng ta kêu cầu đến Ngài.

Dựa vào các cổ bản, phần Vì nước, quyền, vinh hiển đều thuộc về Cha đời đời, A-men không có các bản cổ nhất. Phần nầy có lẽ được thêm vào như là một phần của nghi thức thờ phượng. Tuy không có gì sai ý nghĩa về phương diện thần học hay đi ngược lại với sự dạy dỗ của toàn Kinh Thánh, chúng ta không cần phải nhấn mạnh nhiều đến phần nầy và xem đó là một phần trong lời cầu nguyện mẫu của Chúa. Lời kết thúc nầy liên quan đến Ba Ngôi Đức Chúa Trời trong ba lời cầu xin về cơm áo, tha thứ và bảo vệ: Đức Chúa Cha chu cấp, Đức Chúa Con cứu chuộc và Đức Thánh Linh bảo vệ.

Hai câu 14-15 nhắc lại ý của câu 12 nhằm nhấn mạnh yếu tố tha thứ trong cộng đồng người tin Chúa, có tha thứ, lời cầu nguyện mới hiệu nghiệm (Thi thiên 66:18).

Đối chiếu với lối cầu nguyện khoe khoang, tập trung vào chính mình của người Pha-ri-si, lời cầu nguyện Chúa dạy cho thấy chúng ta phải tập trung vào Chúa (Danh Cha, nước Cha và ý Cha). Còn đối với lời cầu nguyện sáo rỗng, thiếu ý nghĩa của người ngoại, lời cầu nguyện Chúa dạy cho thấy chúng ta cần cầu nguyện những lời ý nghĩa, rõ ràng. Đây phải là khuôn mẫu cầu nguyện chúng ta áp dụng mỗi ngày: tập trung vào Chúa và trình dâng cho Chúa mọi nhu cầu trong đời sống.