Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 22

6:25-34 - CHIM, HOA VÀ NGƯỜI

25 Vậy nên ta phán cùng các ngươi rằng: đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân thể mình mà lo đồ mặc. Sự sống há chẳng quí trọng hơn đồ ăn sao, thân thể há chẳng quí trọng hơn quần áo sao? 

26 Hãy xem loài chim trời: chẳng có gieo, gặt cũng chẳng có thâu trữ vào kho tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó. Các ngươi há chẳng phải là quí trọng hơn loài chim sao? 27 Vả lại, có ai trong vòng các ngươi lo lắng mà làm cho đời mình được dài thêm một khắc không? 

28 Còn về phần quần áo, các ngươi lại lo lắng mà làm chi? Hãy ngắm xem những hoa huệ ngoài đồng mọc lên thể nào: chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ; 29 nhưng ta phán cùng các ngươi, dẫu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc áo tốt như một hoa nào trong giống đó. 30 Hỡi kẻ ít đức tin, loài cỏ ngoài đồng, là giống nay còn sống, mai bỏ vào lò, mà Đức Chúa Trời còn cho nó mặc đẹp thể ấy thay, huống chi là các ngươi! 

31 Ấy vậy, các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? uống gì? mặc gì? 32 Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi. 33 Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa. 34 Vậy, chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy.

 

1. Tại sao phân đoạn nầy bắt đầu với chữ “Vậy nên?”

2. Trong câu 25, Chúa đối chiếu những điều gì với nhau? Hàm ý gì?

3. So sánh với loài chim (c. 26), tại sao chúng ta không nên lo lắng?

4. Câu 27 dạy chúng ta điều gì?

5. So sánh với hoa cỏ (c. 28-30), tại sao chúng ta không nên lo lắng?

6. Theo câu 31-32, tại sao chúng ta không nên lo lắng?

7. Tìm kiếm “nước Đức Chúa Trời” là tìm kiếm điều gì? Tìm kiếm “sự công bình của Ngài” là tìm kiếm điều gì?

8. Chúa Giê-xu cho thấy chân lý gì trong câu 34?

 

Phân đoạn nầy bắt đầu với hai chữ “vậy nên” hàm ý phần nầy tiếp tục với ý của các câu trước đó (19-24). Các câu nầy cho thấy có một lựa chọn hay quyết định giữa hai điều: của cải trên trời hay của cải dưới đất, mắt sáng hay mắt xấu và thờ Chúa hay thờ ma-môn. Nếu quyết định sống theo tiêu chuẩn của Chúa, chúng ta sẽ không có gì phải lo lắng khi sống trên trần gian nầy. Hai nhu cầu lớn nhất của con người là ăn và mặc. Dù ở đâu, làm gì, thuộc sắc dân nào, ăn và mặc là hai điều không thể thiếu trong đời sống. Tuy nhiên, ăn và mặc thật ra chỉ là phương tiện. Hai điều quan trọng hơn thức ăn và đồ mặc là sự sống thân thể. Chúa Giê-xu đối chiếu giữa sự sống với thức ăn và thân thể với đồ mặc (c. 25) và cho thấy sự sống và thân thể là hai điều quan trọng hơn. Nói khác đi, nếu Chúa không ban cho chúng ta thân thể và sự sống thì thức ăn và đồ mặc không có ý nghĩa gì. Ngược lại, nếu Chúa đã ban cho chúng ta sự sống và thân thể, chắc chắn Chúa sẽ ban cho phương tiện để nuôi sự sống và che đậy, bảo vệ thân thể. Sự sống và thân thể quý trọng hơn thức ăn và đồ mặc ở điểm đó. 

Gieo, gặt, thâu trữ vào kho tàng (c. 26) là tiến trình trong ngành canh nông để có thực phẩm. Chim chóc không cần tiến trình đó mà vẫn được nuôi sống. Chúa không bảo chúng ta đừng làm việc để sống nhưng nhắc chúng ta một chân lý quan trọng, đó là Chúa nuôi sống mỗi loài bằng những cách khác nhau. Chúa không gọi Đức Chúa Trời là cha của loài chim nhưng là Cha các ngươi cho thấy con người là mối quan tâm chính của Đức Chúa Trời. Chim là loài phụ thuộc mà còn được Đức Chúa Cha nuôi sống huống chi là loài người quí trọng hơn loài chim!

Đời mìnhmột khắc trong câu 27 khó đi chung với nhau vì “một khắc” (pechys) là đơn vị đo lường chiều dài (khoảng 45 cm) không thể dùng để đo đời sống bằng thời gian. Đây có thể là lối nói ví von, so sánh cuộc đời như một chiều dài đo được (Thi thiên 39:5a), trong nghĩa đó, lo lắng là để đời dài thêm một sải. Chữ “đời” (helikia) cũng có nghĩa là “vóc dáng.” Lu-ca 19:3 nói Xa-chê là người thấp (dịch từng chữ là “vóc dáng thấp”). Trong nghĩa đó, câu nầy nghĩa là “làm cho mình cao thêm một sải.” Dù trong nghĩa nào, Chúa cho thấy đây là việc bất khả thi, không thể thực hiện được. Lo lắng không thể giúp chúng ta sống thêm được một vài giây phút, lo lắng cũng không giúp cao thêm được vài phân. Lo lắng là vô ích, không đem lại ích lợi gì cả!

So sánh với hoa cỏ, Chúa cho thấy điều tương tự: chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ. Hoa huệ ngoài đồng là chỉ chung các loài hoa dại, không nhất thiết là thứ hoa nào. Hai điều Chúa nói về  hoa là: (1) Vẻ đẹp: dẫu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc áo tốt như một hoa nào trong giống đó. Và: (2) Sự mong manh: nay còn sống, mai bỏ vào lò. Hoa đồng nội rất mong manh nhưng lại rất đẹp, đó là điều Chúa bảo chúng ta nhìn và suy nghĩ (Hãy ngắm xem). Hoa cỏ chóng phai tàn mà còn được mặc đẹp, nhìn hoa cỏ, ta không cần phải lo lắng về đồ mặc của mình.

Hai câu 31-2 cho thấy hai lý do chúng ta không nên lo lắng: (1) Lo lắng là của những người ngoài Chúa, không có Chúa (các dân ngoại). (2) Chúng ta có người Cha biết mọi nhu cầu của mình.

Chữ nhưng ở đầu câu 33 là để đối chiếu với tất cả những lo lắng vô ích và không cần thiết ở trên. Trước hết cho thấy thứ tự ưu tiên. Điều quan trọng không phải là lo lắng nhưng là tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài. Nước Đức Chúa Trời hay vương quốc Đức Chúa Trời nói đến quyền cai trị của Đức Chúa Trời, bắt đầu với Chúa Giê-xu và sẽ đạt đến cao điểm lúc Chúa trở lại làm vua. Tìm kiếm nước Chúa mang ý nghĩa đeo đuổi, tìm kiếm để quyền cai trị của Chúa được thực hiện trong mọi lãnh vực của đời sống, tương tự như ba lời cầu xin đầu tiên trong bài cầu nguyện Chúa dạy: Danh Cha được thánh, nước Cha được đến, ý Cha được nên, nghĩa là thuận phục ý Chúa, làm theo ý Chúa, Chúa thật sự là vua của đời sống. Sự công bình hay công chính của Chúa nói đến tiêu chuẩn của Ngài trong mọi lãnh vực. Sống theo tiêu chuẩn của Chúa không như tiêu chuẩn của người Pha-ri-si (5:20). Sống thế nào để quyền cai trị và đức công chính của Chúa được thể hiện mọi nơi, mọi lúc, đó chính là tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài.

Mọi điều ấy (c. 33b) nói đến nhu cầu ăn mặc và những điều các dân ngoại vẫn thường tìm. Tương tự như ý của Thi thiên 23:6a, khi đeo đuổi tìm kiếm những giá trị tâm linh trước, những nhu cầu khác của đời sống sẽ tự nhiên đi theo chúng ta, không cần phải lo lắng. Chẳng những nhu cầu của chúng ta được đáp ứng nhưng còn nhiều hơn nữa: cho THÊM các ngươi mọi điều ấy nữa!

Câu 34 cho thấy những khó nhọc trong hiện tại là đủ rồi, lo lắng là chúng ta thêm nhưng khó nhọc không cần thiết cho ngày hôm nay. Nói khác đi, lo lắng là điều không cần thiết như trong lời cầu nguyện Chúa dạy: Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày. “Hôm nay” và “đủ ngày,” đó là tiêu chuẩn của Chúa cho con người. Vượt quá những điều đó sẽ đem đến những khó nhọc không cần thiết cho đời sống.