Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 23

7:1-6 - CÁI RÁC VÀ CÂY ĐÀ

1 Các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét. 2 Vì các ngươi đoán xét người ta thể nào, thì họ cũng đoán xét lại thể ấy; các ngươi lường cho người ta mực nào, thì họ cũng lường lại cho mực ấy. 3 Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình? 4 Sao ngươi dám nói với anh em rằng: Để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh, mà chính ngươi có cây đà trong mắt mình? 5 Hỡi kẻ giả hình! trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi, rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được.

6 Đừng cho chó những đồ thánh, và đừng quăng hột trai mình trước mặt heo, kẻo nó đạp dưới chân, và quay lại cắn xé các ngươi.

 

1. “Đoán xét” nghĩa là gì? “Đừng đoán xét ai” có phải là chấp nhận tất cả, không phân biệt đúng hay sai không?

2. Chúa Giê-xu cho thấy định luật gì trong câu 2?

3. Hai hình ảnh “cái rác” và “cây đà” nhằm nói lên điều gì?

4. Người được nhắc đến trong câu 4 là người có thái độ gì?

5. Lời dạy trong câu 5 bảo chúng ta phải làm gì?

 

Đoán xét (krino)có thể có nhiều nghĩa: xét xử trên phương diện pháp lý, lên án, buộc tội, phân biện. Đó không phải là những điều Chúa cấm. Đoán xét trong câu nầy mang ý chỉ trích, phê phán (Rô-ma 14:10-13; Gia-cơ 4:11-12). Đây là thái độ lúc nào cũng thấy lỗi hay khiếm khuyết nơi người khác. Để mình khỏi bị đoán xét, hàm ý không phải là bị loài người đoán xét nhưng là chịu sự xét xử của Chúa (Rô-ma 14:10b). Đoán xét hàm ý coi mình như Đức Chúa Trời cho nên sẽ bị chính Đức Chúa Trời xét xử.

Lường cho mực nào... lường lại mực ấy là một thành ngữ thông dụng (Mác 4:24) và Chúa Giê-xu dùng thành ngữ nầy chỉ về việc phê phán, chỉ trích người khác. Có thể nói câu 1 nói về sự xét đoán của Chúa đối với những người hay xét đoán, còn câu 2 nói về sự xét đoán người khác dành cho chúng ta.  Khi xét đoán người khác, chẳng những chúng ta sẽ bị Chúa xét đoán nhưng cũng sẽ phải nhận hậu quả là bị người khác đối xử lại cùng một cách. Đây là định luật tương xứng, có vay có trả.

Hai hình ảnh Chúa Giê-xu dùng ở đây là cái rác cây đà. Cái rác là một vật nhỏ (cái dằm), còn cây đà là một vật lớn, nói lên ý một người thấy lỗi lầm nhỏ nơi người khác mà không thấy lỗi lầm lớn của chính mình! Đây là thái độ giả hình hay đạo đức giả (c. 5a). Câu chuyện vua Đa-vít lên án người nhà giàu trong II Sa-mu-ên 12:1-7 và người Pha-ri-si coi thường người thu thuế trong Lu-ca 18:9-14 là những ví dụ điển hình về thái độ nầy. Câu 5 hàm ý rằng chúng ta có thể chỉ cho người khác thấy lỗi của họ nhưng điều cần là chúng ta phải thấy và sửa lỗi của mình (thường là lớn hơn lỗi người khác) trước khi giúp người khác (Ga-la-ti 6:1).

Câu 6 tiếp theo phần nói về đoán xét cho thấy sự quân bình của vấn đề: không đoán xét không có nghĩa là không biết phân biện khi ứng xử với người. Chúng ta không nên lên mặt phê phán, chỉ trích người khác mà phải xét và sửa mình (lấy cây đà ra khỏi mắt) trước khi có thể cho người khác thấy lỗi lầm của họ (lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình). Tuy nhiên, không phải đối với ai chúng ta có thể “lấy cái rác” ra dễ dàng. Có những người không chịu hay không muốn nghe ý kiến xây dựng của chúng ta (Châm ngôn 9:8; 15:12). Góp ý hay đề nghị thay đổi với những người đó chẳng khác gì đem vật thánh cho chó hay đem ngọc trai cho heo (tương tự như nói “đàn gảy tai trâu”). Chữ chó trong câu nầy không chỉ súc vật nuôi trong nhà nhưng là loài chó hoang, bẩn thỉu. Heo chẳng những là vật không sạch nhưng cũng nói đến con vật có tính hung dữ, có thể cắn xé. Sứ đồ Phi-e-rơ nhắc đến cả hai con vật nầy trong II Phi-e-rơ 2:22. Vật thánhhột trai chỉ về những điều quý giá thánh khiết. Hột trai cũng nói về giá trị của nước thiên đàng hay Phúc Âm (13:45-46). Đạo của Chúa hay chân lý của Chúa là điều thánh khiết giá trị, nhưng đối với những người cố tình khước từ Phúc Âm mà chúng ta cứ cố nài ép sẽ chỉ đem lại hậu quả tai hại (đạp dưới chân và quay lại cắn xé các ngươi). Heo có thể lầm tưởng ngọc trai là thức ăn nhưng khi nhận ra đó không phải thức ăn chắc chắn sẽ có phản ứng hung dữ đối với người cho nó.