Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 28

8:5-13 - THẨM QUYỀN TRONG LỜI NÓI

5 Khi Đức Chúa Jêsus vào thành Ca-bê-na-um, có một thầy đội đến cùng Ngài, 6 mà xin rằng: Lạy Chúa, đứa đầy tớ tôi mắc bịnh bại, nằm liệt ở nhà tôi, đau đớn lắm. 7 Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta sẽ đến, chữa cho nó được lành 8 Thầy đội thưa rằng: Lạy Chúa, tôi chẳng đáng rước Chúa vào nhà; xin Chúa chỉ phán một lời, thì đầy tớ tôi sẽ được lành. 9 Vì tôi ở dưới quyền người khác, tôi cũng có quân lính dưới quyền tôi nữa; tôi biểu tên nầy rằng: hãy đi! thì nó đi; biểu tên kia rằng: Hãy đến! thì nó đến; và dạy đầy tớ tôi rằng: Hãy làm việc nầy! thì nó làm.

10 Đức Chúa Jêsus nghe lời đó rồi, lấy làm lạ, mà phán cùng những kẻ đi theo rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ta chưa hề thấy ai trong dân Y-sơ-ra-ên có đức tin lớn dường ấy. 11 Ta cũng nói cùng các ngươi, có nhiều người từ đông phương, tây phương sẽ đến, ngồi đồng bàn với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp trong nước thiên đàng. 12 Nhưng các con bổn quốc sẽ bị liệng ra chốn tối tăm ở ngoài, tại đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng. 13 Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng thầy đội rằng: Hãy về, theo như điều ngươi tin thì sẽ được thành vậy. Và chính trong giờ ấy, đứa đầy tớ được lành.

 

1. Xin cho biết chức vụ “thầy đội” trong thời Chúa Giê-xu.

2. Câu nói của thầy đội (c. 8-9) mang ý nghĩa gì mà Chúa Giê-xu nói: “Ta chưa hề thấy ai trong dân Y-sơ-ra-ên có đức tin lớn dường ấy”?

3. Chúa Giê-xu hàm ý gì trong câu 11-12?

4. Yếu tố nào đã giúp cho người đầy tớ của thầy đội được chữa lành?

5. Chúng ta học được điều gì trong câu chuyện nầy? Áp dụng như thế nào?

 

Câu chuyện nầy xảy ra tại Ca-bê-na-um là trung tâm truyền giáo của Chúa Giê-xu trong giai đoạn đầu chức vụ của Chúa tại Ga-li-lê. Người được chữa lành là đầy tớ của một sĩ quan La-mã (thầy đội). Thầy đội theo nghĩa của tên gọi là người chỉ huy một trăm người lính. Những thầy đội được nhắc đến trong các sách Phúc Âm và sách Công vụ đều là những người thật đặc biệt. Trong quân đội La-mã ngày xưa, chức vụ thầy đội, tương đương với chức vụ đại đội trưởng ngày nay, là một chức vụ quan trọng. Quân đội La-mã chinh phục và chiến thắng là nhờ các thầy đội. Họ là thành phần nòng cốt của quân đội với tinh thần kỷ luật và khả năng thiện nghệ. Vị sĩ quan nầy quen việc chỉ huy và hiểu rõ sức mạnh của mệnh lệnh từ cấp trên và ông đã suy nghĩ về quyền năng của Chúa trong ý nghĩ đó.

Lời nói của vị sĩ quan có sức mạnh vì ông là người có thẩm quyền. Chính thẩm quyền khiến cho lời nói của ông có sức mạnh và ông suy diễn quyền năng của Chúa tương tự  như vậy. Chúa Giê-xu có thẩm quyền nên lời nói của Ngài cũng sẽ có quyền năng như chính sự hiện diện của Ngài. Mỗi ngày vị sĩ quan nầy chỉ cần dùng lời nói sai khiến mà làm được nhiều điều, không cần phải có mặt. Lời nói của Chúa Giê-xu cũng sẽ làm được việc như vậy vì Ngài là Đấng quyền năng. Đó là cái nhìn của vị sĩ quan về Chúa Giê-xu và ông áp dụng hiểu biết đó trong câu nói với Chúa (c. 8-9).

Thấy đức tin của vị sĩ quan thể hiện qua câu nói đó mà Chúa Giê-xu phán: Ta chưa hề thấy ai trong dân Y-sơ-ra-ên có đức tin lớn dường ấy!  (c.  10b). Con dân Chúa biết Đức Chúa Trời là Đấng quyền năng nhưng ít khi bày tỏ đức tin nơi Chúa như viên sĩ quan nầy. Con dân Chúa thường hãnh diện và khoe mình là tuyển dân của Chúa, nghĩ rằng chỉ họ được hưởng Nước Chúa. Qua lời tuyên bố trong câu 11-12, Chúa Giê-xu cho thấy lời hứa cho những người không phải là Do-thái (nhiều người từ đông phương, tây phương) sẽ được dự phần trong bàn tiệc của Chúa. Trong khi đó, người Do-thái là con dân Chúa mà chối bỏ Ngài sẽ bị loại trừ khỏi Nước Chúa (bị liệng ra chốn tối tăm ở ngoài).

Yếu tố giúp cho người đầy tớ được chữa lành chính là đức tin của vị sĩ quan (theo như điều ngươi tin thì sẽ được thành vậy, c. 13a).  Viên sĩ quan trong câu chuyện là người có đức tin, không phải đức tin thụ động nhưng là đức tin năng động, thể hiện trong thái độ, lối suy nghĩ và hành động rõ ràng. Nếu chúng ta có đức tin nơi Chúa, đức tin của chúng ta cũng phải thể hiện rõ ràng như vậy. Câu chuyện nầy cũng cho thấy sức mạnh của lời nói. Lời nói có sức mạnh đến từ thẩm quyền của người nói. Chúng ta có lời đầy thẩm quyền của Chúa, chính lời đó ban cho chúng ta sức mạnh để sống chiến thắng và vượt lên trên những khó khăn trong đời sống.