Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 31

8:23-27 - NGƯỜI NẦY LÀ AI?

 23 Kế đó, Đức Chúa Jêsus xuống thuyền, các môn đồ theo Ngài. 24 Thình lình biển nổi bão lớn, đến nỗi sóng dậy phủ thuyền; nhưng Ngài đang ngủ. 25 Các môn đồ đến gần, đánh thức Ngài, mà thưa rằng: Lạy Chúa, xin cứu chúng tôi với, chúng tôi hầu chết! 26 Ngài phán rằng: Hỡi kẻ ít đức tin kia, cớ sao các ngươi sợ? Ngài bèn đứng dậy, quở gió và biển; thì liền yên lặng như tờ. 27 Những người đó lấy làm lạ, nói rằng: Người nầy là ai, mà gió và biển đều vâng lịnh người?

 

1. Tại sao Chúa trách môn đồ là “ít đức tin?

2. Câu 27 là câu hỏi hay hàm ý gì khác?

 

Phần đầu của chương 8 cho thấy Chúa Giê-xu có quyền trên bệnh tật. Phân đoạn nầy cho thấy quyền năng của Chúa trên thiên nhiên. Câu 23 nối tiếp với câu 18 ở trên cho thấy lý do Chúa Giê-xu và các môn đồ lên thuyền qua bờ bên kia là để tránh đoàn dân đông. Những cơn bão thình lình trên biển hồ Ga-li-lê là chuyện thường xảy ra vì địa hình và khí hậu trong vùng. Biển hồ Ga-li-lê thấp hơn mặt biển đến hai trăm mét, khi nơi nóng bốc lên cao tạo nên những cơn gió mạnh thổi xuống hồ thì bão nổi lên.

 Chúa Giê-xu thì bình tâm trong hoàn cảnh nầy (Ngài ngủ) trong khi các môn đồ thì hoảng sợ. Chữ sợ Chúa Giê-xu trách các môn đồ (c. 26a) mang ý nghĩa nhát sợ, cùng một chữ “hèn nhát” trong Khải Huyền 21:8. Sự kiện các môn đồ kinh sợ chứng tỏ đây là một cơn bão dữ dội vì một số các môn đồ của Chúa là ngư phủ chuyên nghiệp. Sợ được đối chiếu với ít đức tin cho thấy lý do chính của sợ hãi là ít đức tin. Ít không nói về số lượng nhưng là chất lượng, nghĩa là lòng tin không mạnh mẽ.

Chúa Giê-xu đã giải quyết nan đề bằng cách quở gió và biển (c. 26b). Quở nghĩa là dùng lời nói với uy quyền để ra lệnh hay trấn áp. Điều nầy cho thấy Chúa có quyền trên thiên nhiên và câu, Người nầy là ai mà gió và biển đều vâng lệnh người, chẳng những là một câu hỏi nhưng cũng hàm ý xác nhận rằng chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể ra lệnh cho gió và biển như vậy. Nói khác đi, đây là câu nói lên thần tính của Chúa: Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời.

Phân đoạn nầy dạy chúng ta:

1. Cần có đức tin vững vàng nơi Chúa để vượt thắng sợ hãi.

2. Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời vì Ngài có quyền trên thiên nhiên.