Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 34

9:9-17 - LÀM MÔN ĐỆ CHÚA

9 Đức Chúa Jêsus đã đi khỏi nơi đó rồi, thấy một người tên là Ma-thi-ơ đang ngồi tại sở thâu thuế, bèn phán cùng người rằng: Hãy theo ta. Người liền đứng dậy, mà theo Ngài. 10 Vả, đang khi Đức Chúa Jêsus ngồi ăn tại nhà Ma-thi-ơ, có nhiều người thâu thuế cùng kẻ xấu nết đến ngồi ăn với Ngài và môn đồ Ngài. 11 Người Pha-ri-si thấy vậy, thì nói cùng môn đồ Ngài rằng: Làm sao thầy các ngươi ngồi ăn chung với người thâu thuế và kẻ xấu nết vậy? 12 Đức Chúa Jêsus nghe đều đó, bèn phán rằng: Chẳng phải là người khỏe mạnh cần thầy thuốc đâu, song là người có bịnh. 13 Hãy đi, và học cho biết câu nầy nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của lễ. Vì ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội.

14 Khi ấy, các môn đồ của Giăng đến tìm Đức Chúa Jêsus, mà thưa rằng: Cớ sao chúng tôi và những người Pha-ri-si kiêng ăn, còn môn đồ thầy không kiêng ăn? 15 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Trong khi chàng rể còn ở với bạn hữu đến mừng cưới, thì những bạn hữu đó có thể nào buồn rầu được ư? Nhưng đến ngày nào chàng rể sẽ bị đem đi khỏi họ, thì họ mới kiêng ăn. 16 Không có ai vá miếng nỉ mới vào cái áo cũ; vì nếu làm vậy, miếng nỉ mới sẽ chằng rách áo cũ, và đàng rách trở nên xấu hơn. 17 Cũng không có ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; nếu làm vậy thì bầu nứt, rượu chảy ra, và bầu phải hư; song ai nấy đổ rượu mới vào bầu mới, thì giữ được cả hai bề.

 

1. Tại sao Ma-thi-ơ có thể theo Chúa cách dễ dàng như vậy (c. 9)?

2. “Kẻ xấu nết” (c. 10) chỉ về ai?

3. Xin giải thích câu nói của Chúa Giê-xu trong câu 12.

4. Câu 13 cho thấy tâm tình gì nơi Chúa Giê-xu?

5. “Chàng rể” và “bạn hữu” (c. 15) chỉ về ai?

6. Xin cho biết nguyên tắc rút ra từ hai hình ảnh Chúa Giê-xu nói trong câu 16-17.

 

Theo thứ tự diễn tiến (c. 1, 9) chúng ta biết Ma-thi-ơ là người thu thuế tại Ca-bê-na-um. Sở thâu thuế của Ma-thi-ơ có thể là trạm thu thuế hải quan mà người La-mã cho phép vua Hê-rốt đặt ra để thu thuế các con buôn vận chuyển giữa Sy-ri và Ai-cập. Cũng có thể là sở thu thuế ngay bên biển hổ Ga-li-lê để thu thuế những người buôn bán đến từ bờ hồ bên kia, thuộc địa phận I-tu-rê và Tra-cô-nít của Hê-rốt Phi-líp, được kể là hàng hoá đến từ một nước khác (Lu-ca 3:1). Là người ở Ca-bê-na-um, Ma-thi-ơ chắc chắn đã nghe và biết quá nhiều về Chúa Giê-xu. Có thể chính ông cũng đã chứng kiến việc Chúa Giê-xu chữa bệnh, làm phép lạ và nghe Chúa giảng dạy ngay trong thành của mình. Chính vì vậy khi được Chúa gọi, ông đã đứng lên theo Chúa ngay (c. 9).

“Theo Chúa” nghĩa là theo làm môn đệ Chúa. “Làm môn đệ” là một trong những chủ đề chính của Phúc Âm Ma-thi-ơ mà ông Ma-thi-ơ là một trong những môn đệ đó. Lu-ca cho biết Ma-thi-ơ đã “bỏ hết mọi sự... đi theo Ngài” (Lu-ca 5:28), chứng tỏ khi theo Chúa, Ma-thi-ơ đã hy sinh rất nhiều vì thu thuế là một nghề giàu có. Việc Ma-thi-ơ theo Chúa cũng là con đường không có thể quay lại. Làm nghề đánh cá như Phi-e-rơ và Giăng còn có thể quay về với nghề cũ, còn nghề thu thuế khi đã bỏ đi sẽ không bao giờ trở lại được. Nếu đi tìm việc làm khác, cũng không ai muốn nhận người trước kia làm nghề thu thuế làm việc cho mình. Việc Ma-thi-ơ theo Chúa bày tỏ đức tin và lòng nhờ cậy trọn vẹn của ông nơi Chúa.

Để đánh dấu việc theo Chúa, Ma-thi-ơ đã “dọn tiệc trọng thể đãi Ngài tại nhà mình” (Lu-ca 5:29a). Dĩ nhiên là những người bạn cũ làm nghề thu thuế cũng có mặt cùng với nhiều kẻ xấu nết (c. 10). Xấu nết nghĩa là tội lỗi (kẻ tội lỗi). Hai nhóm người thu thuế và tội lỗi thường được kể chung với nhau vì thu thuế là nghề bị coi khinh, kể ngang hàng với người tội lỗi.  Sở dĩ người làm nghề thu thuế bị coi khinh vì họ là những người cộng tác với ngoại nhân, vơ vét tiền bạc của đồng hương. Ngồi ăn chung với người thu thuế và kẻ có tội là điều người Pha-ri-si không bao giờ chấp nhận. Ăn uống chung mang ý nghĩa liên kết, thông công, hoà mình làm một.

Chúa Giê-xu đã trả lời họ bằng một lời ví von: Chẳng phải là người khoẻ mạnh cần thầy thuốc đâu song là người có bịnh (c. 12). Người khoẻ mạnh đây ám chỉ người Pha-ri-si , là những người cho mình khoẻ mạnh, không cần đến Chúa. Người có bịnh là những tội nhân, cần đến Chúa. Sau khi nói về nhu cầu của tội nhân cần đến Chúa, Chúa Giê-xu trích lời Kinh Thánh Cựu Ước cho họ thấy mục đích của Ngài khi đến trần gian: Ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình song kêu kẻ có tội (c. 13b). Lời Kinh Thánh Chúa trích trong Cựu Ước là câu: Ta muốn sự thương xót nhưng chẳng muốn của lễ (c. 13a). Lời nầy hàm ý người Pha-ri-si là những người thiếu lòng thương xót. Họ thường chú trọng đến lễ nghi hình thức bên ngoài mà không có lòng thờ phượng thật. Chúa cho thấy rằng Ngài thương xót người có tội và đến gần họ hơn là những người dâng của lễ rườm rà mà không có lòng tôn kính Đức Chúa Trời.

Kiêng ăn nghĩa là nhịn ăn trong một khoảng thời gian giới hạn. Luật Môi-se buộc con dân Chúa chỉ phải kiêng ăn mỗi năm một lần vào ngày Đại Lễ Chuộc Tội (Lê-vi ký 16:29). Các tiên tri thì thường nhấn mạnh đời sống đạo đức quan trọng hơn kiêng ăn (Ê-sai 58:6-7; Giê-rê-mi 14:12; Xa-cha-ri 7; 8:19). Trong thời Chúa Giê-xu, những người Do-thái sùng đạo thường kiêng ăn mỗi tuần hai lần (Lu-ca 18:12) và cũng kiêng ăn trong những trường hợp đặc biệt. Con dân Chúa thường kiêng ăn khi cần sự giúp đỡ của Chúa, trong những lúc khó khăn cần phải hạ mình trước mặt Chúa (Ê-xơ-tê 4:16; Giô-ên 2:15). Kiêng ăn thường là cách con người dùng để mong được ơn trước mặt Đức Chúa Trời, có lẽ vì vậy mà Chúa Giê-xu và các môn đồ ít kiêng ăn. Chúa Giê-xu chỉ kiêng ăn bốn mươi ngày trước khi bị cám dỗ mà thôi (4:4).  Quan niệm của người thời đó là, người có lòng tin kính thì phải kiêng ăn thường xuyên, vì vậy họ ngạc nhiên khi thấy Chúa Giê-xu và các môn đồ của Ngài không kiêng ăn do đó họ đặt câu hỏi với Chúa (c. 14).

Chúa Giê-xu đã trả lời bằng cách đưa ra ba hình ảnh:

1. Chàng rể và bạn chàng rể (c. 15). Bạn chàng rể chỉ về khách dự tiệc cưới (Bản Hiệu Đính). Tiệc cưới thời đó thường kéo dài nhiều ngày. Đó là dịp để mọi người liên hoan, ăn uống vui vẻ với nhau. Chúa Giê-xu muốn mọi người hình dung ra cảnh một tiệc cưới mà mọi người đến dự tiệc đều nói rằng mình kiêng ăn, không ăn uống gì cả. Đó là chuyện không thể xảy ra. Chàng rể Chúa Giê-xu nói đây là chính Chúa. Giăng Báp-tít cũng dùng hình ảnh đó để mô tả Chúa Giê-xu (Giăng 3:29). Chúa cho thấy là đang khi Chúa còn sống trên đất, còn ở với các môn đệ, thì họ không kiêng ăn. Chỉ khi nào Chúa không còn ở với họ (ngày nào chàng rể bị đem đi khỏi họ, c. 15b) lúc đó họ mới kiêng ăn (Công vụ 9:9; 13:3; 14:23; 27:9).

2. Vải mới áo cũ (c. 16). Vải mới (miếng nỉ mới) nói đến miếng vải chưa bị rút. Một miếng vải như vậy đem vá vào chiếc áo cũ chắc chắn sẽ làm cho chỗ vá thành tệ hơn.

3. Rượu mới bầu da cũ (c. 17). Rượu mới là rượu còn tiếp tục lên men, đổ vào bầu da cũ là thứ bầu da đã cứng, không còn tính đàn hồi. Sức lên men sẽ làm cho những bầu da cũ đó bể đi, hư cả bầu và rượu nho bên trong.

Hai hình ảnh “vải mới áo cũ” và “rượu mới bầu da cũ” nói lên cùng một điều. Chúa Giê-xu cho thấy rằng Chúa đến không phải để cải cách Do-thái giáo hay thiết lập một nhánh khác của Do-thái giáo. Chúa đến là để hoàn thành luật pháp, không phải sửa đổi hay vá víu những điều cũ nhưng để thiết lập một điều hoàn toàn mới. Áo cũbầu da cũ chỉ về hệ thống Do-thái giáo theo hiểu biết không đúng của người thời đó. Vải mớirượu mới là Phúc Âm của Chúa phải được hiểu trong hoàn cảnh mới, không thể đặt trong khung cũ.

Nguyên tắc chúng ta có thể rút ra từ hai ví dụ nầy là cần có một sự thay đổi hoàn toàn trong đời sống tâm linh, không thể kết hợp hay vá víu Phúc Âm của Chúa với bất cứ điều nào khác. Khi chúng ta cố gắng dung hoà hay kết hợp giữa giáo lý của Chúa với những niềm tin khác sẽ chỉ đem lại thiệt hại chứ không lợi ích gì!