Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 35

9:18-26 - CHỮA LÀNH & CỨU SỐNG

18 Đang khi Đức Chúa Jêsus phán các điều đó, xảy có người cai nhà hội kia bước vào, quì lạy trước mặt Ngài mà thưa rằng: Con gái tôi mới chết; xin Chúa đến, đặt tay trên nó, thì nó sẽ được sống.

19 Đức Chúa Jêsus bèn đứng dậy, cùng môn đồ Ngài đều đi theo người. 20 ầy, có một người đàn bà mắc bịnh mất huyết đã mười hai năm, lại gần sau lưng mà rờ trôn áo Ngài. 21 Vì người đàn bà ấy tự nghĩ rằng: Nếu ta chỉ rờ áo Ngài, thì cũng sẽ được lành. 22 Đức Chúa Jêsus xây mặt lại, thấy người đàn bà, thì phán rằng: hỡi con, hãy vững lòng, đức tin con đã làm cho con được lành. Liền trong giờ đó, người đàn bà lành bịnh.

23 Khi Đức Chúa Jêsus đến nhà người cai nhà hội, thấy bọn thổi sáo, và chúng làm om sòm, 24 thì phán rằng: Các ngươi hãy lui ra; con gái nhỏ nầy chẳng phải chết đâu, nhưng nó ngủ. Chúng nghe thì chê cười Ngài. 25 Bọn đó đã bị đuổi ra rồi, Ngài bèn vào, cầm lấy tay đứa gái, thì nó liền chờ dậy. 26 Tin nầy đồn ra khắp cả xứ đó.

 

1. “Cai nhà hội” (c. 18) là người làm việc gì?

2. Giữa câu chuyện Chúa cứu sống con của người cai nhà hội là câu chuyện gì?

3. Tại sao thiếu phụ không công khai xin Chúa chữa bệnh mà chỉ đến lén đụng đến áo của Chúa (c. 20)?

4. Yếu tố nào giúp thiếu phụ được chữa lành (c. 22)?

5. Điểm khác nhau trong cách Chúa chữa bệnh cho thiếu phụ và cứu sống con gái Giai-ru là gì?

 

Sau khi đền thờ tại Giê-ru-sa-lem bị tàn phá và con dân Chúa bị lưu đày, nhà hội là nơi được thiết lập để con dân Chúa dù ở đâu cũng có nơi để nghe Lời Chúa trong ngày Sa-bát và trẻ em được dạy dỗ. Kinh Thánh nhắc đến hai chức viên trong nhà hội là: (1) Người cai nhà hội. Và: (2) Kẻ giúp việc (Lu-ca 4:20). Cai nhà hội (“quản lý nhà hội,” Bản Hiệu Đính) là người chịu trách nhiệm về tổ chức, chỉ định người đọc Kinh Thánh và cầu nguyện hằng tuần, mời người giảng dạy và chịu trách nhiệm về trật tự trong nhà hội (Lu-ca 13:14). 

Người cai nhà hội trong câu chuyện nầy (Mác và Lu-ca cho biết tên là Giai-ru) đến với Chúa Giê-xu để xin Chúa cứu sống đứa con gái. Ma-thi-ơ rút ngắn câu chuyện nên cho biết đứa bé đã chết (Mác và Lu-ca ghi là gần chết). Dù là trường hợp nào, chúng ta thấy đức tin lớn nơi người cai nhà hội nầy (c. 18).

Trên đường đến nhà người cai nhà hội, một thiếu phụ bị bịnh mất huyết đã lấy đức tin đụng đến áo của Chúa và được chữa lành (c. 20-22). Người bị mất huyết hay rong huyết (Bản Hiệu Đính) bị kể là ô uế (Lê-vi ký 15:25-27) và người nào đụng đến người ấy cũng bị lây ô uế. Chính vì vậy người nầy không dám đến gặp Chúa công khai nhưng với đức tin bà tự nghĩ: Nếu ta chỉ rờ áo Ngài thì cũng sẽ được lành (c. 21). Áo của người Do-thái thường có những tua dài để nhắc họ vâng giữ điều răn của Chúa (Dân số ký 15:37-39; Phục truyền 22:12). Có thể thiếu phụ đã đụng đến một trong các tua áo nầy của Chúa. Mác và Lu-ca ghi lại chi tiết hơn về việc Chúa nhận diện thiếu phụ, Ma-thi-ơ thì rút ngắn và chỉ ghi lại câu Chúa Giê-xu nói với bà: Hỡi con, hãy vững lòng, đức tin con đã làm cho con được lành (c. 22). Chính Chúa Giê-xu xác nhận là nhờ đức tin mà thiếu phụ đã được chữa lành. Lành cũng mang ý nghĩa chữa lành tâm linh (trong nguyên văn đây cũng là chữ cứu trong câu “CỨU dân mình ra khỏi tội, 1:21). 

Tại nhà người cai nhà hội có bọn thổi sáo và chúng làm om sòm (c. 23). Theo sách Mishnah ghi luật truyền khẩu của người Do-thái, đám tang buộc phải có “ít nhất hai người thổi sáo và một người khóc mướn.” Bọn thổi sáo và chúng làm om sòm chỉ về những người nầy và có thể có thêm sự than khóc trong gia đình, cho thấy một hoàn cảnh hoàn toàn tuyệt vọng. Đối với Chúa Giê-xu, đứa bé chỉ đang ngủ (c. 24) và vì vậy Chúa đuổi tất cả những người cho rằng đứa bé đã chết ra ngoài (c. 24a). Đụng đến một người đã chết là bị ô uế nhưng Chúa Giê-xu đã cầm lấy tay đứa gái và cứu em sống lại (c. 25). Chúa Giê-xu chữa bệnh bằng lời phán (c. 6), bằng yên lặng (c. 21) và bằng hành động (c. 25). Tất cả cho thấy quyền năng chữa bệnh của Ngài, phương cách chỉ là phương tiện trong mỗi trường hợp.