Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 36

9:27-38 - HAI NGƯỜI MÙ & MỘT NGƯỜI CÂM

27 Đức Chúa Jêsus ở đó ra đi, có hai người mù theo Ngài mà kêu rằng: Hỡi con cháu vua Đa-vít, xin thương chúng tôi cùng! 28 Khi Ngài đã vào nhà rồi, hai người mù đến; Ngài bèn phán rằng: Hai ngươi tin ta làm được điều hai ngươi ao ước sao? Họ thưa rằng: Lạy Chúa được. 29 Ngài bèn rờ mắt hai người mà phán rằng: Theo như đức tin các ngươi, phải được thành vậy. 30 Mắt hai người liền mở. Đức Chúa Jêsus lấy giọng nghiêm phán rằng: Hãy giữ, đừng cho ai biết chuyện nầy. 31 Song lúc hai người ra khỏi nhà, thì đồn danh tiếng Ngài khắp cả xứ.

32 Khi đi khỏi chỗ đó, thì người ta đem tới cho Ngài một người câm bị quỉ ám. 33 Quỉ bị đuổi ra rồi, thì người câm nói được. Đoàn dân lấy làm lạ mà nói rằng: Không hề bao giờ thấy sự như vậy trong dân Y-sơ-ra-ên. 34 Nhưng người Pha-ri-si lại nói rằng: Người nầy cậy phép chúa quỉ mà trừ quỉ.

 

1. Chúa Giê-xu được gọi bằng danh hiệu gì trong câu 27? Gọi như vậy mang ý nghĩa gì?

2. Xin cho biết phương cách Chúa chữa lành hai người mù trong trường hợp nầy.

3. Yếu tố nào giúp cho hai người mù được chữa lành?

4. Xin cho biết tình trạng của người bệnh trong câu 32.

5. Xin cho biết phản ứng của người Pha-ri-si khi chứng kiến việc Chúa đuổi quỷ.

 

Câu chuyện Chúa chữa lành hai người mù (c. 27-31) xảy ra giữa lúc Chúa rời nhà người cai nhà hội để về nhà (c. 28a). Đây có thể là nơi Chúa ở tại Ca-bê-na-um hoặc cũng có thể là trở lại nhà của Ma-thi-ơ trong câu chuyện trước (c. 10). Hai người mù gọi Chúa là, Con cháu vua Đa-vít (c. 27). Đây là danh hiệu dành cho Đấng Mê-si-a mà người Do-thái đang mong đợi. Một trong những điều sẽ xảy ra khi Đấng Mê-si-a xuất hiện là “những kẻ mù sẽ mở mắt” (Ê-sai 35:5). Theo câu 26, quyền năng chữa lành của Chúa Giê-xu đã đồn ra khắp nơi. Có lẽ vì vậy mà hai người mù biết về Chúa Giê-xu. Vì muốn được chữa lành và tin Chúa Giê-xu chính là Đấng Mê-si-a đã được hứa ban cho nên hai người nầy đã theo Chúa và kêu xin Ngài để được chữa lành.

Chúa Giê-xu đợi khi vào nhà mới chữa lành cho hai người mù (c. 28) có lẽ vì để tránh sự hiểu lầm và náo loạn không cần thiết nếu người ta biết Chúa thật là Đấng Mê-si-a phải đến. Lời Chúa Giê-xu dặn dò hai người mù (c. 30) cho thấy điều đó. Chúa Giê-xu thật là Đấng Mê-si-a phải đến nhưng không phải là Mê-si-a trên phương diện chính trị mà người Do-thái đang mong đợi. Chúa Giê-xu đặt câu hỏi cho hai người mù để xác nhận đức tin của họ: Hai ngươi tin Ta làm được điều hai ngươi ao ước sao? Câu hỏi nầy hàm ý: “Hai ngươi có thật sự tin là Ta có thể chữa lành cho hai ngươi không?” Câu trả lời: Lạy Chúa, được, cho thấy đức tin của họ.

Chúa Giê-xu đã chữa lành bằng cách rờ mắt hai người (c. 29) và một lần nữa cho thấy căn bản nhờ đó họ được chữa lành: Theo như đức tin các ngươi phải được thành vậy. Trong ba phép lạ liên tiếp (c. 18-30) đức tin là yếu tố căn bản để được chữa lành. Các phép lạ Chúa Giê-xu thực hiện cho thấy quyền năng của Chúa nhưng cũng cho thấy đức tin của người nhận phép lạ là điều quan trọng.

Người được chữa lành tiếp theo là một người câm bị quỷ ám (c. 32). Thường một người chỉ mắc một trong hai chứng trên, trường hợp nầy là một người bị quỷ ám làm cho câm vì khi quỷ bị đuổi ra rồi thì người câm nói được (c. 33a). Câu chuyện nầy không nhắc gì đến đức tin hay cách Chúa đuổi quỷ mà chỉ nói đến kết quả sau khi quỷ ra khỏi người câm. Mục đích của Ma-thi-ơ trong phần nầy là để cho thấy hai phản ứng khác nhau: (1) Phản ứng của đoàn dân (c. 33b). Và: (2) Phản ứng của người Pha-ri-si (c. 34). Sau nầy, một câu chuyện tương tự cũng được Ma-thi-ơ ghi lại (12:22-24) và được khai triển để nói về tội phạm đến Đức Thánh Linh (12:25-32). Sự ngạc nhiên của đoàn dân qua câu nói, Không hề bao giờ thấy sự như vậy trong dân Y-sơ-ra-ên (c. 33b) chứng tỏ họ khâm phục và công nhận quyền năng của Chúa. Ngược lại, người Pha-ri-si thì tìm cách lý giải việc Chúa đuổi quỷ để phủ nhận quyền năng của Chúa. Họ nói: Người nầy cậy phép chúa quỷ mà trừ quỷ (c. 34). Có thể nói, phản ứng hay đáp ứng của một người trước phép lạ chứng tỏ người đó có đức tin nơi Chúa hay không.