Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 41

10:24-42 - MÔN ĐỒ KHÔNG HƠN THẦY

24 Môn đồ không hơn thầy, tôi tớ không hơn chủ. 25 Môn đồ được như thầy, tôi tớ được như chủ, thì cũng đủ rồi. Nếu người ta đã gọi chủ nhà là Bê-ên-xê-bun, phương chi là người nhà! 26 Vậy, các ngươi đừng sợ; vì chẳng có việc gì giấu mà chẳng phải bày ra, cũng chẳng có việc gì kín nhiệm mà sau sẽ chẳng biết. 27 Cho nên lời ta phán cùng các ngươi trong nơi tối tăm, hãy nói ra nơi sáng láng; và lời các ngươi nghe kề lỗ tai, hãy giảng ra trên mái nhà. 28 Đừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn; nhưng thà sợ Đấng làm cho mất được linh hồn và thân thể trong địa ngục. 29 Hai con chim sẻ há chẳng từng bị bán một đồng tiền sao? Và ví không theo ý muốn Cha các ngươi, thì chẳng hề một con nào rơi xuống đất. 30 Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi. 31 Vậy, đừng sợ chi hết, vì các ngươi quí trọng hơn nhiều con chim sẻ. 32 Bởi đó, ai xưng ta ra trước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ xưng họ trước mặt Cha ta ở trên trời; 33 còn ai chối ta trước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ chối họ trước mặt Cha ta ở trên trời.

34 Chớ tưởng rằng ta đến để đem sự bình an cho thế gian; ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm giáo. 35 Ta đến để phân rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, dâu với bà gia; 36 và người ta sẽ có kẻ thù nghịch, là người nhà mình. 37 Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta; 38 ai không vác cây thập tự mình mà theo ta, thì cũng chẳng đáng cho ta. 39 Ai gìn giữ sự sống mình, thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta mất sự sống mình, thì sẽ tìm lại được.

40 Ai rước các ngươi, tức là rước ta; ai rước ta, tức là rước Đấng đã sai ta. 41 Ai rước một đấng tiên tri vì là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của đấng tiên tri; ai rước một người công chính vì là công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. 42 Ai sẽ cho một người trong bọn nhỏ nầy chỉ uống một chén nước lạnh, vì người nhỏ đó là môn đồ ta, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ ấy sẽ chẳng mất phần thưởng của mình đâu.

 

1. Chúa Giê-xu so sánh “môn đồ và thầy,” “tôi tớ và chủ” trong câu 24-25 nhằm mục đích gì?

2. “Bê-ên-xê-bun” là ai? Gọi chủ nhà là “Bê-ên-xê-bun” nghĩa là thế nào?

3. Câu 26-27 nhằm khuyến khích các sứ đồ làm gì?

4. “Đấng làm cho mất được linh hồn và thân thể trong địa ngục” là ai? Tại sao?

5. So sánh con người với chim sẻ (c. 29, 31) nói lên ý gì?

6. Xin giải thích câu 30 và điểm áp dụng cho câu nầy.

7. Xin giải thích những chữ “xưng” và “chối” trong câu 32-33.

8. Tại sao Chúa nói: “Ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm giáo” (c. 34b)?

9. Lời dạy trong câu 37 có đi ngược lại với điều răn: “Hãy hiếu kính cha mẹ” không? Tại sao?

10. Chúa Giê-xu dạy các sứ đồ nguyên tắc gì trong câu 40-42? Áp dụng nhu thế nào?

 

Ma-thi-ơ chương 10 là sứ vụ Chúa Giê-xu giao cho các sứ đồ. Sau khi dặn dò phương thức truyền giáo (c. 5-15), Chúa Giê-xu nói trước về những khó khăn họ sẽ phải đương đầu (c. 16-23). Để các sứ đồ không nản lòng, Chúa Giê-xu khích lệ bằng cách cho họ thấy một số điều tất nhiên để họ không kinh ngạc. Trước hết Chúa đối chiếu “môn đồ và thầy,” “tôi tớ và chủ,” “chủ nhà và người nhà” (c. 24-25). Trong các câu so sánh nầy, thầy, chủchủ nhà chỉ về Chúa, còn môn đồ, tôi tớngười nhà là các sứ đồ. Chúa muốn nhắc cho họ nhớ là những khó khăn đã xảy ra cho Chúa, chắc chắn sẽ xảy ra cho họ và có thể còn nhiều hơn nữa (c. 25). Nhớ đó là điều hiển nhiên, họ sẽ không nản lòng.

Trong 9:34, người Pha-ri-si nói Chúa “cậy phép chúa quỷ mà trừ quỷ.” Bê-ên-xê-bun là tên gọi của chúa quỷ. Tên gọi nầy phát xuất từ chữ Ba-anh Xê-bụt, (II Vua 1:3, 16). Gọi chủ nhà là Bê-ên-xê-bun nghĩa là coi Chúa Giê-xu là ma quỷ, hay chúa quỷ, tức là Sa-tan! Người Pha-ri-si khước từ Chúa và không công nhận quyền năng của Ngài là đến từ Đức Chúa Trời nên đã tìm cách giải thích, cho rằng chỉ có chúa quỷ mới có thể trừ quỷ được mà thôi. Nếu quyền năng của Chúa Giê-xu mà còn bị xuyên tạc và phỉ báng như vậy thì huống hồ là môn đệ (người nhà) của Chúa.

Các sứ đồ ra đi sẽ phải đối diện với chống đối. Chúa bảo họ đừng vì vậy mà im tiếng nhưng phải mạnh dạn rao giảng sứ điệp của Chúa (c. 26-27). Kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn là những người bách hại sứ đồ của Chúa. Họ có thể gây khó khăn và cùng lắm là giết chết phần thể xác mà thôi. Vì vậy, Chúa bảo, Đừng sợ những người đó. Điều đáng sợ hơn là chết cả thể xác lẫn linh hồn nơi địa ngục và Đức Chúa Trời là Đấng làm điều đó. Nói khác đi, đừng sợ người nhưng hãy sợ Chúa. Chúa mới đáng cho chúng ta kính sợ và vâng lời.

Hai con chim sẻ há chẳng từng bị bán một đồng tiền sao (c. 29a) cho thấy giá trị nhỏ bé của loài chim (một đồng tiền trị giá khoảng 1/16 lương công nhật thời đó). Chim sẻ không giá trị gì mà Đức Chúa Trời còn quan tâm đến việc sống còn của chúng, con người quý trọng (giá trị) hơn nhiều con chim sẻ, việc sống chết của chúng ta chắc chắn nằm trong sự kiểm soát của Ngài (theo ý muốn Cha các ngươi). Một hình ảnh khác mô tả ơn thần hựu hay quyền tể trị của Chúa là, Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi (c. 30). Đếm hết theo cách dùng của động từ nầy trong nguyên văn, hàm ý Chúa đã xác định con số, cho thấy sự quan tâm của Đức Chúa Trời đến từng chi tiết nhỏ nhặt trong đời sống con người.

Đừng sợ được nhắc đến ba lần trong phân đoạn nầy (c. 26, 28, 31) cho thấy những lời Chúa Giê-xu phán ở đây nhằm khích lệ và giúp các sứ đồ vững lòng khi đối diện với chống đối và bách hại: (1) Đừng sợ vì chính Chúa cũng bị đối xử giống như vậy, do đó hãy mạnh dạn rao giảng (c. 24-27). (2) Đừng sợ người nhưng hãy sợ Đức Chúa Trời (c. 28). (3) Đừng sợ vì Đức Chúa Trời quan tâm đến đời sống chúng ta (c. 29-31).

Chúa Giê-xu chẳng những khích lệ các sứ đồ vững lòng, Chúa cũng nhấn mạnh về lòng trung thành của họ đối với Ngài (c. 32). Xưng nghĩa là tuyên bố trung thành với một người nào. Lòng trung thành của chúng ta đối với Chúa trên trần gian nầy, bất chấp mọi gian khổ, bách hại, sẽ quyết định số phận đời đời của chúng ta ở thiên đàng (c. 32-33).

Tại sao Chúa nói: Ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm giáo (c. 34b)? Bình an trong Kinh Thánh không chỉ có nghĩa là tình trạng không chiến tranh nhưng mang  ý nghĩa hài hòa, hòa hợp. Bình an Chúa Giê-xu đem đến là việc chiến thắng tội lỗi và đem con người trở về với Đức Chúa Trời. Trong ý nghĩa đó, bình an với Đức Chúa Trời chắc chắn tạo ra tranh chấp với tội lỗi và tất cả những ai đứng về phía tội lỗi. Chúa Giê-xu nói Chúa đến đem gươm giáo trong ý nghĩa đó. Gươm giáo là hình ảnh hay dấu hiệu của tranh chấp và chia cắt. Chọn đứng về cùng phía với Chúa, chắc chắn sẽ gây tranh chấp và chia rẽ với người khác. Những mối quan hệ gia đình: con trai với cha, con gái với mẹ, dâu với bà gia (c. 35) là những mối quan hệ căn bản và gần gũi nhất. Những mối quan hệ nầy trong đời sống sẽ bị ảnh hưởng khi một phần tử trong gia đình quyết định chọn con đường của Chúa. Trong trường hợp có chia rẽ trong gia đình như vậy, lời dạy của Chúa là: Ai yêu cha mẹ hơn Ta thì không đáng cho Ta, ai yêu con trai hay là con gái hơn Ta thì cũng không đáng cho Ta (c. 37). Câu nầy không đi ngược lại lời dạy: “Hãy hiếu kính cha mẹ” nhưng cho thấy Chúa phải là ưu tiên hàng đầu trong những lựa chọn và quyết định của chúng ta.

Một bước nữa trong những hy sinh mà người theo Chúa phải quyết định khi theo Chúa là với chính bản thân: Ai không vác cây thập tự mình mà theo ta, thì cũng chẳng đáng cho ta (c. 38). Vác cây thập tự mình là hình ảnh của tử tội mang thập giá đi ra pháp trường. Vác cây thập tự mình vì vậy nghĩa là kể mình như đã chết, theo Chúa như tử tội vâng lệnh người lính dẫn mình ra pháp trường.

Chúa Giê-xu kết luận phần nầy với câu: Ai gìn giữ sự sống mình, thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mất sự sống mình, thì sẽ tìm lại được (c. 39) để cho thấy những hy sinh gian khổ nói trên không phải là mất mát nhưng sẽ đem lại kết quả vinh quang. Người nào cố ôm giữ cho mình, sống cho mình, không chấp nhận những hy sinh trong cuộc đời theo Chúa (không vác cây thập tự mình) thì sẽ mất, nghĩa là đến cuối cùng sẽ không còn gì. Ngược lại, nếu vì Chúa mà mất sự sống (sự sống thể xác hay đời sống từ bỏ chính mình), cuối cùng sẽ có sự sống thật như lời một bài hát: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân!”

Đời sống theo Chúa không phải chỉ là hy sinh, từ bỏ chính mình, chấp nhận gian khổ, khó khăn nhưng cũng có phần thưởng chờ đón (c. 40-42). Nói đúng hơn, đây là phần thưởng dành cho những người đối xử đúng đối với người của Chúa. Những phần thưởng đó là:

1. Tiếp đón người của Chúa là tiếp đón chính Đức Chúa Trời (c. 40).

2. Người tiếp đón tiên tri hay người công chính sẽ được ban thưởng như chính vị tiên tri hay người công chính đó (c. 41). Tiếp đón vị tiên tri hay người công chính hàm ý rằng người đó tiếp nhận sứ điệp của vị tiên tri (ý nghĩa chính của tiên tri là người truyền rao sứ điệp của Chúa) và có đời sống như đời sống của người công chính.

3. Uống một chén nước lạnh (c. 42) là hành động tối thiểu dành cho khách lạ, là điều không cần được thưởng nhưng Chúa cho biết ngay cả việc làm đó cũng sẽ được ban thưởng. Một người trong bọn nhỏ chẳng những nói đến trẻ em nhưng cũng chỉ về những người nhỏ bé, thấp hèn trong xã hội. Điểm quan trọng là người nhỏ đó là môn đồ Ta.

Phục vụ môn đồ của Chúa dù là ai, lớn hay nhỏ, nhiều hay ít, Chúa Giê-xu cho thấy đó là phục vụ chính Đức Chúa Trời và sẽ không bao giờ mất phần thưởng.