Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 42

11:1-19 - CHÚA GIÊ-XU VÀ GIĂNG BÁP-TÍT

1 Vả, Đức Chúa Jêsus đã dạy các điều đó cho mười hai môn đồ rồi, bèn lìa khỏi chỗ nầy đặng đi giảng dạy trong các thành xứ đó.

2 Khi Giăng ở trong ngục nghe nói về các công việc của Đấng Christ, thì sai môn đồ mình đến thưa cùng Ngài rằng: 3 Thầy có phải là Đấng phải đến, hay là chúng tôi còn phải đợi Đấng khác chăng? 4 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: hãy về thuật lại cùng Giăng những điều các ngươi nghe và thấy: 5 kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, kẻ phung được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết được sống lại, kẻ khó khăn được nghe giảng tin lành. 6 Phước cho ai chẳng vấp phạm vì cớ ta!

7 Khi họ ra về, Đức Chúa Jêsus mới phán về việc Giăng cho đoàn dân nghe, rằng: Các ngươi đã đi xem chi trong đồng vắng? Có phải xem cây sậy bị gió rung chăng? 8 Các ngươi đi xem cái chi nữa? Có phải xem người mặc áo tốt đẹp chăng? Kìa, những người mặc áo tốt đẹp thì ở trong đền vua. 9 Nhưng các ngươi lại đi xem cái chi nữa? Có phải là xem đấng tiên tri chăng? Phải, ta nói cùng các ngươi, cũng hơn đấng tiên tri nữa. 10 Ấy vì người đó mà có chép rằng:

Nầy, ta sai sứ ta đến trước mặt con,

Đặng dọn đường sẵn cho con đi.

11 Quả thật, ta nói cùng các ngươi, trong những người bởi đàn bà sanh ra, không có ai được tôn trọng hơn Giăng Báp-tít, nhưng mà kẻ rất nhỏ hèn trong nước thiên đàng còn được tôn trọng hơn người. 12 Song, từ ngày Giăng Báp-tít đến nay, nước thiên đàng bị hãm ép, và là kẻ hãm ép đó choán lấy. 13 Vì hết thảy các đấng tiên tri và sách luật đã nói trước cho đến đời Giăng. 14 Nếu các ngươi muốn hiểu biết, thì ấy là Ê-li, là đấng phải đến. 15 Ai có tai mà nghe, hãy nghe.

16 Ta sẽ sánh dòng dõi nầy với ai? Dòng dõi nầy giống như con trẻ ngồi giữa chợ, kêu la cùng bạn mình, 17 mà rằng: Ta đã thổi sáo, mà bay không nhảy múa; ta đã than vãn, mà bay không khóc. 18 Vì Giăng đã đến, không ăn, không uống, người ta nói rằng: Giăng bị quỉ ám. 19 Con người đến, hay ăn hay uống, thì họ nói rằng: Kìa, là người ham ăn mê uống, bạn bè với người thâu thuế cùng kẻ xấu nết. Song le, sự khôn ngoan được xưng là phải, bởi những việc làm của sự ấy. 

1. Giăng Báp-tít là người chuẩn bị chức vụ cho Chúa Giê-xu (3:1-15), tại sao ông lại đặt câu hỏi trong câu 3?

2. Chúa bảo thuật lại cho Giăng những điều trong câu 5 hàm ý gì?

3. “Cây sậy bị gió rung” (c. 7b) nói đến điều gì?

4. Tại sao “kẻ rất nhỏ hèn trong nước thiên đàng còn được tôn trọng hơn” Giăng Báp-tít (c. 11)?

5. Xin giải thích câu 12.

6. Hai hình ảnh Chúa Giê-xu nêu lên trong câu 16-17 nói lên điều gì?

7. Xin giải thích câu 19b.

 

Ma-thi-ơ 11:1 là câu đánh dấu một phần mới trong Phúc Âm Ma-thi-ơ, tương tự như 7:28; 13:53; 19:1 và 26:1. Giăng là người chuẩn bị cho chức vụ của Chúa Giê-xu (3:1-12). Sứ điệp của Giăng nói về sự đoán phạt của Đức Chúa Trời (3:11-12). Khi Chúa Giê-xu bắt đầu chức vụ thì Giăng bị tù (4:12). Đang khi ở tù, ông được nghe nói về các công việc của Đấng Christ (c. 2). Trước đó, Giăng nói về sự đoán phạt (3:11-12) nhưng những gì ông nghe về Chúa Giê-xu thì không thấy đoán phạt gì cả. Có lẽ ông nghĩ Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si-a phải đoán phạt những người như Hê-rốt, là người chấm dứt chức vụ của mình, giam mình vào ngục. Ông không hiểu được tại sao Đấng Christ mà lại không kiêng ăn (9:14), lại kết bạn với những người thu thuế, tội lỗi (9:9-13) và để cho người tiền hô của mình chịu đày đoạ trong ngục tối!

Ông Giăng ở trong tù với tâm trạng đó nên đã sai môn đồ đến hỏi Chúa: Thầy có phải là Đấng phải đến hay là chúng tôi còn phải đợi Đấng khác chăng? (c. 3). Thay vì trả lời câu hỏi của Giăng, Chúa bảo họ về thuật lại cùng Giăng những điều các ngươi nghe và thấy (c. 4). Câu nầy hàm ý rằng chính Giăng phải tự tìm thấy câu trả lời cho mình khi biết Chúa Giê-xu đã làm và dạy những gì cùng phản ứng của dân chúng (những điều các ngươi nghe và thấy). Những điều môn đồ của Giăng thuật lại cho ông là những điều Kinh Thánh Cựu Ước nói về Đấng Mê-si-a (Ê-sai 35:5-6; 61:1-2). Những lời tiên tri nầy cũng nói về sự đoán phạt (“ngày báo thù của Đức Chúa Trời chúng ta,” Ê-sai 61:2), nhưng đây là điều sẽ xảy ra trong tương lai. Chúa Giê-xu kết luận với câu: Phước cho ai chẳng vấp phạm vì cớ Ta (c. 6). Câu nầy hàm ý nhắn với Giăng là đừng để cho những điều Giăng trông mong chờ đợi mà không thấy nơi Chúa Giê-xu làm cho ông thất vọng hay vấp phạm. Có những người thấy Chúa Giê-xu không làm những điều mà họ mong là Đấng Mê-si-a sẽ làm nên đã khước từ Ngài. Chúa Giê-xu không muốn Giăng cũng rơi vào trường hợp đó.

Câu 7-18 là nhận định của Chúa Giê-xu về Giăng Báp-tít. Vì Giăng là người thi hành chức vụ trong đồng vắng và ăn mặc khác thường (3:4) cho nên những câu hỏi Chúa Giê-xu đặt ra (c. 7-9) nhằm nói về Giăng. Cây sậy thì mọc trong đồng vắng. Giăng có thể được ví sánh như cây sậy nhưng không phải là cây sậy để cho gió rung vì Giăng là con người khẳng khái, không phải yếu hèn. Giăng không ăn mặc như nhà vua, c. 8 (có lẽ để đối chiếu với Hê-rốt). Giăng thật là Đấng tiên tri (c. 9) và Chúa Giê-xu xác định ông còn hơn tiên tri nữa vì ông là người chuẩn bị chức vụ cho Đấng Mê-si-a (c. 10).

Câu 11 nói về tính cách cao trọng của Giăng Báp-tít: Trong những người bởi đàn bà sinh ra không có ai được tôn trọng hơn Giăng Báp-tít (c. 11a) nhưng đồng thời cũng cho thấy đặc ân của những người ở trong thời đại của Chúa Giê-xu: Kẻ rất nhỏ hèn trong nước thiên đàng còn được tôn trọng hơn người (c. 11b). Giăng Báp-tít dù được tôn trọng nhưng ông là người của giao ước cũ (c. 13). Giăng là vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước (tiên triluật pháp). Những người sống trong thời đại của Chúa Giê-xu được tôn trọng hơn Giăng không phải vì đạo đức hơn nhưng vì được sống trong thời kỳ mới của Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu là Đấng làm trọn luật pháp.

Câu 12 được Bản Hiệu Đính dịch lại như sau: Từ ngày Giăng Báp-tít cho đến bây giờ, vương quốc thiên đàng chịu áp lực dữ dội và kẻ cường bạo muốn chiếm lấy vương quốc ấy. Câu nầy hàm ý rằng, vương quốc của Chúa hay công việc của Đức Chúa Trời bị tấn công dữ dội qua việc Giăng bị tù, bị giết và chính Đấng Mê-si-a rồi cũng sẽ bị khước từ và giết đi như vậy.

Ma-la-chi 4:5 là lời tiên tri về Giăng Báp-tít, gọi ông là “Đấng tiên tri Ê-li.” Chúa Giê-xu nhắc lại điều nầy trong câu 14. Ai có tai mà nghe, hãy nghe (c. 15) là thành ngữ được nhắc lại trong 13:9, 43. Câu nầy hàm ý nghe bằng tai không đủ, phải hiểu, thấm nhuần điều mình nghe và làm theo.

Câu 16-19 nói về phản ứng của người đương thời đối với chức vụ của Giăng Báp-tít và Chúa Giê-xu. Họ luôn luôn có lý do, viện cớ để khước từ cả hai. Câu 16-17 là hình ảnh trẻ con chơi trò chơi “đám tang, đám cưới” (thổi sáonhảy múa là đám cưới; than vãnkhóc là đám tang). Một đám trẻ con rủ chơi trò chơi đám cưới (thổi sáo) nhưng đám kia không chịu chơi trò chơi đám cưới đó (không nhảy múa). Tương tự như vậy khi rủ chơi đám tang. Chúa Giê-xu dùng hình ảnh nầy để nói về người đương thời: Giăng không ăn không uống (hàm ý kiêng ăn và ăn thức ăn lạ) thì họ cho là bị quỷ ám. Chúa Giê-xu ăn uống thì họ cho là ham ăn mê uống. Sống thế nào cũng bị phê phan. Và Chúa Giê-xu kết luận: Sự khôn ngoan được xưng là phải bởi những việc làm của sự ấy (c. 19b). Bản Hiệu Đính dịch: “Sự khôn ngoan được biện minh bằng những hành động của nó.” Sự khôn ngoan đây nói về sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời sẽ được chứng tỏ bằng chính những công việc của Đức Chúa Trời mà người đời chối bỏ, khước từ.