Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 44

11:25-30 - MỆT MỎI VÀ GÁNH NẶNG

25 Lúc đó, Đức Chúa Jêsus nói rằng: Hỡi Cha! là Chúa của trời đất, tôi khen ngợi Cha, vì Cha đã giấu những điều này với kẻ khôn ngoan, người sáng dạ, mà tỏ ra cho những con trẻ hay. 26 Thưa Cha, phải, thật như vậy, vì Cha đã thấy điều đó là tốt lành. 27 Mọi việc Cha ta đã giao cho ta; ngoài Cha không có ai biết Con; ngoài Con và người nào mà Con muốn tỏ ra cùng, thì cũng không ai biết Cha.

28 Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. 29 Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. 30 Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.

 

1. “Những điều nầy” Chúa Giê-xu nhắc đến trong câu 25 là những điều gì?

2. Chúa Giê-xu cho thấy chân lý gì trong câu 27?

3. “Mệt mỏi” và “gánh nặng” mang những ý nghĩa nào?

4. “Ách của Ta” Chúa Giê-xu nói trong câu 29 chỉ về điều gì?

5. Tại sao “ách” và “gánh” lại “dễ chịu” và “nhẹ nhàng?”

 

Đồng thời với việc lên án những người khước từ Chúa dù đã kinh nghiệm quyền năng của Ngài (c. 20-24), Chúa Giê-xu nói đến những người có tâm tình khiêm nhường như trẻ con, sẵn sàng tiếp nhận Chúa (c. 25). Câu 25-27 là lời Chúa Giê-xu cầu nguyện với Đức Chúa Cha, bày tỏ một huyền nhiệm trong mối quan hệ với Đức Chúa Cha và huyền nhiệm về sự mạc khải.

Tương tự như lời cầu nguyện mẫu Chúa dạy (6:9), Chúa Giê-xu bắt đầu lời cầu nguyện với lời ca ngợi Đức Chúa Trời và gọi Ngài là Chúa của trời đất (c. 25a). Chúa Giê-xu ca ngợi Đức Chúa Cha về vấn đề mạc khải tức là việc Đức Chúa Cha bày tỏ chính mình Ngài cho con người. Chúa Giê-xu cầu nguyện: Tôi khen ngợi Cha vì Cha đã giấu những điều nầy với kẻ khôn ngoan, người sáng dạ mà tỏ ra cho những con trẻ hay (c. 25b). Những điều nầy nói chung về huyền nhiệm Nước Trời hay chân lý Phúc Âm, đạo của Chúa, niềm tin nơi Chúa. Chân lý của Chúa đến với con người không qua khôn ngoan hay hiểu biết (sáng dạ) mà qua tâm tình con trẻ, khiêm nhường và yêu thương, tin cậy, sẵn sàng tiếp nhận. Đức Chúa Trời thật ra không che giấu điều gì với con người cả, sở dĩ kẻ khôn ngoan và người sáng dạ không nhìn thấy chân lý của Đức Chúa Trời vì họ cậy vào khôn ngoan và hiểu biết của mình thay có vì lòng khiêm nhường và tin cậy như trẻ con. Chúa Giê-xu xác nhận phương cách mạc khải đó và nói thêm: Thưa Cha, phải, thật như vậy vì Cha đã thấy điều đó là tốt lành (c. 26). Bản Hiệu Đính dịch câu nầy gần với nguyên văn hơn: “Thật vậy, thưa Cha, vì điều nầy đẹp ý Cha.” Chương trình và ý muốn của Đức Chúa Trời là muốn mọi người biết Chúa không phải bằng trí thông minh hay hiểu biết của mình nhưng bằng tâm tình khiêm nhường. Đức Chúa Trời không phủ nhận sự khôn ngoan hiểu biết của con người, cũng không phải chỉ những người ngu dốt, dại khờ, thiếu suy nghĩ mới tin nhận Chúa. Điểm nhấn mạnh là con người đến với Chúa với lòng khiêm nhường, không phải tự cao, tự mãn hay với hiểu biết và khôn ngoan của mình (I Cô. 1:20-25). Chúng ta biết Chúa không phải nhờ khôn ngoan nhưng nhờ sự mạc khải của Đức Chúa Trời.

Câu 27 cho thấy sự mạc khải bắt đầu từ Đức Chúa Trời, qua chức vụ của Chúa Giê-xu (Mọi việc Cha Ta đã giao cho Ta). Chính qua Chúa Giê-xu và chức vụ của Ngài mà con người biết Đức Chúa Cha. Thẩm quyền mạc khải (người nào mà Con muốn tỏ ra cùng) cũng do nơi Chúa Giê-xu.

Với bối cảnh về huyền nhiệm của sự mạc khải trong lời cầu nguyện với Đức Chúa Cha (c. 25-27), Chúa Giê-xu mời gọi người ta đến với Ngài. Có thể nói kẻ mệt mỏi và gánh nặng (c. 28) là để đối chiếu với kẻ khôn ngoan và người sáng dạ (c. 25). Mệt mỏi nói đến khó nhọc trong việc làm, gánh nặng nói đến điều phải chịu đựng. Mệt mỏi (khó nhọc) nói đến khổ công tìm kiếm chân lý, gánh nặng chỉ về những ràng buộc về lễ nghi hay luật lệ tôn giáo.

Lời Chúa hứa ban cho người mệt mỏi và gánh nặng là yên nghỉ. Yên nghỉ không hàm ý nghỉ công việc, không làm gì nữa vì tiếp theo Chúa nói gánh lấy ách của Chúa và học theo Chúa. Yên nghỉ hàm ý được tươi tỉnh, tươi mới, lấy lại sức, mang ách của Chúa mà vẫn yên nghỉ.  Bí quyết của sự an nghỉ đó là gánh lấy ách của Ta và học theo Ta (c. 29b). Ách là dụng cụ giúp cho con vật mang nặng đỡ bị khó chịu nhưng cũng nói lên ý vâng lời, thuận phục, chấp nhận. Luật pháp Môi-se bị coi là một cái ách cho con dân Chúa (Công vụ 15:10). Theo Chúa chúng ta cũng mang ách, tức là vâng giữ điều răn của Chúa, nhưng ách của Chúa được mô tả là dễ chịu (c. 30a). Sứ đồ Giăng cho biết “điều răn của Ngài chẳng phải là nặng nề” (I Giăng 5:3b).

Cùng với việc mang ách của Chúa là học theo Chúa. Phúc Âm Ma-thi-ơ nhấn mạnh về việc làm môn đệ. Học nằm trong tiến trình làm môn đệ của Chúa. Làm môn đệ Chúa là làm người học trò, tiếp tục học theo Chúa, sống giống như Chúa. Chúa nói: Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường (c. 29a). Để được an nghỉ, chúng ta phải sống nhu mì, khiêm nhường như Chúa. Chúa. Chúng ta thuận phục Chúa, mang ách của Chúa trong ý nghĩa đó và sẽ thấy ách của Chúa dễ chịu và gánh của Ngài nhẹ nhàng.