Trang Chủ :: Chia Sẻ

Ngày 8

Đầu Tư qua Sự Chết

Giăng 12:24-26

“Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, nếu hột giống lúa mì kia, chẳng chết sau khi gieo xuống đất, thì cứ ở một mình; nhưng nếu chết đi, thì kết quả được nhiều” (Giăng 12:24).

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao rao giảng thập tự giá của Đấng Christ là điều quan trọng của Cơ Đốc giáo? Chúa

Giê-xu đã đầu tư cuộc sống của Ngài trên đất này như thế nào? Chúng ta cần phải làm gì để noi theo gương Chúa

Giê-xu?

Nói đến sự chết là nói đến một sự chấm dứt. Con người thường không nhắc đến sự chết như một điều tích cực. Tuy nhiên, sự chết của Chúa Giê-xu lại là một điều phải được nhắc đến thường xuyên trong Cơ Đốc giáo vì lẽ đạo cứu rỗi gắn liền với sự hy sinh của Chúa Giê-xu trên cây thập tự. Tại sao sự sỉ nhục, rủa sả của một người bị chết trên cây thập tự lại là một điều đáng ghi nhớ trong Tin Lành cứu rỗi? Vì Chúa Giê-xu là một người vô tội, đã gánh chịu hình phạt mà tội nhân đáng phải chịu; vì Ngài là Con Đức Chúa Trời, nên máu của Ngài có giá trị chuộc tội đời đời cho những ai tin Ngài (Giăng 1:29; Hê-bơ-rơ 9:12, 14, 22, 28). Chúa Giê-xu dùng hình ảnh một hột lúa mì phải chết đi để nói đến sự chết của Ngài và kết quả của sự chết này cho những ai tin Ngài.

Cả đời sống của Ngài khi ở trên đất là “đầu tư” cho sự chết. Điều này không có nghĩa là lúc nào Chúa

Giê-xu cũng nghĩ đến sự chết khi sống trên đất này. Thật ra, điều Chúa Giê-xu luôn nghĩ đến đó là làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Khi các môn đệ nài nỉ xin Ngài ăn, Chúa

Giê-xu đã trả lời rằng: “Đồ ăn của Ta tức là làm theo ý muốn của Đấng sai Ta đến, và làm trọn công việc Ngài” (Giăng 4:34). Chúa đã đặt ý muốn của Cha trên nhu cầu thuộc thể của cá nhân. Điều này thể hiện rõ ràng nhất qua lời cầu nguyện của Ngài trong vườn Ghết-sê-ma-nê, khi Chúa nói: “Cha ơi! Nếu có thể được, xin cho chén này lìa khỏi Con! Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha” (Ma-thi-ơ 26:39).

Hột giống Tin Lành đã được gieo ra và được kết quả tại Việt Nam bởi sự hy sinh và chịu khổ vì danh Chúa của các giáo sĩ đã đem Tin Lành đến Việt Nam, cũng như của các con cái Chúa tại Việt Nam. Họ đã đầu tư vào cõi đời đời bằng chính sự sống và sự chết của mình. Họ thật sự đã sống và chết với lời dạy của Chúa: “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất đi, ai ghét sự sống mình trong đời này thì sẽ giữ lại đến sự sống đời đời.” Mặc dù chúng ta có thể không phải trải qua sự chết như họ, nhưng chúng ta sẽ phải trải qua sự chịu khổ vì Danh Chúa tại chính nơi chúng ta đang sinh sống, vì Chúa dạy rằng: “Nếu ai hầu việc Ta, thì phải theo Ta, và Ta ở đâu thì kẻ hầu việc Ta cũng sẽ ở đó.” Lời dạy này cũng đi kèm với lời hứa, đó là “nếu ai hầu việc Ta, thì Cha Ta ắt tôn quý người.” Thật vậy, trong kinh nghiệm phục vụ Chúa của mình, Sứ đồ Phao-lô đã phải chịu rất nhiều bức hại và đau đớn vì Danh Chúa, nhưng ông đã mạnh mẽ khích lệ những ai muốn theo Chúa bằng chân lý này: “Miễn chúng ta đều chịu đau đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh hiển với Ngài” (Rô-ma 8:17).

Lạy Chúa, xin cho con biết đặt ý Ngài lên trên mọi đòi hỏi của cuộc sống đời này để con có thể chịu khổ vì Danh Chúa và đầu tư cho cõi đời đời.

(c) 2024 svtk.net