Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 51

13:24-30; 36-43 - CỎ LÙNG VÀ LÚA MÌ

24 Đức Chúa Jêsus phán ví dụ khác cùng chúng rằng: Nước thiên đàng giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25 Nhưng đang khi người ta ngủ, thì kẻ thù chủ ruộng liền đến, gieo cỏ lùng vào trong lúa mì, rồi đi. 26 Đến khi lúa mì lớn lên, và trổ bông, thì cỏ lùng cũng lòi ra. 27 Các đầy tớ của chủ nhà bèn đến thưa rằng: Thưa chủ, chủ không gieo giống tốt trong ruộng chủ sao? Vậy thì cỏ lùng bởi đâu mà ra? 28 Chủ đáp rằng: Ấy là một kẻ thù đã làm điều đó. Các đầy tớ thưa rằng: Vậy chủ có muốn chúng tôi đi nhổ cỏ đó chăng? 29 Chủ rằng: Chẳng nên, e khi nhổ cỏ lùng, hoặc các ngươi nhổ lộn lúa mì đi chăng. 30 Hãy để cho cả hai thứ cùng lớn lên cho đến mùa gặt; đến mùa gặt, ta sẽ dặn con gặt rằng: trước hết hãy nhổ cỏ lùng, bó lại từng bó mà đốt đi; song hãy thâu trữ lúa mì vào kho ta.

36 Bấy giờ, Đức Chúa Jêsus cho chúng về, rồi vào nhà; môn đồ đến gần mà hỏi Ngài rằng: Xin thầy giải lời ví dụ về cỏ lùng trong ruộng cho chúng tôi. 37 Ngài đáp rằng: Kẻ gieo giống tốt, là Con người; 38 ruộng là thế gian; giống tốt, là con cái nước thiên đàng; cỏ lùng, là con cái quỉ dữ; 39 kẻ nghịch thù gieo cỏ ấy, là ma quỉ; mùa gặt, là ngày tận thế; con gặt, là các thiên sứ. 40 Còn người ta nhổ cỏ lùng mà đốt trong lửa thể nào, thì ngày tận thế cũng sẽ như vậy; 41 Con người sẽ sai các thiên sứ Ngài thâu mọi gương xấu và những kẻ làm ác khỏi nước Ngài, 42 và quăng những người đó vào lò lửa, là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng. 43 Khi ấy, những người công bình sẽ chói rạng như mặt trời trong nước của Cha mình. Ai có tai, hãy nghe!

 

1. “Nước thiên đàng giống như...” (c. 24) nghĩa là gì?

2. “Cỏ lùng” là cỏ gì?

3. Tại sao chủ không cho nhổ cỏ lùng ngay mà phải đợi đến mùa gặt?

4. Điểm chính Chúa Giê-xu muốn dạy trong câu chuyện nầy là gì?

 

Ngoại trừ ví dụ Người Gieo Giống (c. 3-9), các ví dụ khác của Chúa Giê-xu đều bắt đầu với câu, Nước thiên đàng giống như... Nước thiên đàng (3:2) hay vương quốc thiên đàng nói đến quyền cai trị của Đức Chúa Trời. Thành ngữ nầy nói về việc Đức Chúa Trời đang làm, nhấn mạnh đến điều đang xảy ra chứ không phải điều đã hiện hữu. Vì vậy, những ví dụ của Chúa Giê-xu so sánh nước thiên đàng giống như cho thấy quyền cai trị của Đức Chúa Trời được thể hiện như thế nào. Ví dụ về cỏ lùng cho thấy trong hiện tại có thể khó phân biệt người của Chúa và người của ma quỷ nhưng đến cuối cùng, mọi điều sẽ rõ ràng.

Cỏ lùng, tên khoa học là Lolium temulentum là loại cỏ lúc còn non trông giống hệt như lúa mì. Người ta chỉ có thể phân biệt lúa với loại cỏ nầy khi lúa mì trổ bông (c. 26). Vì cỏ lùng mọc chen chung với lúa mì cho nên dù có thể phân biệt giữa cỏ và lúa, nhổ cỏ sẽ đụng đến gốc lúa. Chính vì vậy chủ ruộng bảo phải đợi đến mùa gặt vấn đề mới có thể giải quyết rõ ràng và dễ dàng.

Đây là câu chuyện Chúa phán chung cùng đoàn dân mà không có lời giải thích. Khi vào nhà, Chúa mới giải thích ví dụ nầy cho môn đồ theo lời họ xin (c. 36). Các chi tiết của ví dụ được Chúa giải thích đầy đủ từng điểm một (c. 37-43) và điểm chính của ví dụ nầy là: chúng ta không thể xét người dựa vào bề ngoài trong hiện tại, phán xét sau cùng của Chúa mới là điều quyết định. Câu chuyện nầy cho thấy Đức Chúa Trời và ma quỷ luôn luôn đối nghịch nhau. Ma quỷ luôn luôn muốn phá hoại công việc của Chúa. Ban đầu công việc của ma quỷ (cỏ lùng) có vẻ như thắng thế (c. 24-28a). Có khi chúng ta thấy tội lỗi, gian ác có vẻ như làm cho mục đích của Đức Chúa Trời không thực hiện được trên trần gian.  Tuy nhiên, “lúa mì bao giờ cũng là lúa mì” (c. 28b-30a), cuối cùng vương quốc Đức Chúa Trời sẽ chiến thắng. Trong ngày đoán xét, mọi  việc sẽ tỏ tường, phân minh (c. 30b). Con dân thật của Chúa, người của Chúa sẽ chói rạng như mặt trời trong nước của Cha mình (c. 43). Còn kẻ làm ác... sẽ bị quăng vào lò lửa là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng (c. 42). Gương xấu (c. 41) là “người gây cho người khác phạm tội,” kẻ gây vấp phạm (Bản Hiệu Đính).

Chúa Giê-xu giải thích, ruộng là thế gian (c. 38a) cho nên ví dụ nầy không nhằm chỉ về tín đồ thật hay tín đồ giả trong Hội Thánh, nhưng cho thấy cả tín đồ và người không tin Chúa cùng hiện diện và sinh tồn trên trần gian nầy cho đến ngày cuối cùng. Lúc ấy con cái nước thiên đàngcon cái quỷ dữ (c. 38b) mới được phân biệt rõ ràng và số phận được quyết định.