Trang Chủ :: Chia Sẻ

BÀI 53

13:44-58 - CỦA BÁU VÀ HẠT CHÂU QUÝ GIÁ

44 Nước thiên đàng giống như của báu chôn trong một đám ruộng kia. Một người kia tìm được thì giấu đi, vui mừng mà trở về, bán hết gia tài mình, mua đám ruộng đó.

45 Nước thiên đàng lại giống như một người lái buôn kiếm ngọc châu tốt, 46 khi đã tìm được một hột châu quí giá, thì đi bán hết gia tài mình mà mua hột châu đó.

47 Nước thiên đàng cũng giống như một tay lưới thả xuống biển, bắt đủ mọi thứ cá. 48 Khi lưới được đầy rồi, thì người đánh cá kéo lên bờ; đoạn, ngồi mà chọn giống tốt để riêng ra, đem bỏ vào rổ, còn giống xấu thì ném đi. 49 Đến ngày tận thế cũng như vầy: các thiên sứ sẽ đến và chia kẻ ác với người công bình ra, 50 ném những kẻ ác vào lò lửa; ở đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng. 51 Các ngươi có hiểu mọi điều đó chăng! Các môn đồ thưa rằng: Có hiểu. 52 Ngài bèn phán rằng: Vì cớ ấy, mọi thầy thông giáo đã học thông đạo về nước thiên đàng, thì giống như một người chủ nhà kia, đem những vật mới và cũ ở trong kho mình ra.

 

1. Điểm tương đồng trong hai ví dụ Của Báu và Hạt Châu Quý Giá là gì?

2.  Xin cho biết ý nghĩa của hai ví dụ nầy.

3. Xin cho biết điểm giống nhau và khác nhau giữa ví dụ Lưới Cá (c. 47-50) và ví dụ Cỏ Lùng Lúa Mì (c. 24-30)?

4. “Giống như một người chủ nhà kia, đem những vật mới và cũ ở trong kho mình ra” (c. 52b) nghĩa là gì?

 

Ví dụ Của Báu và Hạt Châu Quý Giá nhấn mạnh những điều sau: (1) Giá trị vô song của nước thiên đàng. (2) Với giá trị vô song đó, cần phải hy sinh tất cả để có (bán hết gia tài mình, c. 44b, 46b). Ví dụ Của Báu cho thấy việc vô tình khám phá ra (tìm được, c. 44) còn trong ví dụ Hạt Châu phải đi tìm kiếm (c. 46a). Dù vô tình khám phá hay tìm kiếm, điều quan trọng là cần phải hy sinh tất cả để có được giá trị đời đời.

Hai ẩn dụ nầy dạy chúng ta về giá trị tâm linh, chúng ta phải đeo đuổi tìm kiếm và khám phá cho mình và sẵn sàng hy sinh tất cả để sống cho giá trị đó. Không có gì là hy sinh quá đáng để đổi lấy những giá trị đời đời.

Ví dụ Lưới Cá (c. 47-50) đứng riêng rẻ nhưng tương đương với ví dụ Cỏ Lùng Và Lúa Mì ở trên (c. 24-30) liên quan đến phân biệt trong ngày phán xét. Điểm khác nhau là ví dụ Lưới Cá chỉ nhấn mạnh đến sự việc cuối cùng, lúc Chúa phân biệt kẻ ácngười công bình (c. 49). Phán xét trong ngày cuối cùng là điều chắc chắn sẽ xảy ra như hình ảnh người đánh cá phân chia loại cá (giống tốt hay giống xấu) sau mỗi mẻ lưới.

Câu 51-52 là lời kết luận của Chúa Giê-xu về việc giảng dạy bằng ví dụ. Chúa dạy bằng ví dụ và cũng giải thích cho các môn đồ hiểu. Chúa so sánh các môn đồ với các thầy thông giáo đã học thông về nước thiên đàng (c. 52). Thầy thông giáo là những người nghiên cứu Kinh Thánh, giải nghĩa và là thầy dạy. Đã học thông về nước thiên đàng, nghĩa là đã được dạy dỗ, huấn luyện giáo lý Nước Trời. Họ là những học trò của Nước Trời. Các môn đồ giống như một người chủ nhà kia, đem những vật mới và cũ ở trong kho mình ra (c. 52b). Khác với các thầy thông giáo của Y-sơ-ra-ên chỉ có những điều cũ trong luật pháp để dạy, môn đồ của Chúa Giê-xu có cả điều mới lẫn điều cũ (c. 35). Như lời Chúa Giê-xu trong 5:17-18, Cựu Ước được ứng nghiệm trong Chúa Giê-xu thể nào, thì cũng vậy, môn đồ của Chúa dạy cả hai: chân lý cũ trong Cựu Ước và chân lý mới trong lời dạy của Chúa Giê-xu.