Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 539

Thà Dư Thừa Còn Hơn Là Thiếu Thốn

Khi quan sát những điều diễn ra trong cuộc sống, tôi đã nhận ra một điều đặc biệt thú vị: Việc thích nghi với nan đề sung túc, khi chúng ta có dư thừa, dễ hơn rất nhiều, so với nan đề thiếu thốn.

Tôi đã bắt đầu nhận biết được lẽ thật về sự dư dật và thiếu thốn này, ngay từ những năm đầu chức vụ của mình, khi tôi hướng dẫn các buổi giảng Tin lành ở một thị trấn nhỏ, ngay tại trung tâm vành đai ngũ cốc của đất nước. Cả địa phương này đã nếm trải phước hạnh kế tiếp nhau của vụ lúa mì bội thu. Vào năm đó, vụ mùa đã đạt đến mức kỷ lục. Tất cả các vựa lúa ở vùng này của đất nước đều đầy chật ngũ cốc. Lúa mì được trút đổ ở khắp nơi. Thậm chí, phòng tập thể thao bỏ hoang của trường học cũng đầy ắp các bao lúa mì. Ở bất cứ chỗ nào có thể, sự lưu giữ cũng đến mức đầy ứ. Người ta đã phải đổ ngũ cốc trên các tấm vải bạt trải ra ngay trên cánh đồng. Tôi thấy rằng sự dư dật cũng làm nảy sinh không ít những vấn đề nghiêm trọng.

Mấy năm sau, tôi có dịp đến các vùng nông nghiệp ở Châu Phi. Những vùng này, suốt nhiều năm, đã phải chịu hạn hán. Tôi được chứng kiến một hiện tượng trái ngược hẳn - nạn đói. Tất cả các kho chứa đều rỗng không. Cả dạ dày con người nữa cũng rỗng không. Những người điền chủ không biết làm thể nào để thanh toán các khoản nợ nần. Thậm chí một nhúm ngũ cốc cũng không thể tìm thấy ở đâu được. Tôi mới vỡ lẽ rằng sự rắc rối của những nan đề liên quan đến sự thiếu thốn, chẳng thể nào so sánh được với những nan đề nảy sinh do sự dư thừa tạo nên. Những người làm ruộng có kinh nghiệm biết rằng tốt hơn là gieo nhiều hơn mức cần thiết, vì việc đối phó với nan đề dư thừa sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc đối phó với những nan đề thiếu thốn.

Điều này thật khó tin làm sao, tôi đã gặp những cơ đốc nhân tuyên bố rằng họ không cần phải dâng hiến nhiều cho công việc của Đức Chúa Trời, vì họ hoàn toàn thỏa mãn với sự đầy đủ không đáng kể về mặt chất và không cần gì nhiều. Theo quan niệm sai lệch về sự tin kính, thì đời sống ở mức chỉ thỏa mãn các nhu cầu sơ đẳng nhất – đó là bằng chứng của sự thiêng liêng.

Đa số cơ đốc nhân mà tôi đã từng gặp thỏa mãn với việc chỉ có những gì cần thiết nhất. Họ không dám dạn dĩ cầu xin vượt quá điều cần thiết đó. Quan điểm bảo thủ của họ chỉ có vẻ bề ngoài thiêng liêng. "Ôi Chúa ơi, hãy ban cho con cơ hội thỏa mãn chỉ những nhu cầu trực tiếp của mình, và như thế với con là đủ". Họ chỉ trông mong một ngôi nhà tồi tàn.

Để trở nên một cơ đốc nhân trọn vẹn, thì bạn phải có nhiều hơn là sự vừa đủ.

Các bạn cơ đốc nhân thân mến, các bạn không thể hoàn toàn xứng hợp với những mục đích kêu gọi của Đức Chúa Trời, khi chỉ có những gì cần thiết. Nếu sự đầy đủ của bạn chỉ vừa đủ để thỏa mãn các nhu cầu vật chất trực tiếp của mình, thì bạn có thể tin rằng nó sẽ không đủ để hoàn thành ý nguyện của Đức Chúa Trời. Khi chỉ ở mức vừa đủ, bạn sẽ không thể làm trọn giao ước mà Đức Chúa Trời đã lập cùng Ápraham. Mà bạn chính là dòng dõi của Ápraham.

Lại nếu anh em thuộc về Đấng Christ, thì anh em là dòng dõi của Ápraham, tức là kẻ kế tự theo lời hứa (Galati 3:29).

Vả, Đức Giê-hô-va có phán cùng Áp-ram rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà của cha ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho... Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước. (Sáng TK 12:1-3)

Bạn không thể làm một nguồn phước thậm chí cho một người, chứ chưa nói đến nguồn phước cho các chi tộc nơi thế gian, nếu chính bạn còn chưa được phước. Đức Chúa Trời muốn bạn có nhiều hơn sự vừa đủ, không phải để tạo cơ hội cho bạn tằn tiện đến mức keo kiệt nhằm thỏa mãn sự ích kỷ của mình. Trái lại, mục đích dư dật về vật chất mà Đức Chúa Trời muốn đưa vào đời sống của bạn, là để bạn vui mừng giúp đỡ những người khác.Đức Chúa Trời có quyền ban cho anh em đủ mọi thứ ơn đầy dẫy, hầu cho anh em hằng đủ điều cần dùng trong mọi sự, lại còn có rời rộng nữa để làm các thứ việc lành.

Như vậy, anh em được giàu trong mọi sự, để làm đủ mọi cách bố thí... (II Côrinhtô 9:8,11).

Nếu bạn gieo nhiều, thì bạn có thể trở thành một trong những cơ đốc nhân an nhàn, những người cần phải trù định ngân quĩ dâng hiến của mình. Với điều này, tôi có ý muốn nói đến những quyết định hàng tháng về việc sử dụng số dư có được cho công việc của Đức Chúa Trời như thế nào là tốt nhất. Khi gieo ít, bạn sẽ là một trong những cơ đốc nhân bất hạnh, những người buộc phải trù định ngân quĩ sống tối thiểu của mình, nghĩa là bạn sẽ phải suy nghĩ, ước đoán việc sống lần hồi như thế nào.

Một lần nữa, tôi muốn cảnh báo bạn cẩn thận với sự lừa dối của ma quỷ, cho rằng Đức Chúa Trời nói rằng Ngài không muốn bạn có sự dư thừa về vật chất. Đức Chúa Trời nói đúng ra là muốn điều ngược lại. Ngài vui mừng với sự thịnh vượng của bạn.

Vợ chồng chúng tôi đã từng nếm trải cả điều này lẫn điều kia. Không ít lần, khi kỳ lễ giáng sinh đến, chúng tôi đã không có cả những gì cần thiết nhất. Tôi nhớ, chúng tôi đã khó khăn như thế nào trong việc phân chia số tiền ít ỏi để mua dù chỉ là những món quà rẻ tiền cho năm đúa con của mình. Mấy ngày trước Lễ Giáng sinh, chúng tôi xếp các món quà nhỏ mọn mà chúng tôi có khả năng mua được ở dưới gốc cây thông. Tôi nhớ, chúng tôi đã hỏi nhau: "Thế này có đủ cho mọi người không?". Là bậc cha mẹ, thật đau lòng biết bao, khi thấy các con yêu quí của mình phải chịu khổ vì thiếu thốn!

Giờ đây, khi chúng tôi đã lĩnh hội được qui luật đơn sơ của mùa màng này, chúng tôi gieo (cho) nhiều, để gặt (nhận) được nhiều. Bây giờ, các quà tặng Giáng sinh của chúng tôi đã thay đổi biết bao! Chúng tôi có đủ cho mọi người và còn nhiều hơn thế nữa! Khi tôi nói: cho mọi người, là tôi ngụ ý đến một số không ít người: vợ, năm con chúng tôi với vợ chồng và chín đứa con của chúng, cha mẹ vợ và cha mẹ tôi - Tất cả họ với cả tôi nữa đều nhận được những món quà đáng giá.

Kể từ khi chúng tôi học được sự gieo nhiều và thường xuyên, thì chúng tôi liên tục có sự dư thừa. Kinh Thánh thật là đúng. Lời Đức Chúa Trời thật linh nghiệm! Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu. Chúng ta gieo gì, thì chúng ta sẽ gặt được điều ấy (Galati 6:7). Ví dụ về những quà tặng Giáng sinh chỉ là một phần nhỏ bé trong số những phước hạnh lớn lao mà chúng tôi đã nhận được do việc gieo một cách hào phóng.

JOHN AVANZINI (M. Đạo, Theo Nguyên Tắc Thịnh Vượng Theo Kinh Thánh)