Thành phố Constanza nằm trong một thung lũng phù sa màu mỡ, được bao bọc bởi các dãy núi đẹp tựa tranh vẽ của quốc gia vùng Ca-ri-bê nước Cộng hòa Đôminica. Nguồn nước ở đây rất dồi dào và thời tiết quanh năm ôn hòa. Dưới thung lũng, nhiều gia đình người Đôminica đang lao động cật lực trên những nông trại chỉ để đủ ăn. Họ là một vài trong số những người nghèo nhất ở đất nước này.
Cùng lúc đó, có những ngôi nhà, những biệt thự rộng lớn đang phóng tầm nhìn xuống thung lũng, tất cả đều có tầm nhìn rất đẹp tới các cảnh đẹp của vùng thôn dã. Những người Nhật di cư đến Cộng hòa Đôminica không bao lâu sau chiến tranh thế giới thứ hai chính là chủ nhân của những căn hộ đó. Khi rời bỏ đất nước Nhật Bản họ là những người di cư bần cùng, hầu như không có gì ngoại trừ bộ quần áo đang mặc trên người. Cũng giống như những người nông dân địa phương đang làm việc dưới thung lũng kia, khi mới đến nơi họ cũng chỉ là những nông dân nghèo khổ. Tuy nhiên sau một vài thập niên, họ trở nên giàu có, thịnh vượng trong khi những người nông dân địa phương vẫn còn đang phải vật lộn với cái nghèo trong một khung cảnh đẹp mê hồn như vậy.
Điều gì đã làm nên sự khác biệt giữa hai nhóm người này? Họ có nguồn tài nguyên thiên nhiên và hoàn cảnh giống nhau. Câu trả lời có lẽ nằm ở chỗ họ có quan điểm khác biệt nhau.
Những người định cư người Nhật mang trong mình một hệ tư tưởng coi trọng sự lao động chăm chỉ và một tinh thần bền bỉ đối mặt với khó khăn. Những phụ huynh người Nhật dạy dỗ con cái mình không bao giờ được đầu hàng. Trái lại, những người nông dân Đôminica địa phương tin vào một hệ tư tưởng chấp nhận thuyết định mệnh. Đối với họ sự nghèo đói là một điều được "truyền ban". Họ nghèo đói vì cha họ, ông họ cũng đã nghèo đói. Trong tâm tưởng của họ sự nghèo đói là số phận đã được định cho họ. Thuyết định mệnh như vậy dẫn tới việc sự thụ động của họ trong việc đối mặt với nghịch cảnh, họ tin rằng "điều gì đến, sẽ đến".
Tuy nhiên, các niềm tin tiêu cực như vậy không chỉ có ở những người nông dân Đôminica. Trên thực tế, ban đầu những người di cư người Nhật cũng có một hệ tư tưởng tuy có khác hơn nhưng tính chất tiêu cực lại như nhau. Ở Nhật Bản tư tưởng rằng mình là giống dân ưu việt đã ăn sâu vào trong tâm trí người dân. Điều này đã kích thích người Nhật tiến hành công cuộc thuộc địa hóa Đông Á vào những năm 1920 và 1930, cuối cùng dẫn đến việc quốc gia này tham gia vào trong cuộc chiến tranh thế giới thứ 2. Cuộc chiến đã tàn phá đất nước và trực tiếp dẫn đến việc di cư của những nông dân Nhật.
Ở một mức độ nào đó thì mọi quốc gia, dân tộc đều có những hệ tư tưởng giả trá và tiêu cực. Ngay cả ở những quốc gia mà Hội thánh rất năng động và phát triển. Ở Mỹ có đầy khắp những nhà thờ, có cả một tiểu văn hóa cơ đốc bao gồm sách báo, truyền hình và phim ảnh củng cố cho quan điểm Kinh thánh. Chín trong số mười người Mỹ tuyên xưng đức tin nơi Đức Chúa Trời và sở hữu ít nhất một cuốn Kinh thánh. Nhưng trong khoảng từ năm 1973 đến 2001, 38 triệu trẻ em đã bị giết qua việc nạo phá thai và tỉ lệ ly dị giữa Cơ Đốc nhân và người ngoại là ngang bằng nhau.Làm thế nào điều đó có thể xảy ra ở một quốc gia "Cơ Đốc Giáo" như vậy? Một cuộc thăm dò ý kiến do Nhóm Nghiên Cứu Barna tiến hành vào tháng Giêng năm 2000 đã cho ra câu trả lời. Báo cáo cho thấy chưa đến một nửa những Cơ đốc nhân "được tái sinh" ở Mỹ (xấp xỉ 44%) tin rằng có sự tồn tại của một "lẽ thật đạo đức tuyệt đối."
Thuyết định mệnh, chủ nghĩa chủng tộc ưu việt và thuyết tương đối là ba niềm tin đâm rễ trong sự dối trá. Cũng giống như mọi sự dối trá khác hậu quả của chúng rất kinh khủng và tàn phá. Satan đứng đằng sau mọi lời dối trá, nó là cha đẻ của sự dối trá. Nhưng bởi đây là thế gian của Đức Chúa Trời nên không hề có chỗ cho những điều được bao bọc bởi sự dối trá của Satan. Lẽ thật mạnh hơn giả trá và Lời Đức Chúa Trời là thật. Satan thật mạnh sức nhưng Đức Chúa Trời càng mạnh sức hơn.
Trong cùng câu Kinh thánh trên Phaolô cho biết rằng triết học như vậy thật "hư không và giả dối", và "dựa vào truyền thống loài người". Điều này lưu truyền qua các đời từ cha sang con, từ thế hệ này đến thế hệ khác. Sứ đồ Phaolô cũng đã viết với ý nghĩa tương tự "Vì biết rằng chẳng phải bởi vậy hay hư nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được chuộc khỏi sự ăn ở không ra chi của tổ tiên truyền lại cho mình, bèn là bởi huyết báu Đấng Christ, dường như của huyết chiên con không lỗi không vít" (I Phierơ 1:18-19).
Chúng ta tìm thấy những tảng đá xây nước Trời trong âm nhạc, nghệ thuật, khoa học, luật pháp, kỹ thuật và giáo dục. Rất có thể mọi nền văn hóa đều ít nhiều mang lấy một vài lẽ thật Kinh thánh. Bất cứ một yếu tố nhỏ nhặt nào của lẽ thật này được tìm thấy trong nền văn hóa đều có thể được nuôi dưỡng, khẳng định và khích lệ.
Cũng vậy, trong mọi nền văn hóa trên thế giới, Satan đều đem vào đó những tảng đá xây giả mạo được đặt nền tảng trên sự lừa dối. Chúng chính là những đặc điểm vô đạo đức và phỉ báng của bất cứ nền tảng văn hóa nào. Ví dụ, chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ đặt trên sự lừa dối rằng người da trắng là chủng người thượng đẳng hơn người da đen. Sự lạm dụng và nô dịch hóa phụ nữ trong nhiều nền văn hóa Latinh dựa trên sự lừa dối rằng đàn ông cao quí hơn phụ nữ. Hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ là dựa trên sự lừa dối rằng người thuộc tầng lớp này cao quí hơn người thuộc tần lớp kia.
Những người giả dối này, hay các tảng đá xây giả mạo có mặt ở mọi nền văn hóa. Chúng tượng trưng cho những gì mà sứ đồ Phaolô gọi là những lề lối hư không, giả dối, yếu hèn và nghèo nàn. Chúng phải bị vạch trần, đối chọi, nhổ ra và thay thế bởi những tảng đá xây "Nước Trời" đặt nền tảng trên lẽ thật vĩnh hằng được bày tỏ của Đức Chúa Trời.
Darrow Miller, Robert Moffitt & Sott Allen (Theo Thế Giới Quan về Nước Trời)