Nhiều Cơ Đốc Nhân không thích có sự vinh hiển của Đức Chúa Trời trong đời sống cầu nguyện của họ, bởi vì họ không thực hành sự cầu nguyện với kỷ luật. Họ không sẵn sàng để chết đối với những sự dễ chịu hoặc những kế hoạch riêng của mình để hy sinh thì giờ mà cầu nguyện. Nhiều lúc tôi bị chất vấn : "Vì sao các buổi nhóm của ông kéo dài quá mức như vậy ?".
Câu trả lời của tôi luôn luôn giống nhau : "Mối tương giao với Đức Thánh Linh thường đòi hỏi thời gian". Những người của Đức Chúa Trời, là những người đã gây được một ảnh hưởng mạnh mẽ trên thế gian nầy thảy đều không có sự ngoại lệ, kiên trì và bền đỗ trong sự cầu nguyện. Họ đã không thỏa mãn với một vài giây phút thông lệ trong sự cầu nguyện hằng ngày.
Chúng ta luôn luôn sẵn sàng để rao giảng, đọc một quyển sách, hoặc làm việc cho Đức Chúa Trời nhưng khi nói đến một đời sống cầu nguyện, chúng ta nhận thấy con người cũ của mình thường né tránh điều đó. Ý chí của chúng ta chống lại sức nặng của thập tự giá. Chúng ta muốn rút lui và làm những việc khác. Bí quyết là cứ quỳ gối dầu chúng ta có cảm thấy sự chúc phước hay không. Chúng ta phải tin rằng Đức Chúa Trời thường ban thưởng cho kẻ nào tìm kiếm Ngài cách sốt sắng (Hêbơrơ 11:6).
Chờ đợi trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời
Học biết cách để chờ đợi trong sự yên lặng của Chúa là điều quan trọng biết bao ! Trước lễ Ngũ Tuần các môn đồ được truyền dặn phải chờ đợi. "Cứ ở trong thành (Giêrusalem) cho đến khi các ngươi được mặc lấy quyền phép từ trên cao". (Luca 24:49). Trước khi nghe tiếng Chúa phán từ đám mây vinh quang, Môise đã phải chờ đợi. "Đức Giêhôva phán cùng Môise rằng : Hãy lên núi đến cùng ta và ở lại đó; Ta sẽ ban cho ngươi... " (Xuất Êdíptôký 24:12). Rõ ràng là chúng ta không thích chờ đợi ! Nhưng chờ đợi đem lại những ích lợi lớn.
1. Chờ đợi biểu thị rằng Đức Chúa Trời có quyền ưu tiên. Chúng ta không thể đến với Đức Chúa Trời trong một sự vội vã để hòng đưa ra các điều kiện của chính mình. Chúng ta phải đến trong sự hiện diện của Ngài với sự tôn kính đúng mực. Tôi thuộc về Ngài để vâng lệnh Ngài, chứ không theo cách ngược lại ! Như lời Kinh Thánh chép rằng : "Tôi nhịn nhục trông đợi Đức Giêhôva, Ngài nghiêng tai qua nghe tiếng kêu cầu của tôi" (Thithiên 40:1).
2. Chờ đợi cho phép Đức Chúa Trời hành động trong chúng ta và làm suy yếu ý muốn của chúng ta hầu cho chúng ta đầu phục ý muốn Ngài. Đây là phần việc của bàn thờ dâng sinh tế. Cũng như người nông gia chuẩn bị đất trước khi gieo giống, Đức Chúa Trời cũng xử lý những tấm lòng lộn xộn của chúng ta và chuẩn bị chúng ta để nghe tiếng phán Ngài trong khi chúng ta chờ đợi trong sự hiện diện của Ngài.
3. Chờ đợi cho thấy sự nghiêm túc của lời cầu xin chúng ta. Khi chúng ta thật sự cần điều gì đó chúng ta sẽ chờ đợi cách kiên trì.
Giá trị của sự chờ đợi trên đầu gối của chúng ta thật quan trọng biết bao.
Một khi Đức Chúa Trời đã khơi ngọn lửa của Đức Thánh Linh trong lòng chúng ta, chúng ta phải giữ cho ngọn lửa ấy cháy luôn. Lêviký 6:12-13 nhắc nhỡ chúng ta rằng lửa trên bàn thờ phải cháy luôn luôn, không nên tắt. "Mỗi buổi sáng thầy tế lễ sẽ lấy củi chụm lửa thêm, sắp của lễ thiêu lên trên và xông những mỡ về của lễ thù ân tại đó. Lửa hằng cháy luôn luôn trên bàn thờ, chẳng nên tắt."
Trong đền tạm, thầy tế lễ có trách nhiệm hằng ngày phải trông chừng ngọn lửa. Ông phải mang tro đi và thêm củi vào mỗi buổi sáng. Chúng ta có thể hình dung ông ta vào những buổi sáng sớm, lạnh lẽo đi tìm củi trong sa mạc, vác nó trên vai, đem nó đến bàn thờ, và chụm nó cho cháy lên. Sự phục vụ của ông cho chúng ta một bài học rõ ràng : Chúng ta không thể duy trì đời sống tâm linh của mình mà không nỗ lực và tận hiến mỗi ngày.
Các mối quan hệ cũng bị suy giảm nếu chúng ta không chăm sóc chúng. Một cặp vợ chồng giữ cho ngọn lửa yêu thương cháy luôn bằng cách vun xới cho mối quan hệ của họ mỗi ngày bằng tình bạn, sự chung thủy, và tình bầu bạn.
Coi chừng mối tương quan của chúng ta với Chúa cũng có thể trở nên giống như mối quan hệ của cặp vợ chồng ấy. Chúa vẫn ở đó, Ngài luôn luôn ở đó, rất gần bạn. Nhưng duy trì được mối tương giao với Ngài phụ thuộc vào việc bạn có đến gần Ngài hay không ? Đức Chúa Trời khuyên chúng ta : "Đừng dập tắt Đức Thánh Linh" (ITêxalônica 5:19). Nếu chúng ta không săn sóc, ngọn lửa sẽ tàn tắt. Chúng ta cần đeo đuổi, tìm kiếm sự hiện diện của Chúa. Chúng ta phải dọn các lớp tro tội lỗi và tinh thần thế gian, dọn dẹp lại bàn thờ mỗi buổi sáng. Chúa muốn chúng ta "Phải có lòng sốt sắng" (Rôma 12:11).
Tiên tri Giêrêmi được kêu gọi để hầu việc Chúa với một dân tộc cứng lòng. Ông phải đối mặt với nghịch cảnh và sự bắt bớ. Nhưng khi tấm lòng ông bắt đầu làm ông thất vọng, thì lửa trong lòng ông nâng đỡ ông."Nếu tôi nói, tôi sẽ chẳng nói đến Ngài nữa; tôi sẽ chẳng nhơn danh Ngài mà nói nữa; thì trong lòng tôi như lửa đốt cháy, bọc kín trong xương tôi, và tôi mệt mỏi vì nín lặng, không chịu được nữa" (Giêrêmi 20:9). Đó chính là ngọn lửa được nung nấu bởi tình yêu và sự cam kết – cũng chính là ngọn lửa mà Đức Chúa Trời muốn thắp lên và giữ cháy luôn trong đời sống bạn.
Bởi sự hiện diện của Đức Thánh Linh bạn có thể kinh nghiệm sự kêu gọi để tiến lên, để tiếp tục trận chiến, và để giữ mình thanh sạch và thánh khiết cho công việc Đức Chúa Trời.
Trên đường dẫn đến sự kinh nghiệm của Chúa, chúng ta phải dừng lại tại bàn thờ dâng sinh tế, chết tại đó, và giữ cho ngọn lửa của sinh tế cháy luôn mỗi ngày.
Claudio Freidzon (theo Lạy Thánh Linh Con Khao Khát Ngài)