Trong những năm tuổi trẻ của mình George Washington Carver dường như được nhìn nhận là để dành cho sự thất bại trong tương lai. Sinh ra là một nô lệ da đen vào khoảng những năm 1864 tại một đồn điền ở Missori, cha ông bị chết trong một tai nạn ngay trước khi ông được sinh ra, mẹ ông bị bọn săn nô lệ bắt cóc và giết chết. Tuy lớn lên là một đứa bé mồ côi trong số " những kẻ nghèo nhất của kẻ nghèo", Carver đã trở thành một nhà giáo dục vĩ đại và là một trong những nhà nghiên cứu nông nghiệp lỗi lạc nhất trong lịch sử.
Ngay những năm còn nhỏ, Carver đã bị cây cỏ thu hút. Là một Cơ Đốc nhân sốt sắng, ông đã thuộc nằm lòng Sáng thế ký 1:29, "Này, ta sẽ ban cho các ngươi mọi thứ cỏ kết hột mọc khắp mặt đất; ấy sẽ là đồ ăn cho các ngươi... ". Ghi chú về câu Kinh thánh này ông viết "Này" có nghĩa là hãy nhìn kìa, hãy tìm kiếm, khám phá... Điều đó đối với tôi là điều tuyệt diệu nhất trên đời". Đối với ông "những hình thức đa dạng của tự nhiên là một cánh cửa sổ nhỏ Đức Chúa Trời ban cho chúng ta mà chỉ đơn giản bằng cách nhấc màn lên và nhìn vào chúng ta có thể tương giao với Ngài và thấy được sự vinh hiển của công việc Ngài. Tôi yêu thích việc nghĩ rằng thiên nhiên là một trạm điện tín không dây mà Đức Chúa Trời dùng để nói chuyện với chúng ta mỗi ngày, mỗi giờ và mỗi giây phút của đời sống chúng ta".
Carver đã tiến gần đến sự sáng tạo của Đức Chúa Trời với một tâm thần đặt gốc rễ trong chân lý Kinh thánh. Thiên nhiên là một quyển sách biểu lộ Đấng Tạo Hóa cũng như mục đích và trật tự sáng tạo của Ngài. Kết quả là bất cứ khi nào Carver khám phá ra mục đích của điều gì đó trong tự nhiên ông liền đem nó áp dụng vào trong thực tế.
Khi một phóng viên phụ trách mục nông nghiệp hỏi ông điều gì đã thúc đẩy ông nghiên cứu về hạt đậu, Carver đã trả lời rằng :
"Tại sao ư? Tôi bốc lấy một nắm đậu, quan sát nó và tôi đã thắc mắc, "Đấng Tạo Hóa vĩ đại, tại sao Ngài tạo nên hạt đậu. Tại sao vậy?" Với vốn kiến thức có được từ hóa học và vật lý tôi bắt đầu thử tách các thành phần của hạt đậu ra. Tôi tách nước riêng, chất béo riêng, chất bột riêng... các axit amin riêng. Kìa, tôi đã có những thành phần của hạt đậu hiện ra trước mắt tôi. Rồi tôi cố thử những cách khác nhau để kết hợp những thành phần đó dưới điều kiện nhiệt độ và áp suất khác nhau. Kết quả là... có 202 sản phẩm khác nhau được chế biến từ hạt đậu".
Cuối cùng, nghiên cứu của Carver đã tạo ra 325 sản phẩm từ đậu, hơn 100 sản phẩm từ khoai lang và hàng trăm sản phẩm khác từ một tá cây trồng có mặt ở miền nam Hoa Kỳ. Đối với Carver những lẽ thật làm biến đổi của quan điểm Kinh thánh đã mở ra cánh cửa đến những khám phá diệu kỳ.
Thật không may, có những quan điểm nổi trội khác không tin vào một vũ trụ được tạo nên bởi một Đấng Tạo Hóa vĩ đại. Chủ nghĩa tự nhiên nhận định rằng vũ trụ vật chất này đã tự hình thành. Không hề có sự sắp xếp hay mục đích nào trong tự nhiên vì không hề có nhà thiết kế. Vẻ ngoài của sự sắp đặt chẳng qua chỉ là một ảo tưởng. Trái lại, thuyết duy linh lại xem thế giới vật chất là nơi cư ngụ của các thần linh. Muốn trồng trọt trên đất, trước tiên con người phải thỏa thuận và nhân nhượng thần linh. Thậm chí ở thời đại này, khi trong cơn hạn hán một nhà truyền giáo có thiện chí đào một cái giếng đã bị một số người ngăn cản vì nghĩ rằng điều đó sẽ "làm phiền các vị thần linh trong lòng đất".
Bởi vì những hạt giống có quá nhiều, quá thông dụng nên chúng ta xem sự tái sản xuất này là điều đương nhiên. Nhưng hãy thử tưởng tượng ra rằng cây cỏ chỉ sản sinh ra một trái và bên trong chỉ có một hột giống. Một cơ cấu như vậy vẫn sẽ có sự tái sản sinh nhưng sẽ không có sự phong phú và sinh sôi. Thật may mắn rằng đây không phải là cơ cấu mà Đức Chúa Trời đã dựng nên. Trái lại, một hạt giống có thể sinh ra một cái cây đầy trái và trong mỗi trái cây đó lại chứa rất nhiều hạt giống. Có một câu ngạn ngữ Kenya minh họa cho quá trình hoạt động hết sức kỳ thú này : "Bạn có thể đếm được trong một quả xoài có bao nhiêu hạt, nhưng bạn không thể đếm được trong một hạt xoài có bao nhiêu quả xoài".
Trong một hệ thống như vậy, Đức Chúa Trời đã ra lệnh cho Adam và Êva "hãy sanh sản thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất... " (Sáng thế ký 1:28). Đức Chúa Trời mong muốn có sự sinh sôi, phát triển trong loài thọ tạo của Ngài. Ý muốn của Ngài là "Sự nhận biết vinh quang Đức Giê-hô-va sẽ đầy dẫy khắp đất như nước đầy tràn biển" (Habacúc 2:14). Sự sáng tạo đáng kinh ngạc của Đức Chúa Trời rất năng động, với một khả năng đầy dẫy khắp đất.
Sáng thế ký 2:15 chép rằng: "Giê-hô-va Đức Chúa Trời đem người ở vào cảnh vườn Êđen để trồng và giữ vườn". Từ "trồng" ở đây chỉ sự tiến triển. Adam và Êva có nhiệm vụ làm cho vườn Êđen mở rộng chứ không chỉ là giữ cho khu vườn ở nguyên trạng. Họ được sử dụng nó để phục vụ cho lợi ích của mình (Thi thiên 104:10-15). Tuy nhiên họ cũng phải chăm sóc cho khu vườn nữa. Họ phải gìn giữ, bảo tồn và chăm sóc cho khu vườn để cho nó luôn xanh tốt, phát triển và nở rộ.
Là những công dân của mặt đất chúng ta đang sống trong khu vườn của Đức Chúa Trời. Ngài trao cho chúng ta nhiệm vụ của một người quản gia đối với ngôi nhà thiên nhiên; chúng ta phải nuôi dưỡng chăm sóc khoảng không, mặt nước, đất đai, cây trồng, động vật hay bất cứ loài nào khác.
Chúng ta hoàn toàn có thể tự do sử dụng những vật thọ tạo đó để phục vụ cho lợi ích của chúng ta nhưng khi chúng ta làm như vậy chúng ta phải nâng niu, chăm sóc chúng. Những quan điểm khác nhấn mạnh đến việc "trồng" nhưng không để tâm đến sự chăm sóc môi trường; điều đó dẫn đến sự lạm dụng và phá hủy thiên nhiên. Cũng có những quan điểm khác chú trọng đến sự chăm sóc môi trường nhưng không "trồng", điều đó dẫn đến sự nghèo khó và kém phát triển. Quan điểm Kinh thánh đem đến sự cân bằng tuyệt vời giữa "trồng" và "chăm sóc". Chúng ta là những người chăm sóc trong nhà Đức Chúa Trời, là những người quản gia đối với sự sáng tạo kỳ diệu của Ngài. Chúng ta có trách nhiệm phải chăm sóc thiên nhiên.
DARROW L. MILLER, ROBERT MOFFIT & SOTT ALLEN
(Theo Thế Giới Quan Về Nước Trời)