Đức Chúa Trời đang nắm quyền kiểm soát tối hậu mọi sự kiện. Tác giả Châm ngôn tỏ rõ rằng: "Lòng người toan định đường lối mình, song Đức Giêhôva chi dẫn các bước của ngươi" (Châm ngôn 16:9). Đôi khi Chúa mở các cửa (I Côrinhtô 16:9) và đôi khi Ngài đóng các cửa (Công vụ 16:7). Trong đời tôi có hai lần Chúa đã đóng các cửa của những điều mà tôi rất mong muốn và lúc bấy giờ tôi cho là ý muốn Chúa. Tôi đã cố gắng làm cho các cánh cửa ấy mở ra. Tôi đã cầu nguyện, và tôi đã vật lộn, đã tranh chiến, nhưng cửa vẫn không mở. Trong cả hai trường hợp tôi đều thất vọng cay đắng. Nhưng bây giờ sau nhiều năm, thì tôi hiểu vì sao Ngài đã đóng các cánh cửa ấy. Tôi thật sự biết ơn Ngài vì điều Ngài đã làm. Song tôi không chắc khi lên thiên đàng, liệu chúng ta có hiểu hết được lý do tại sao Ngài lại đóng một số cánh cửa trong cuộc đời của chúng ta.
Nhiều khi Ngài mở các cánh cửa bằng một phương cách thật khác thường. Hoàn cảnh và thời điểm được sắp đặt tỏ rõ bàn tay của Ngài (Sáng thế ký 24). Michael Bordeaux là người đứng đầu Trường Cao Đẳng Keston, một đơn vị nghiên cứu, cống hiến và giúp đỡ các tín hữu trong xứ sở thuộc Cộng sản. Công việc và sự nghiên cứu của ông hiện đang được các chính phủ khắp nơi trên thế giới quý trọng. Ban đầu, ông học tiếng Nga ở tại trường Oxford và giáo sư Nga của ông, tiến sĩ Zernov đã gởi cho ông một lá thư vì nghĩ rằng bức thư ấy sẽ làm ông thích thú. Bức thư ấy tường thuật chi tiết thế nào các tu sĩ đã bị KGB đánh đập và phải chịu đựng những cuộc khám xét về sức khỏe vô nhân đạo; thế nào họ đã bị tập trung lại dồn vào trong những xe tải và đổ đống xuống những vùng cách xa hàng trăm dặm. Bức thư được viết hết sức đơn giản, không hề có sự thêm thắt, và khi đọc nó Michael Bordeaux cảm thấy mình đang nghe tiếng nói thật sự của hội thánh bị bắt bớ. Bức thư được ký tên Varavva và Pronina.
Vào tháng Tám năm 1964; ông đi một chuyến đến Moscow và vào buổi chiều đầu tiên ở tại đó ông thình lình gặp gỡ những người bạn cũ, họ đã kể chi tiết cho biết các cuộc bắt bớ đang ngày càng tệ hại hơn; đặc biệt hai nhà thờ cổ của Thánh Phierơ và Thánh Phaolô đã bị phá sập. Họ đề nghị ông hãy đến và đích thân chứng kiến.
Vì vậy ông đón taxi và đi đến đó lúc trời đã chạng vạng. Khi đến chỗ quảng trường nơi ông nhớ trước kia là một nhà thờ xinh đẹp, thì ông chẳng tìm thấy gì ngoài một hàng rào cao khoảng bốn mét che dấu một đống gạch đá đổ nát nơi đã từng là ngôi nhà thờ. Tận bên kia khuôn viên có hai người phụ nữ đang leo lên hàng rào để cố xem có cái gì ở bên trong. Ông để ý họ và sau cùng khi họ đã rời khuôn viên ông đi theo họ cách khoảng một trăm mét và cuối cùng ông bắt kịp họ. Họ hỏi "Ông là ai?" Ông trả lời "Tôi là người nước ngoài. Tôi đến đây để tìm biết điều gì đang xảy ra ở đây trong Liên Bang Sô Viết".
Họ đưa ông vào căn nhà của người phụ nữ nọ, bà ta hỏi vì sao ông đến đây. Vì vậy ông nói ông đã nhận được một bức thư từ Ukraine đến theo đường Paris. Khi bà ta hỏi bức thư ấy đến từ ai, ông trả lời "Varavva và Pronina". Một khoảng im lặng. Ông tự hỏi không biết mình đã nói điều gì sai. Thế rồi tiếp đó là những tiếng khóc nức nở không kềm chế được. Người phụ nữ đưa tay ra và nói: "Đây là Varavva, và đây là Pronina".
Dân số của Nga hơn 140 triệu người, Ukraine nơi từ đó bức thư được viết, cách Moscow 1.300 cây số. Còn Michael Bordeaux đã bay từ Anh đến sáu tháng sau khi bức thư được viết. Họ hẳn sẽ không gặp nhau ở tại khu nhà thờ bị phá hủy nếu như một trong hai bên đến sớm hơn hoặc muộn hơn một giờ đồng hồ. Đó là một trong những cách Đức Chúa Trời đã kêu gọi Michael Bordeaux để bắt đầu công việc của đời sống ông.
Đôi khi sự hướng dẫn của Chúa dường như đến lập tức, có sự yêu cầu (như Sáng thế ký 24), nhưng thường phải mất một khoảng thời gian lâu hơn nhiều. Có khi cả hàng tháng, thậm chí hàng năm. Chúng ta có thể ý thức Chúa sắp sửa làm một điều gì đó trong đời sống mình, nhưng phải chờ đợi một thời gian dài để điều đó được thành. Trong những trường hợp đó chúng ta cần kiên nhẫn như Ápraham người mà sau khi "đã nhịn nhục chờ đợi như vậy, rồi mới được điều đã hứa" (Hêbơrơ 6:15). Trong khi chờ đợi, đã có một lúc ông bị cám dỗ để cố gắng làm thành những điều Chúa hứa bằng phương cách riêng của mình - với những hậu quả tai hại (xem Sáng thế ký đoạn 16 và 21).
Trong lãnh vực về sự chỉ dẫn này, hết thảy chúng ta đều lầm lỗi. Đôi khi cũng giống như Ápraham, chúng ta cố gắng làm thành chương trình của Chúa bằng các phương pháp riêng và sai trật của mình. Giống như Giôsép chúng ta đã hiểu sai thời điểm. Nhiều khi chúng ta cảm thấy mình đã gây ra quá nhiều rối rắm cho cuộc đời mình, kể từ khi chúng ta đến với Chúa Cứu Thế, và Đức Chúa Trời không làm được điều gì cho mình. Nhưng Đức Chúa Trời vượt trỗi hơn điều đó. Ngài có thể "đền bù cho các ngươi về mấy năm bị cắn phá bởi cào cào... " (Giôên 2:25). Ngài có quyền làm nên điểu tốt lành từ bất cứ điều gì còn lại của cuộc đời chúng ta, dầu thời gian ấy là ngắn hay dài, nếu chúng ta bằng lòng dâng điều mình có cho Ngài và hợp tác với Thánh Linh Ngài.
Lord Radstock đang ở tại một khách sạn Nauy vào giữa thập niên 1020. Ông nghe một bé gái đánh đàn dương cầm dưới tiền sảnh, cô bé đang gây nên những tiếng ồn khủng khiếp ‘plink... plong... plink... ’ Ông ta muốn nổi khùng vì những tiếng ồn đó! Một người đàn ông đến ngồi bên cạnh cô bé và bắt đầu chơi cùng với cô lấp vào những chỗ trống. Kết quả, đó là một bản nhạc tuyệt vời nhất. Về sau ông ta mới biết được người đàn ông cùng chơi đàn với cô bé chính là bố của cô ấy, Alexander Borodin, nhà soạn nhạc của nhà hát ca kịch opera Prince Igor.
Phaolô viết rằng: "Mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, là kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định" (Rôma 8:28). Trong khi chúng ta chơi phần của mình một cách vụng về, tức là tìm kiếm ý muốn của Ngài dành cho đời sống mình qua việc đọc (lời Thánh Kinh uy quyền), lắng nghe (Thánh Linh kiểm soát), sự suy nghĩ (nhận thức bình thường), việc trò chuyện (tham khảo với các thánh đồ), theo dõi (các dấu hiệu của hoàn cảnh) và sự chờ đợi, tức là Chúa đến và ngồi cùng chúng ta ‘mọi sự hiệp lại làm ích cho chúng ta’. Ngài lấy những tiếng ‘pling... plonk... pling... ’ của chúng ta và tạo ra điều tuyệt vời từ đời sống chúng ta.
NICKY GUMBEL (Những Thắc Mắc Về Đời Sống)