Mục sư Duncan Cambel đã về nước Chúa năm 1974, trước đó ông đã từng giảng dạy nhiều năm tại Trung Tâm Huấn Luyện Truyền Giáo của chúng tôi, khi còn làm Mục sư, ông chứng kiến cơn phục hưng kiểu "Công Vụ Các Sứ Đồ" trên một số hòn đảo nhỏ tại Hebrides – Tô-cách-lan trong năm 1950. Ông kể cho chúng tôi nghe về những sự kiện siêu nhiên và sự hiện hữu bất thường của Chúa trong vòng những người mà ông đã chứng kiến làm tấm lòng chúng tôi nóng nảy muốn kinh nghiệm cơn phục hưng như thế trong thế hệ của mình.
Một trong những câu nói của vị mục sư tóc bạc này vẫn còn rung động trái tim tôi cho đến ngày hôm nay là "Tôi muốn danh mình được biết đến trên Thiên Đàng và được khiếp sợ dưới Địa Ngục".
Danh tiếng, danh giá, danh dự hay thanh danh là những gì quí giá nhất trong quyền sở hữu cá nhân. Gần đây, sau một vụ kiện cáo lâu dài tốn kém, một cố vấn của tòa bạch ốc được minh oan. Ông than vãn ở phòng họp báo "Làm sao tôi có thể lấy lại danh tiếng bây giờ" Thường thường chúng ta chẳng nghĩ nhiều đến danh tiếng cho đến khi bị mất nó đi. Khi ấy chúng ta mới hiểu được "Danh tiếng tốt còn hơn tiền của nhiều" (Châm ngôn 22:1).
Nếu muốn tên tuổi mình được biết đến trên thiên đàng và được khiếp sợ dưới địa ngục, chúng ta phải sẵn sàng hi sinh danh tiếng trên mặt đất. Chúa Giê-xu tình nguyện hạ thấp mình khi Ngài xuống trần gian, chịu đựng mọi dèm pha, rủa sả của con người để thực thi ý muốn của Chúa Cha. Các tôi trai tớ gái của Chúa trong Kinh Thánh cũng hi sinh danh tiếng trong sự vâng phục Chúa. Bạn thử đặt mình trong hoàn cảnh Nô-ê, Giê-rê-mi, Mác hay Phao-lô... Xem họ có phải là những nhân vật được quần chúng ưa chuộng không?
Tất cả tôi trai, tớ gái của Đức Chúa Trời có tên tuổi trong các trang sách lịch sử đều phải chịu đựng những sự phỉ báng miệt thị. Ông john Wesley cùng em trai mình Charles Wesley được các nhà lịch sử hiện đại đánh gìá cao về vai trò của họ trong sự ngăn cản cuộc nội chiến đẫm máu ở nước Anh. Qua Lời Chúa họ đem lại hi vọng cho những thợ thuyền bị đè nén, áp bức trên đường phố, ngõ hẻm. Tuy nhiên, các vị lãnh đạo tôn giáo đương thời vu khống ông là tà giáo, nhiều lúc không cho phép ông vô nhà thờ. Họ tung tin đồn đại buộc ông về đủ thứ tội lỗi. Truyền đơn, sách báo nói xấu ông được in và lưu hành bởi những nhà lãnh đạo trong tôn giáo, chính trị, xã hội. Nhiều lần ông suýt chết bởi tay của những đám người kích động.
Wesley chấp nhận sự bắt bớ này như là một điều cố nhiên xảy ra cho tôi tớ Chúa, cũng như là một bằng chứng của sự vâng phục. Một ngày kia, ông ý thức được rằng suốt ba ngày qua ông không gặp một sự bắt bớ nào hết. Suốt ba ngày không có một viên gạch hay một quả trứng ném vào ông. Wesley cảm thấy run sợ. Ông xuống ngựa và quì gối bên đường, hướng lòng về Chúa "Phải chăng con đã phạm tội, phải chăng con đã sa ngã, thoái hóa? Xin Chúa giúp con thấy được những gì con đã sai".
Một người đàn ông với dáng cục cằn đứng bên kia đường thoáng nghe lời cầu nguyện liền ngửng đầu lên và nhận ra Wesley "Ta sẽ cho thằng truyền đạo Giám lý nầy biết tay!" - hắn nghiến răng nói rồi liệng một hòn gạch lớn tới Wesley. Hòn gạch vừa bay ngang qua tai, ông bèn nhảy cẩng lên và reo to "Cám ơn Chúa, mọi điều vẫn bình thường, Ngài vẫn ở cùng với tôi".
Đã bao lâu rồi có người liệng hòn gạch vào bạn? Nếu ai cũng ưa thích bạn, xin bạn hãy kiểm nghiệm bản thân xem mình có đang đi theo Chúa hay không?
Corrie ten Boom là một phụ nữ Hòa-lan lớn tuổi đã từng ngồi trong trại tập trung của Đức Quốc Xã vì che giấu những người Do-thái ở Châu Âu. Bà là bạn thân của chúng tôi và thường đến giảng dạy cho thanh niên trong khóa huấn luyện truyền giáo. Một ngày kia khi cuốn sách "Nơi Ẩn Náu" của bà được xây dựng thành phim, tôi ngỏ lời khen "Này dì Corrie! Phải Chúa đang làm những công việc tuyệt vời qua cuốn sách và bộ phim của dì không?"
Corrie gật đầu đồng ý và trả lời với giọng êm dịu "Đúng vậy, Loren à! Tuy nhiên hàng ngày dì vẫn tự nhắc nhở mình là kẻ tù số 66730. Đó là số tù của bà trong trại tập trung Ravensbruck.
Corie đã chiến thắng thử thách. Bà sẵn lòng làm kẻ vô danh khi phải đứng trần truồng trước những sĩ quan Đức quốc xã, chờ đến lượt mình vô buồng tắm. Bà kể lại nỗi đau đớn của một phụ nữ độc thân gần năm chục tuổi không quần không áo trước ánh mắt giễu cợt tàn nhẫn của họ.
Trong giây phút đó, Chúa Giê-xu nhắc nhở cho bà rằng chính Ngài cũng đã bị lõa lồ trên cây thập tự, để làm gương cho mọi người. Ai nhìn thấy Chúa đều khinh rẻ, miệt thị Ngài. Chúa đã hy sinh danh tiếng để cứu chuộc chúng ta.
Không phải tôi muốn nói rằng bạn phải tìm cách làm mất danh tiếng của mình. Bạn có thể làm điều đó một cách dễ dàng khi cướp một nhà băng. Vấn đề ở đây là khi bạn làm những việc công chính, chấp nhận mọi trách nhiệm cá nhân và vâng lời Chúa một cách trọn vẹn, bạn sẽ trải qua những giai đoạn bị người ta hiểu lầm và khinh rẻ. Tuy nhiên, có một điều tuyệt vời sẽ xảy ra : Danh tiếng duy nhất của bạn đang trở nên danh tiếng của Chúa.
Khi David Livingston đi truyền giáo ở Phi Châu. Ông để lại ở Tô-cách-lan một gia sản lớn sau nhiều năm hành nghề bác sĩ. Anh trai của ông chế nhạo: "Nếu mày muốn, mày có thể chôn vùi cuộc sống trong rừng rú cùng với bọn người man di mọi rợ. Còn ta, ta sẽ ở lại Anh quốc và làm rạng rỡ danh ta".
Anh trai của David trở nên một bác sĩ có tên tuổi đương thời, tuy nhiên trong bộ sách bách khoa (Encyclopedia Britannica) chỉ có một dòng nhắc đến ông với tư cách là anh trai của một giáo sĩ nổi tiếng. Còn về David Levingston có mười bốn phân đoạn mô tả sự nghiệp của ông. Khi ông chết, ông yêu cầu người ta chôn trái tim của ông ở Phi Châu. Lễ tang của ông được cử hành một cách trọng thể như lễ tang vua chúa và thi hài ông được đặt để ở Tu Viện Hoàng Gia (Westminster Abbey).
LOREN CUNNINGHAM
(Theo Tôn Giê-xu Làm Chúa)