Chức thầy tế lễ của người tín hữu có ý nghĩa là chúng ta không phải thông qua bất cứ tổng đài của người nào để kết nối với Đức Chúa Trời. Qua những gì Chúa Giê-su đã làm tại thập tự giá, mọi người giờ đây có thể trực tiếp đến với Chúa ở trên trời.
Có một câu chuyện tuyệt vời ra từ Hội Thánh Calvary Baptist ở Washington D.C. Khi Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Charles Evans Hughes bước lên phía trước nhà thờ để trình diện tư cách hội viên của mình trước Hội Thánh thì cùng lúc ấy có một người thợ giặt ủi sống trong khu phố Tàu lân cận cũng đến xin gia nhập Hội Thánh. Người ta kể là lúc ấy, vị mục sư của nhà thờ đã nói "Đất dưới chân thập tự thì bằng nhau một cách kỳ diệu". Ông nói đúng, tất cả chúng ta đều đến với Đức Chúa Trời giống như nhau.
Walter Shurden kể câu chuyện về một Mục sư Báp-tít được một nhà thờ mời đến gặp các chấp sự trong buổi thẩm vấn sơ bộ. Sau khi trò chuyện qua loa, họ bắt tay vào công việc.
Một vị chấp sự vui tính, vốn là một người chuyên bán sĩ thực phẩm, nhìn vị Mục sư và hỏi "Thưa Mục sư, câu hỏi mà ông muốn chúng tôi trả lời nhất là gì ?".
Ngay lập tức, vị Mục sư tương lai ấy trả lời ngay "Tôi muốn biết nhà thờ của ông có cho phép giảng đạo tự do và cởi mở không. Tôi có được tự do đứng tại bục giảng và rao giảng những gì tôi thật sự nghĩ Chúa muốn mình nói không ?".
Vị chấp sự đặt câu hỏi ấy đã trả lời chậm rãi và dứt khoát. "Vâng, ở Hội Thánh chúng tôi, Mục sư có tòa giảng tự do", rồi ông nói thêm, "và những tín hữu ngồi trên băng ghế nhà thờ chúng tôi cũng có quyền tự do". Một tràng pháo tay dành cho vị chấp sự ấy !
Cơ-đốc nhân chúng ta là những người tự do. Tự do đến với Chúa mà không phải qua trung gian loài người. Tự do tin hay không tin Tin Lành. Tự do đến với Chúa trong sự cầu nguyện. Tự do xưng tội với Ngài. Tự do quản trị nhà thờ của chính chúng ta. Tự do diễn giải Thánh Kinh cho chính mình.
Điều này không có nghĩa là bạn tin ra sao cũng được và vẫn là một người Báp-tít. Tín lý về chức thầy tế lễ của người tín hữu không bao giờ cho phép những giải thích sai lạc, tước bỏ hay hạ giảm yếu tố siêu nhiên khỏi Kinh Thánh. Chúng ta không có quyền làm cong quẹo, bỏ qua hay chỉ chọn một phần nào đó của Kinh Thánh. Chúng ta được quyền cắt nghĩa Kinh Thánh cho mình nhưng phải dùng đúng những nguyên tắc giải nghĩa và nhờ cậy Đức Thánh Linh.
Trong thư tín của mình, Giu-đe khuyến khích chúng ta hãy hết sức tranh đấu cho đức tin "từng" được ban cho các thánh đồ. Chữ "từng" trong tiếng Hy lạp có nghĩa là "một lần và cho tất cả". Đức tin Cơ đốc được ban cho chúng ta đầy đủ và trọn vẹn. Chúng ta không cần phải thêm vào hay bớt ra điều gì cả.
Lượng kiến thức của nhân loại đã gia tăng đáng kể từ thế kỷ đầu tiên. Cần khoảng thời gian từ lúc Đức Chúa Trời dựng nên trời đất cho đến khi Chúa Giê-su giáng sinh để tích lũy được một lượng kiến thức của nhân loại. Rồi phải cần một khoảng thời gian từ thời Chúa Giê-su cho đến năm 1760 để lượng kiến thức ấy tăng gấp đôi. Đến năm 1880, tức là 120 năm sau thì lượng kiến thức đó lại tăng gấp đôi. Đến năm 1914, tức 34 năm sau, kiến thức con người lại tăng gấp đôi lần nữa. Vào năm 1941, tức 27 năm sau, kiến thức con người lại tăng gấp đôi. Năm 1959, tức 7 năm sau đó, kiến thức loài người lại tăng gấp đôi nữa. Đến 1962, chỉ 3 năm sau, kiến thức đó lại tăng gấp đôi nữa. Và từ năm 1985 tới nay, lượng kiến thức nhân loại tăng gấp đôi cứ mỗi sáu tháng và hiện giờ thì khoảng thời gian đó còn ngắn hơn nữa.
Nhưng Tin Lành không thể thay đổi chút nào trước tất cả những lượng thông tin mới hiện có này. Sự mặc khải của Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-su đã hoàn toàn đầy đủ. Tin lành của Chúa cần được suy gẫm lại, diễn đạt lại và tái áp dụng trong từng mỗi thế hệ. Nhưng chúng ta không cần phải thêm bớt điều gì cả.
Nhưng có lẽ bạn sẽ hỏi, "Nhưng tôi có nên tin điều mà ông nội của tôi tin không ?" Vâng, dứt khoát là như vậy ! Nếu ông nội bạn hiểu Kinh Thánh một cách đúng đắn thì bạn có thể an tâm đặt lòng tin nơi những gì ông đã tin về Đức Chúa Trời, về Đấng Christ, sự cứu rỗi, và sự sống đời đời. Niềm tin của chúng ta có phẩm chất không hề thay đổi. Và Kinh Thánh bày tỏ niềm tin ấy cho chúng ta. Chúng ta được tự do đọc, hiểu và áp dụng lời Chúa cho đời sống mình.
Paul W. Powell