Đức Chúa Trời không muốn thấy những người tích cực làm việc một thời gian ngắn sau đó lại đánh mất nhiệt tình của mình. Ngài tìm kiếm những người trung tín cho đến cuối cùng. Những người như vậy là ngọn đèn hải đăng trong lịch sử hội thánh. Điều gì đã khiến cho những anh hùng đức tin này làm nên sự đột phá trong thời của mình? Họ có gì khác biệt với những người khác? - Họ đã tin tưởng một cách sâu sắc ở trong tâm linh, rằng sự đột phá đang chờ đón họ, và họ kiên trì trông đợi điều đó.
William Carey là một trong những giáo sĩ Tin lành đầu tiên của Châu Âu. Ông đã đến Ấn Độ mà không có sự hổ trợ về tài chính nào. Ông buộc phải vượt biên một cách bí mật, vì chính quyền Anh không cho phép các giáo sĩ nhập cảnh. Ông đã khởi đầu sứ mệnh truyền giáo của mình ở miền bắc Ấn Độ, không xa Calcutta. Trong suốt bảy năm đầu chức vụ của ông, không có một người Hindu nào được cứu.
Vì sao ông không bỏ đi, mà cứ tiếp tục làm việc bền bỉ? – Đó là bởi ông có niềm tin tưởng vững chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ thực hiện những lời hứa của Ngài. Chính sự kiên trì đã giúp cho Carey đi đến tận cùng thắng lợi. Cần phải mất bảy năm lao động bền bĩ mới có được người Hinđu đầu tiên tiếp nhận sự cứu rỗi. Cho đến cuối đời mình, Carey đã mở được hơn một trăm trường cơ đốc và rất nhiều hội thánh. Ông đã dịch kinh thánh ra tiếng Bengal, bản dịch tốt đến mức đến nay, nó vẫn còn được sử dụng. Hơn nữa, ông còn dịch kinh thánh ra hai mươi thứ tiếng, bao gồm tiếng Ba Tư, tiếng Trung Quốc, và nhiều ngôn ngữ của các dân tộc Ấn Độ. Thời bấy giờ, còn chưa có các máy tính để giúp cho việc in các văn bản. Mỗi chữ đều phải viết bằng tay. Sau khi William Carey hoàn thành công việc của mình, thì nhà in bị cháy khiến tất cả các bản dịch gốc cũng bị cháy theo. Như thế, mọi việc lại phải bắt đầu từ đầu.
Thật đáng buồn, khi có các cơ đốc nhân ngày nay đánh mất đức tin chỉ vì sau giờ nhóm họp mục sư đã không đến chào hỏi họ. Một số khác thì bất mãn vì đủ chuyện vặt vãnh khiến họ không vừa lòng. Chúng ta vui mừng vì có những con người không bao giờ bỏ cuộc, bởi vậy mà họ là những người có thể thay đổi toàn bộ các châu lục.
William Carey, một người không có học thức, đã làm thay đổi bầu không khí thuộc linh của đất nước Ấn Độ. Ông là người phụ đóng giày, người không có học trong con mắt của thế gian, nhưng ông đã biết cầu nguyện và tin rằng Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ giúp đỡ ông. Ông là người kiên nhẫn và không bỏ cuộc.
Tôi từng được đọc cuốn sách viết về đạo quân của George Washington, chiến đấu với những người Anh để giành độc lập, ở thế kỷ thứ 18. Được biết, đó là một đạo quân hết sức vô kỹ luật. Mỗi khi huấn luyện, các binh lính đều bỏ trốn, song khi giờ ăn đến, thì ngay lập tức họ trở lại.
Điều giống như vậy cũng thường xảy ra trong vương quốc của Đức Chúa Trời. Khi trong hội thánh có tổ chức ra điều gì đó vui chơi, hợp thị hiếu, đem đến sự thỏa mãn cho xác thịt, thì số người đến tăng lên. Song, khi đề cập đến công việc, đặc biệt là về sự cầu nguyện, thì ai cũng thấy mình có việc bận và biến mất. Nếu ở khắp nơi xung quanh, bạn chỉ thấy có bóng tối và mọi lý do để đầu hàng, thì Đức Thánh Linh sẽ phán với bạn: "Đã đến kỳ tìm kiếm Chúa". Ngài cũng đã phán điều này với Đavít, và Đavít đáp: "Vâng, Chúa ôi, con sẽ tìm kiếm mặt Ngài". Sự đói khát về thuộc linh chính là động lực cho các tín đồ, để thay đổi các nước và các châu lục. Điều này đã khiến ma quỉ phải tức điên. Nó không sợ gì hơn là các cơ đốc nhân bắt đầu tìm kiếm Đức Chúa Trời và nói như Đavít:
"Tôi đã xin Đức Giêhôva một điều, và sẽ tìm kiếm điều ấy ! Ấy là tôi muốn trọn đời được ở trong nhà Đức Giêhôva,
Để nhìn xem sự tốt đẹp của Đức Giêhôva, Và cầu hỏi trong đền của Ngài" (Thi thiên 27:4)
Mọi cuộc phấn hưng đều phát sinh ở trước mặt Đức Chúa Trời. Đó là nơi khởi đầu của mọi chiến thắng, là nơi có sự mạc khải và vinh hiển. Tại đó, những cơ đốc nhân lười biếng, chán nản và bàng quan được biến đổi thành những người vô địch sống có mục đích, yêu thương và tràn đầy sinh lực, những người giống như Gia cốp, khi vật lộn với thiên sứ, nói: "Con chẳng để Ngài đi đâu, nếu Ngài không ban phước cho con".
Chúng ta có tinh thần khao khát được ra trận. Lòng chúng ta tha thiết mong muốn cầu thay, vì Linh cầu thay ở trên chúng ta. Tình yêu của Đấng Christ thôi thúc chúng ta cầu nguyện. Khi bóng tối bao trùm khắp xung quanh, thì Đức Chúa Trời ban cho ánh sáng của Ngài từ trời – đó là lời chiếu sáng trong sự tối tăm. Nhiều cơ đốc nhân mang trong mình nỗi sợ hãi biểu hiện bằng lời: "Sẽ chẳng có điều gì xảy ra, chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu hết". Nỗi sợ hãi này sẽ tiêu tan như sương mù buổi sớm, khi ánh sáng là lời từ ngôi Đức Chúa Trời đến.
Khi đó, bạn sẽ bắt đầu thấy rõ ràng rằng Đức Chúa Trời là thành tín. Ngài thực sự có khả năng thay đổi cả một dân tộc, và Ngài đang thăm viếng các dân. Khi đó, bạn sẽ thấy rằng, Chúa có thể hành động qua những con người bình thường như tôi và bạn, với tất cả những điểm yếu và khiếm khuyết của chúng ta. Ngài sẽ đặt chúng ta vào vị trí mà ở đó chúng ta có thể làm được những điều vĩ đại trong quyền năng của Đức Thánh Linh. Điều hết sức quan trọng cần phải hiểu, là Đức Chúa Trời có các kỳ và mùa cho mọi sự. Đức Thánh Linh lúc thì làm sạch, lúc thì cổ vũ hội thánh, đồng thời cũng có lúc quở trách và yên ủi. Chúng ta cần phải hiểu mình đang sống ở kỳ nào.
Đức Chúa Trời phán: "Nếu con làm phần việc của mình, thì Ta sẽ làm phần việc của Ta". Khi làm cho mưa đến, Ngài sẽ không đổ xuống chỉ một vài giọt. Cơn mưa của Ngài sẽ tưới khắp đất và đem sự sống đến cho muôn vật, và làm cho lớn lên. Không ai có thể ngăn nổi cơn mưa lớn như vậy.
ULF EKMAN
(Cầu Nguyện Phấn Hưng Các Dân Tộc)