Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 625

Sự Sống Trong Một Thế Giới Tối Tăm

Chúa Giê-su phán: "Ta là... sự sống". Trong Chúa Giê-su, chúng ta tìm được sự sống mà trước đây là tội lỗi, nghiện ngập, sợ hãi và lãng vãng bóng tử thần. Đúng là mọi người chúng ta đều được tạo dựng theo hình ảnh của Thượng đế cho nên loài người vẫn có một cái gì thật cao quý. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều cũng sa ngã, nghĩa là chúng ta được sinh ra với khuynh hướng làm ác. Trong mỗi con người, hình ảnh Thượng đế đã bị lu mờ hoặc nhiều hoặc ít, và trong vài trường hợp thì đã bị tội lỗi hầu như hoàn toàn triệt tiêu. Tốt lẫn xấu, mạnh lẫn yếu đều đồng hiện hữu trong mọi con người. Alexander Solzhenitsyn, người Nga nói: "lằn mức ngăn cách thiện và ác không đi xuyên qua các quốc gia, các giai cấp xã hội, các phe nhóm chính trị mà là xuyên qua ngay chính trái tim mỗi con người và qua mọi con tim nhân loại."

Tôi vẫn thường cho mình là con người "tốt" bởi lẽ tôi không cướp ngân hàng hoặc phạm những tội nghiêm trọng khác. Chỉ khi tôi bắt đầu nhỉn thấy cuộc sống tôi bên cạnh cuộc đời Chúa Cứu Thế Giê-su, lúc đó tôi mới thấy mình sai lầm biết bao. Nhiều người khác cũng có kinh nghiệm như tôi. C.S.Lenis viết: "Lần đầu tiên tôi kiểm điểm mình với mục đích thực tế rất nghiêm chỉnh. Tôi lấy làm ghê sợ điều mình khám phá ra; một sở thú ham muốn, một chợ trời tham vọng, một nhà trẻ sợ hãi, một hậu cung nung nấu ghen ghét. Tên tôi là Đội Quân."

Tất cả chúng ta đều cần sự tha thứ và chỉ trong Chúa Cứu Thế, chúng ta mới được tha thứ. Điều Chúa Giê-su đã làm khi Ngài chịu đóng đinh thay thế chúng ta đó là để trả nợ cho tất cả mọi điều sai quấy chúng ta đã làm. Chúng ta sẽ thấy, Ngài chết để cất bỏ tội lỗi chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi chứng nghiện ngập, sợ hãi và cuối cùng là sự chết, Ngài chết thay cho chúng ta.

Vào ngày 31 tháng 7 năm 1991, một biến cố đáng chú ý đã được cử hành. Cuối tháng 7 năm 1941 những hồi còi báo động Auschwitz loan báo một tù nhân đã vượt ngục. Để thế chỗ cho người nầy, mười bạn tù của anh phải chết, chết bằng cách bị bỏ đói từ từ, dai dẳng, bị chôn sống trong một hầm than bằng bê tông, được xây cất thật đặc biệt. Thế là suốt ngày, bị hành hạ dưới nắng, đói và sợ, mấy người đàn ông phải chờ đợi trong khi viên sĩ quan chỉ huy cùng với viên công an mật của Đức Quốc Xã tháp tùng đi qua từng hàng tù nhân để lựa chọn mười người, hoàn toàn tùy hứng. Lúc sĩ quan chỉ huy chỉ vào một người đàn ông, Francis Gajowniczek, anh nầy la to tuyệt vọng: "Ôi vợ con đáng thương của ta". Ngay lập tức, một bóng dáng đàn ông đơn sơ với đôi mắt trũng xuống dưới cặp mắt kính tròn, bước ra khỏi hảng, giở nón. Viên chỉ huy nói: "Tên lợn Balan nầy muốn gì?".

"Tôi là một tu sĩ Công giáo, tôi muốn chết thay cho người kia. Tôi đã già rồi, còn anh kia có vợ con... tôi chẳng có ai", Linh mục Maximilan Kolbe đáp:

"Đồng ý", viên chỉ huy trả lời rồi bỏ đi.

Đêm hôm ấy, chín người đàn ông và một tu sĩ sẽ đi vào hầm than để bị bỏ đói. Bình thường thì họ cấu xé nhau như những con thú ăn thịt đồng loại. Nhưng lần nầy thì không. Khi còn sức lực, họ nằm khỏa thân trên sàn hầm, cầu nguyện và hát thánh ca. Sau hai tuần lễ, ba người và linh mục Maximilian vẫn còn sống. Hầm than lại phải dùng chứa những người khác nên vào ngày 14 tháng 8, bốn người còn lại bị thanh toán. Vào 12g50 khuya, sau hai tuần bị bỏ đói trong hầm than mà vẫn còn tỉnh táo, linh mục Balan cuối cùng đã được chích một mũi phenol (chất tẩy uế mạnh) và chết ở tuổi 47.

Vào ngày 10 tháng 10 năm 1982 tại Quảng Trường St. Peter’s Square, La mã, cái chết của linh mục Maximilian đã được cử hành đúng mức. Hiện diện giữa đám đông 150.000 người, có mặt Francis Gajowniczek, cùng với vợ, con và cháu của anh – vì thực ra, nhiều người đã được cứu sống nhờ linh mục nầy. Mô tả cái chết của linh mục Maximilian, Đức giáo hoàng nói: "Đây là chiến thắng đối với mọi chế độ khinh bỉ và ganh ghét, đó là sự đắc thắng do Đức Chúa Giê-su của chúng ta tương tự."

Thực ra, sự chết của Chúa Giê-su còn diệu kỳ hơn nhiều, bởi lẽ Chúa Giê-su đã chết, không phải chỉ cho một người mà cho từng cá nhân riêng lẻ trên thế giới. Nếu bạn hoặc tôi là con người duy nhất trên đời nầy thì Chúa Cứu Thế Giê-su cũng đã chết thay cho chúng ta, để cất bỏ mọi tội lỗi chúng ta. Khi tội lỗi được cất bỏ, chúng ta có được sự sống mới.

Chúa Giê-su chẳng những đã chết thay chúng ta mà Ngày còn từ kẻ chết sống lại vì cớ chúng ta. Trong hành động nầy, Ngài đã đánh bại tử thần. Hầu hết những người có lý trí đều biết sự chết là không thể nào tránh được, mặc dù ngày nay cũng có một số người có những cố gắng thật kinh dị để tránh cái chết. Tờ Báo của Giáo Hội Anh Quốc (The Church of England Newspaper) có mô tả cố gắng đó như sau:

Năm 1960 nhà triệu phú bang California là James M.C.Gill đã qua đời. Ông để lại những chỉ dẫn thật chi tiết, yêu cầu cơ thể ông được bảo quản và đông lạnh với hy vọng một ngày kia các khoa học gia có thể tìm ra cách chữa trị chứng bệnh đã giết hại ông. Có hàng trăm ngưởi tại miền nam California hy vọng được sống lại nhờ tiến trình đông lạnh và bảo quản thi thể con người. Tiến bộ mới nhất trong kỹ thuật đông lạnh được gọi là đình hoãn thần kinh nhằm chỉ bảo quản cái đầu của con người. Một lý do khiến kỹ thuật nầy trở nên phổ biên vì bảo quản như thế rẻ hơn bảo quản và duy trì cả thân thể. Điều nầy nhắc tôi nhớ nhân vật Woody Allen trong tác phẩm sleeper, anh nầy lo bảo quản cái mũi của chính mình.

Chúa Giê-su đã đến để ban cho chúng ta "sự sống đời đời". Sự sống đời đời là phẩm chất của sức sống phát xuất từ một cuộc sống liên hệ với Thượng Đế và với Chúa Cứu Thế Giê-su (Giăng 17:3). Chúa Giê-su không hề hứa cho ai cuộc sống dễ dàng, nhưng Ngài hứa ban sức sống phong phú (Giăng 10:10). Qua Chúa Giê-su là Đấng phán: "Ta là... sự sống" chúng ta không những chỉ hưởng được sự sống phong lưu ngay bây giờ mà còn tin chắc cuộc sống đó sẽ không bao giờ chấm dứt.

Cơ Đốc Giáo không nhàm chán: đó là niềm tin giúp chúng ta sống thật phong phú. Cơ Đốc Giáo không sai lạc: đó là chân lý. Cơ Đốc Giáo không xa rời thực tế; nó biến đổi toàn thể cuộc sống chúng ta. Nhà thần học và triết gia Paul Tillich mô tả tình tạng con người lúc nào cũng ôm ấp ba nỗi lo sợ: sợ vô nghĩa, sợ chết và sợ tội. Chúa Cứu Thế Giê-su sẵn sàng giải quyết từng nỗi sợ đó. Ngài rất cần thiết cho mỗi người chúng ta vì Ngài là "đường đi, chân lý và sự sống".

NICKY GUMBEL

(Theo Những Thắc Mắc Về Đời Sống)