Vì hết thảy kẻ nào được Thánh Linh của Đức Chúa Trời dắt dẫn đều là con của Đức Chúa Trời. Thật anh em đã chẳng nhận lấy thần trí của tôi mọi đặng còn ở trong sự sợ hãi, nhưng đã nhận lấy thần trí của sự làm con nuôi, nhờ đó chúng ta kêu rằng: "Aba! Cha". Chính Đức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời. Lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự: kẻ kế tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với Đấng Christ, miễn chúng ta đều chịu đau đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh hiển với Ngài (Rôma 8:14-17)
Trước hết không có đặc ân nào cao hơn là được làm con cái Đức Chúa Trời. Theo luật pháp La mã, nếu một người lớn muốn có một người thừa kế thì người ấy có thể hoặc chọn một trong các con trai của mình hoặc nhận nuôi một đứa con. Đức Chúa Trời chỉ có một người Con duy nhất là Chúa Giê-su, nhưng Ngài có nhiều đức con được nhận làm con Ngài. Có một câu chuyện thần thoại, trong đó một quốc vương đang trị vì muốn thâu nhận những đứa trẻ bơ vơ nơi đầu đường xó chợ về để khiến chúng trở thành các hoàng tử và công chúa. Câu chuyện thần thoại ấy đã trở thành sự thật vững chắc Chúa Cứu Thế. Chúng ta đã được nhận vào làm con trong gia đình Đức Chúa Trời. Không còn có vinh dự nào cao quý hơn.
Billy Bray là một gã say rượu và là một thợ mộc sống buông tuồng ở tại Cornwall, ông sinh năm 1794. Ông luôn luôn dính líu vào những cuộc ẩu đả và những trận cãi vã trong nhà. Vào năm hai mươi chín tuổi ông tiếp nhận Chúa, ông trở về nhà bảo với vợ mình rằng: "Nhờ Chúa giúp đỡ, mình sẽ không bao giờ thấy tôi say rượu nữa". Cô đã không hề thấy anh ta say sưa nữa. Lời lẽ của anh ta, giọng nói, ánh mắt, có một quyền năng cuốn hút. Anh ta như có được nguồn điện thiên thượng. Những đám đông thợ mỏ kéo đến và nghe anh ta giảng. Nhiều người được biến cải và có một số những sự chữa lành đáng lưu ý. Anh ta luôn luôn ngợi khen Chúa và nói rằng anh có đầy những lý do để vui mừng. Anh coi mình như một "vị hoàng đế trẻ". Anh là con được Chúa nhận, Một khi chúng ta nhìn biết địa vị của mình là các con trai con gái được nhận vào trong gia đình của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ hiểu được rằng không có một địa vị nào trên đời này có thể so sánh nỗi với đặc ân được làm một con cái của Đấng Tạo Dựng cả vũ trụ này.
Thứ hai, là con cái, chúng ta có được sự thân mật gần gũi nhất với Đức Chúa Trời. Phaolô nói rằng nhờ Thánh Linh chúng ta kêu lên rằng: "Aba! Cha!". Không có nơi nào trong Cựu Ước Đức Chúa Trời được xưng là Cha: Việc dùng từ "Aba" để chỉ Đức Chúa Trời là một điểm để phân biệt với Chúa Giê-su. Không thể nào dịch từ Aba trong tiếng Aram. Cách dịch gần nhất có thể được là "Cha yêu quý" hoặc "Cha". Từ (Daddy) "Cha" trong tiếng Anh thường gợi lên một mối quan hệ Tây phương thân thiết đối với các bậc làm cha, trong khi đó vào thời Chúa Giê-su, người cha là một biểu tượng của uy quyền, và "Aba" mặc dầu là một từ ngữ hết sức thân gần, song không phải là một từ dành cho người trẻ tuổi.
Thứ ba, Đức Thánh Linh ban cho chúng ta kinh nghiệm sâu nhiệm nhất về chính Chúa. "Chính Đức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời" (câu 16). Ngài muốn chúng ta biết sâu xa trong đáy lòng mình rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời. Cũng giống như tôi muốn con cái mình biết và kinh nghiệm tình yêu tôi dành cho chúng cùng mối quan hệ giữa tôi với chúng, vì vậy Chúa muốn con cái Ngài phải biết chắc sự yêu thương ấy và mối quan hệ ấy.
Có một người mà thật muộn màng, mãi về sau trong đời sống mình mới kinh nghiệm điều đó, giám mục Nam Phi Bill Burnetl, người đã từng làm Tổng giám mục của Capetown. Tôi nghe ông nói: "Khi tôi trở thành giám mục, tôi đã đặt lòng tin nơi thần học (chân lý về Đức Chúa Trời) chứ không phải nơi Đức Chúa Trời. Tôi thật sự là một người vô thần. Tôi tìm kiếm sự công bình bằng việc lành". Một ngày kia, sau khi đã làm linh mục suốt mười lăm năm, ông đã đến giảng thuyết tại một buổi lễ kiên tín về đoạn Kinh Thánh trong Rôma. "Vì sự yêu thương của Đức Chúa Trời đã rải khắp trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh đã được ban cho chúng ta" (Rôma 5:5). Sau khi giảng, ông trở về nhà, pha cho mình một cốc rượu mạnh và khi đang đọc báo thì ông cảm biết Chúa đang phán với ông rằng: "Hãy đi cầu nguyện". Ông bèn đi vào nhà thờ của mình, quỳ gối trong yên lặng và ý thức Chúa đang phán cùng ông rằng: "Ta cần thân thể con". Ông hoàn toàn không hiểu vì sao (ông cao và gầy vì vậy ông thưa rằng: "Con không phải là một người to cao đẹp trai"). Dầu vậy, ông đã dâng mọi phần chi thể của mình cho Chúa. Ông nói: "Thế rồi, điều tôi vừa giảng dạy đã xảy ra. Tôi kinh nghiệm những sự va chạm của tình yêu thương như thể có một luồng điện." Ông thấy mình nằm sải dài trên sàn nhà và nghe Chúa phán: "Con là con ta". Khi đã đứng lên, ông biết rõ ràng có một điều gì đó đã thật sự xảy ra. Nó chứng tỏ một bước ngoặc trong cuộc đời và chức vụ của ông. Kể từ đó, qua chức vụ của ông, nhiều người khác đã đến chỗ kinh nghiệm địa vị làm con cái Chúa nhờ sự làm chứng của Đức Thánh Linh.
Thứ tư, Phaolô cho chúng ta biết là một con trai hay con gái của Chúa là điều an toàn lớn lao nhất. Bởi vì nếu chúng ta là con cái Chúa thì chúng ta cũng là "kẻ kế tự của Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với Chúa Cứu Thế" (Rôma 8:17). Theo luật La mã, một người con nuôi phải lấy họ cha mình và được hưởng tài sản của Cha mình. Là con cái Đức Chúa Trời chúng ta là những kẻ kế tự. Điều khác biệt duy nhất đó là chúng ta được thừa hưởng, không phải sự qua đời của cha mình, mà bởi sự chết của chính mình. Đó là lý do vì sao Billy Bray đã xúc động khi nghĩ đến "Cha trên trời của chúng ta đã sắm sẵn sự vinh hiển cùng phước hạnh đời đời" cho ông. Chúng ta sẽ được hưởng một sự sống đời đời cùng với tình yêu của Chúa Giê-su.
Phaolô nói thêm: "Miễn chúng ta đều chịu đau đớn với Ngài, hầu cho cùng được vinh hiển với Ngài" (câu 17). Đây không phải là một điều kiện mà là một sự nhận xét. Các Cơ đốc Nhân hiệp làm một với Chúa Cứu Thế Giê-su. Điều nầy có thể có nghĩa là một sự bắt bớ hoặc chống đối nào đó tại trong đời nầy, nhưng không gì có thể so sánh nỗi với quyền thừa kế của chúng ta với tư cách là con cái Đức Chúa Trời
NICKY GUMBEL (Theo Những Thắc Mắc Về Đời Sống)