Sau hơn ba mươi năm sống bằng những phương tiện cấp dưỡng mà mắt không thấy được, tôi có thể cho bạn biết rằng câu hỏi ấy không dễ trả lời. Tôi còn nhớ cảm giác của mình vào một thời điểm đặc biệt. Chúng tôi đang ở trong một tập thể YWAM, cầu nguyện xin Chúa mấy ngàn mỹ kim để tiếp tục thuê các phương tiện trường học. Chúng tôi đang thiếu hụt nghiêm trọng. Một số các học viên đóng học phí trễ, chúng tôi đã đi đến tình trạng phải mua các bữa ăn cho trường từng ngày một. Và cũng không còn các nguồn dự trữ có thể nhờ cậy vào.
Đang khi chúng tôi cầu nguyện, Joy Dawson là người cùng dạy học với chúng tôi, đứng lên và tuyên bố "Lạy Chúa, con xin Ngài đừng tiếp trợ tiền bạc chúng con cần đến cho đến khi nào mọi người trong chúng con đều học biết được điều Ngài đang muốn dạy dỗ chúng con!". Tôi phải thừa nhận rằng vào giờ phút đó, tôi đành phải chấp nhận để cho một số các học viên chờ đợi để sau này học biết nhiều hơn về Chúa trong đời sống họ!
Lúc đó khoảng 9 giờ sáng khi chúng tôi bắt đầu cầu nguyện. Chúng tôi cứ ở trước mặt Chúa, cầu hỏi Ngài điều phải làm. Đức Thánh Linh bắt đầu cảm động, cáo trách một số lãnh vực chưa vâng lời, tỏ cho những người khác những bước vâng lời triệt để hơn phải làm. Buổi cầu nguyện tiếp tục cho đến 1g30 chiều.
Sau đó, Đức Chúa Trời hướng dẫn chúng tôi thực hiện một buổi dâng hiến ngay giữa chúng tôi, mặc dầu lúc ấy chỉ có 60 học viên và một nhóm nhân sự. Giữa tập thể ấy, đã có 3.000 đồng Franc Thụy sĩ được dâng lên (tương đương với 700 mỹ kim). Con số đó cộng với số Đức Chúa Trời mang đến từ bên ngoài hội truyền giáo đã đáp ứng đủ nhu cầu.
Một câu chuyện được kể về một tín đồ tận tụy bị kẹt trong một cơn lụt mà nước mỗi lúc một dâng cao. Anh từ chối việc được sơ tán. Anh ta nhất định phải chứng minh rằng Đức Chúa Trời sẽ giải cứu anh. Nước lũ mỗi lúc lại càng dâng cao hơn, và người ấy đến lúc đã bị kẹt trên mái nhà mình, đang cầu nguyện xin Chúa một phép lạ. Ba lần những người cứu hộ dùng thuyền đến cứu, nhưng anh ta bảo họ hãy đi đi. Cuối cùng anh ta bị nước cuốn đi và chết chìm. Khi ra trình diện tại cửa thiên đàng, anh ta phẫn nộ.
"Lạy Chúa, vì sao Ngài không tôn trọng đức tin của con?", anh đòi hỏi. Chúa trả lời "Ta đã ba lần đưa thuyền đến cứu con, nhưng con đã không chịu bước vào". Thông thường chúng ta đòi Chúa tiếp trợ một nhu cầu, nhưng lại bị từ chối sự trợ giúp khi Ngài gởi đến. Có lẽ chúng ta có một định kiến về cách thức Ngài phải đáp ứng nhu cầu đó. Có lẽ chúng ta không sẵn lòng hạ mình và xin người khác giúp đỡ trong chức vụ của mình. Có thể nói chúng ta muốn mình được gia thêm đức tin, nhưng thật ra chúng ta đang nói "Tôi không muốn nhờ cậy những người khác. Tôi muốn tự túc".
Độc lập là một cá tánh đáng tôn trọng. Nhưng ưu điểm ấy cũng có thể trở thành một thứ tội. Satan đã cám dỗ Êva bằng cách khơi dậy ý muốn độc lập của bà. Con rắn hứa hẹn rằng "Ngươi sẽ nên giống như Đức Chúa Trời".
Đức Chúa Trời muốn chúng ta lệ thuộc vào Ngài và phụ thuộc vào nhau, chứ không đứng độc lập. Nếu bạn đang gặp rắc rối với thái độ muốn độc lập, Ngài có thể sử dụng những ngăn trở về tài chánh để cố gắng gây cho bạn sự lưu ý ấy.
Tôi có đang sợ hãi cho tương lai không?
Nhiều người bị cột trói bởi nỗi sợ hãi về tưong lai đến nỗi họ không thể bước ra và vâng lời Đức Chúa Trời. Họ từ chối sự kêu gọi của Ngài và cứ trong chỗ không vâng lời.
Lo sợ về tương lai là một điều thật khủng khiếp, vì nó cứ gia tăng. Làm thế nào bạn biết được mình có đủ bảo hiểm, đủ tiền tiết kiệm? Bạn có đầu tư vào những điều hợp lý không? Bạn có bao giờ nghĩ đến mọi bất ngờ không? Kiểu bất ổn ấy cứ gia tăng lên mãi cho đến khi nó trở thành một sự trói buộc làm tê liệt.
Tình yêu thương trọn vẹn cất bỏ sự sợ hãi, theo IGiăng 4:18, chúng ta có thể đến với Chúa Giê-su để được buông tha hoàn toàn khỏi sự sợ hãi. Chúng ta có thể tin cậy Ngài về tương lai của mình. Mọi chỗ nương dựa khác không thể an toàn. Bạn có đang đặt lòng tin nơi số tiền tiết kiệm không? Điều gì sẽ xảy ra nếu như các chương trình liên bang hỗ trợ quỹ tiết kiệm của bạn bị phá sản? Điều gì sẽ xảy ra nếu như nền kinh tế thế giới bị suy sụp?
Nếu bạn đặt sự tin cậy vào các hệ thống của thế giới này, chúng sẽ làm bạn thất vọng. Nhưng Chúa Giê-su là Đấng vĩ đại hơn cả thế giới mà Ngài đã dựng nên, vĩ đại hơn cả cõi vũ trụ mà Ngài đang nâng đỡ từng giây bởi "Lời có quyền phép" (Hebơrơ 3).
Nếu bạn đang bị trói buộc vào nỗi lo sợ về tương lai thì đó là một lý do của sự thiếu hụt về tài chánh. Lời Chúa phán rằng "Vậy chớ lo lắng chi về ngày mai... sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy" (Ma-thi-ơ 6:34). Chúa không có ý nói rằng để dành tiền tiết kiệm hoặc đầu tư cho tương lai là sai. Giôsép đã được kêu gọi để đưa đất nước Aicập vào một chương trình thâu trữ 20% cho tương lai. Hãy nghe tiếng Chúa và làm điều gì Ngài muốn bạn làm. Nếu bạn đang sống một đời sống đức tin, thì đời sống của bạn đặt nền tảng trên việc biết rõ Đức Chúa Trời là Đấng nào. Việc có đức tin nơi một người nào đó đặt cơ sở trên sự hiểu biết về tâm tánh người ấy, tức là biết rõ người ấy sẽ làm điều đã hứa. Đức Chúa Trời mà bạn đang hầu việc là Đấng ra sao? Đấng mà bạn đang nhờ cậy vì cớ nhu cầu hàng ngày là ai? Một trong những điều mô tả đẹp đẽ nhất là Ngài như một người Cha, Ngài là Cha của bạn, một người Cha nhân từ, một người Cha tốt nhất trong vũ trụ nầy.
LOREN CUNNINGHAM