Ngày nay chúng ta đang sống trong một xã hội tiêu dùng và chúng ta luôn bị cám dỗ mua và mua qua các phương tiện truyền thông. Ngay từ khi thức dậy, chúng ta đã bị tấn công dồn dập bởi giọng nói chói tai từ những mẫu quảng cáo về vô số các thiết bị hiện đại và những vật dụng gia đình trên truyền hình, trên đài phát thanh. Vô hình trung, hầu hết mọi người không thể khán cự nổi giọng nói rất êm dịu đầy điêu luyện và rồi nó phát triển thành thói quen, gần như chúng ta bị ép buộc mua và tích lũy mọi thứ từ giày dép, mỹ phẩm đến các thiết bị điện tử và máy vi tính.
Hầu hết mọi người ở thành phố tiêu xài tiền bạc vào những thứ không cần thiết cho cuộc sống của họ. Những mặt hàng họ mua về rất dư thừa như những đôi giày dư, nhiều áo quần, cà vạt và vật kỷ niệm, họ thường đem bỏ chúng vào kho chứ không sử dụng.
Thật đáng lo khi chúng ta thấy rằng xã hội đã gài bẫy lòng khao khát vô độ về vật chất của con người, rồi dẫn con người đến một quan niệm sai lầm rằng hễ cái gì mới nhất là tốt nhất và phải mua nó cho bằng được. John F. Kavanaugh đã tóm lược nhận thức xảo quyệt này một cách cô đọng, ông viết :
"Khi tôn giáo trở nên thế tục hóa, mua sắm và tiêu thụ trở thành một phương tiện của kinh nghiệm về sự thiêng liêng. Sự khát khao vô tận của lòng người đã bị mê hoặc bởi các sản phẩm, bởi những thứ mới nhất, tốt nhất, đắt tiền nhất... Các trung tâm mua sắm trở thành "những ngôi giáo đường của sự tiêu thụ". Tính vĩnh cữu được tìm thấy trong những cái chai Calvin Klein, sự vô tận được tìm thấy trong những chiếc xe Nhật. Hễ khi nào tấm lòng của con người không còn là ngai vàng cho Đức Chúa Trời siêu việt cư ngụ nữa... thì sẽ không có sự nghỉ ngơi cho đến khi nó thực sự nghỉ ngơi, hiện tại nó đang bị giam cầm và thậm chí còn bị xiềng xích bởi những lời hứa hẹn vật chất".
Lẽ thật làm chúng ta bối rối đó là có rất nhiều người trong các thành phố ở Châu Á cũng như Châu Âu, người già cũng như người trẻ đều khát khao sử dụng các sản phẩm thời trang, những đôi giày hàng hiệu, và những máy di động với công nghệ cao.
Trong xã hội tiêu dùng, Cơ đốc nhân không nên bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những mốt hiện đại, nhưng chúng ta nên tập kềm chế một cách cẩn thận và kỷ luật đối với việc mua sắm hàng hóa. Chúng ta phải tiết kiệm và sử dụng tiền của mình một cách thận trọng, phải nhớ rằng chúng ta được Đức Chúa Trời ủy nhiệm coi sóc tài sản của Ngài.
Điều này đòi hỏi chúng ta quản lý đúng đắn tất cả tiền bạc và nguồn vật chất để không lãng phí một điều gì, mà phải sử dụng mọi thứ một cách cẩn thận, sáng suốt và khôn ngoan.
Kim Chỉ Nam Cho Nếp Sống Giản Dị
Một giải pháp tích cực cho Cơ đốc nhân là phải bước đi trong nếp sống giản dị hơn. Đây là một phương cách đáng được tuyên dương mà các tín hữu nên tuân theo để trở thành những người quản gia tốt, và kết quả là tiết kiệm đủ tiền cho việc truyền bá Phúc Âm cũng như việc nhân đạo và cứu tế.
Bản Hiệp Ước Lausanne có một phân đoạn rất hữu ích về chủ đề này trong mục "Đối Tác Trong Việc Truyền Giáo Toàn Cầu", như sau :
"Mục tiêu ở đây là... mọi người có được cơ hội nghe, hiểu và nhận được tin lành. Chúng ta không thể hy vọng đạt được mục tiêu này nếu không có sự hy sinh. Tất cả chúng ta đều sửng sốt bởi sự nghèo đói của hàng triệu người và càng lo lắng khi cái nghèo đói lại là hệ quả của sự bất công. Những ai trong vòng chúng ta đang sống trong điều kiện dư dật phải chấp nhận bổn phận của mình là hướng tới một nếp sống giản dị để có thể đóng góp rộng rãi hơn cho công việc nhân đạo và truyền giáo."
Ronald Sider đã thẳng thắn tán thành nếp sống giản dị của các môn đồ Chúa Giê-xu. Ông đã bên vực cho mô hình tốt của John Wesley – cha đẻ của hệ phái Giám Lý vào thế kỷ 18. Wesley đã kiên trì giảng dạy về nếp sống giản dị và cương vị quản gia Cơ Đốc dựa trên phân đoạn Kinh Thánh Mathiơ 6:19-23 ("chớ chứa của cải dưới đất"). Ông nói rằng Cơ đốc nhân nên cho đi tất cả, chỉ giữ lại "những điều cần thiết đơn giản cho cuộc sống" – đó là thực phẩm đạm bạc, áo quần sạch sẽ và chỉ vừa đủ mà thôi. Trong cái nhìn của John Waley, một người theo Chúa nên "kiếm tiền hết mình, tiết kiệm hết mình và ban cho hết mình". Theo John Waley, Cơ đốc nhân nào giữ cho mình bất cứ điều gì nhiều hơn "những sự cần thiết đơn giản cho cuộc sống" thì người đó đang sống trong "thói quen chối Chúa". Một người như thế đã "đạt được sự giàu có và lửa của địa ngục".
John Wesley đã duy trì nếp sống giản dị trong suốt cuộc bộ hành của mình trên đất. Mặc dầu ông kiếm được khoảng 1.400 bảng Anh mỗi năm từ việc bán sách của mình, nhưng ông chỉ sử dụng 30 bảng Anh cho chính mình và ban cho hết thảy số tiền còn lại. Ông dùng bửa rất đạm bạc, mặc quần áo giản dị và không xa xỉ. Ông sống theo nguyên tắc của Thánh kinh và cuộc đời ông là nguồn phước lớn lao cho những người đương thời và cho thế hệ đương đại.
Ông chủ trương rằng chúng ta phải tranh đua với nếp sống giản dị của John Wesley, nhưng không phải bằng hình thức mà bằng thực chất trong tâm linh và lẽ thật. Điều này có nghĩa là chúng ta không thể sống giống y như cách ông đã sống, nhưng chúng ta có thể cố gắng hết mình sống tiết kiệm và quản lý tài sản một cách khôn ngoan như là những người quản gia trung tín.
Tôi tin chắc rằng Đức Thánh Linh sẽ dẫn dắt chúng ta khi chúng ta tìm kiếm cách sống giống như Đấng Christ. Tôi cũng tin rằng, cùng với sự nhắc nhở của Đức Thánh Linh, chúng ta sẽ xử dụng thời giờ, tài năng và của cải một cách có chừng mực, cũng sẽ tránh tiêu xài phung phí vào các khoản mua sắm quần áo, đồ đạc, ăn uống, cưới hỏi, xe cộ, nhà cửa...
Khi chúng ta sống đúng với Cương Vị Quản Gia Cơ Đốc, chúng ta sẽ tiết kiệm đủ để có thể dang tay giúp đỡ những người đang thiếu thốn, những người ngoài lề của xã hội, đồng thời giúp ích cho công việc truyền giáo và cứu tế. Chúng ta cũng kinh nghiệm được niềm vui bất tận qua việc chia sẻ phước hạnh và sự thành tín trong lời hứa của Đức Chúa Trời, có nghĩa là Ngài sẽ "ban cho anh em đủ mọi thứ ơn đầy dẫy, hầu cho anh em hằng đủ điều cần dùng trong mọi sự, lại còn có rời rộng nữa để làm các thứ việc lành" (II Cô-rinh-tô 9:7-9).
G.W. SOO (Theo Tiền Bạc Của Bạn Hay Của Ngài)