Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 667

Chúa Cứu Thế Đã Chết Rồi Thì Cứu Được Ai?

Nhiều người đã chết cho một lý tưởng cao quý. Một sinh viên ở Đại học San Diego đã tự thiêu để chống lại cuộc chiến tranh Việt Nam. Vào thập kỷ 60, các Phật tử đã tự thiêu để thế giới phải chú ý đến Đông Nam Á.

Nan đề của các môn đồ là lý tưởng của họ đã chết trên thập tự giá. Họ tin rằng Chúa Jesus sẽ trở thành Đấng Mêsia. Họ không nghĩ rằng Ngài có thể chết. Họ được thuyết phục rằng Ngài là Đấng thiết lập Vương Quốc của Đức Chúa Trời và cai trị trên khắp dân Ysơraên.

Để hiểu được mối quan hệ giữa các sứ đồ với Đấng Christ và hiểu được tại sao thập tự giá là điều thật quá khó hiểu đối với họ, bạn phải hiểu được quan niệm về Đấng Cứu Thế của con người vào thời Chúa Jesus là gì. Cuộc đời và lời giảng dạy của Chúa Jesus hoàn toàn trái ngược với quan niệm Đấng Mêsia (Đấng Cứu Thế) của người Do Thái thời bấy giờ, Một người Do Thái từ thời thơ ấu đã được dạy dỗ rằng khi Đấng Mêsia đến, Ngài sẽ là một nhà lãnh đạo, đắc thắng, và là nhà chính trị. Ngài sẽ giải phóng dân Ysơraên khỏi xiềng xích nô lệ và khôi phục lại quyền làm chủ của dân Ysơraên. Một Đấng Mêsia chịu khổ nhục là một điều hoàn toàn xa lạ đối với quan niệm "Mêsia của người Do Thái".

E. F. Scott ghi lại lời tường trình của ông về thời của Đấng Christ, "... đó là thời kỳ vô cùng sôi nổi rộng khắp. Các nhà lãnh đạo tôn giáo hầu như không kềm chế được tấm lòng khao khát của những người đang chờ đợi sự xuất hiện của Đấng Giải Cứu theo lời hứa. Tâm trạng chờ đợi không còn nghi ngờ gì nữa này đã dâng cao lên bởi các sự kiện lịch sử gần đấy.

"Trong vòng hơn một thế hệ qua, người Lamã đã xâm phạm quyền tự do của người Do Thái và hành động áp bức của họ đã làm cho lòng yêu nước của ngưòi Do Thái càng sôi sục hơn. Họ mơ tưởng đến sự giải thoát bằng phép lạ, đến vị vua là Đấng Mêsia sẽ thực hiện giấc mơ ấy, và sự kiện ấy sẽ đem lại ý nghĩa mới trong thời điểm nguy cấp này; nhưng thật ra chẳng có gì là mới mẻ trong thời này cả. Đằng sau các chứng cớ sôi động mà chúng ta đã tìm thấy trong các sách Tin Lành, chúng ta có thể thấy rõ một thời gian dài của sự mong đợi càng lúc càng tăng.

Jacop Gartenhus phản ảnh về niềm tin đang thịnh hành của người Do Thái vào thời Đấng Christ, "Người Do Thái đang chờ đợi Đấng Mêsia giải phóng họ khỏi sự đàn áp của Đế quốc Lamã... niềm hi vọng cơ bản của họ về Đấng Mesia là giải phóng dân tộc."

Quyển Tự Điển Bách Khoa của người Do Thái ghi lại rằng người Do Thái "mong mỏi về Đấng giải cứu đã hứa từ dòng dõi Đavít, là người giải cứu họ ra khỏi ách xâm lăng đầy thù hận của ngoại bang và chấm dứt sự cai trị của đế quốc Lamã, sẽ thiết lập vương quốc hòa bình và công bằng do chính Ngài trị vì trên đất Ysơraên."

Vào thời đó, dân Do Thái đang trông đợi vào Đấng Mesia như lời Đức Chúa Trời hứa. Các sứ đồ cũng có một niềm tin như những người chung quanh họ. Như Millar Burrows thuật lại, "Chúa Jesus thật không giống như Đấng mà tất cả người Do Thái mong đợi về Con Vua Đavít, các môn đồ của Ngài thì thấy thật quá khó để nghĩ rằng Ngài chính là Đấng Mêsia mà lâu nay họ đang mong đợi. Các môn đồ không thể vui mừng đón nhận những điều Chúa Jesus nói trước về mồ mả, về việc Ngài phải bị đóng đinh (Luca 9:22).

Khi xem Tân ước, người ta có thể nhận ra được thái độ của các sứ đồ đối với Chúa Jesus: đó là lòng mong đợi của họ về một Đấng Mêsia cầm quyền. Sau khi Chúa Jesus nói với các môn đồ rằng Ngài phải lên Jêrusalem để chịu khổ, Giacơ và Giăng xin Ngài hãy hứa để họ được ngồi bên hữu và bên tả Ngài trong nước thiên đàng (Mác 10:32-38). Vậy, họ quan niệm về một Đấng Mêsia như thế nào ? Một Đấng Mêsia chịu khổ nhục và bị đóng đinh chăng ? Không, một nhà cầm quyền. Chúa Jesus cho họ biết họ đã hiểu lầm về công việc Ngài phải làm; họ cũng không hiểu họ đang xin Ngài điều gì. Khi Chúa Jesus nói tiên tri về sự chịu khổ và bị đóng đinh của Ngài, mười hai môn đồ không thể tưởng tượng ra được Ngài có ý nói gì (Luca 18:31-34). Do ảnh hưỏng của bối cảnh họ đã lớn lên và những lời dạy dỗ từ gia đình, họ tin rằng họ đang ở trong một cơ hội may mắn. Rồi đến đồi Gôgôtha. Tất cả hi vọng của họ rằng Chúa Jesus sẽ trở thành Đấng Mêsia đều tan biến. Bị nản lòng, họ trở về nhà. Những năm qua theo thầy thật phí uổng.

Tiến sĩ George Eldon Ladd, Giáo sư về Tân ước tại Chủng Viện Fuller đã viết, "Đây cũng là lý do tại sao các môn đồ đã lìa bỏ Ngài khi Ngài bị bắt. Tâm trí họ đã quá thấm nhuần tư tưởng về một Đấng Mêsia cầm quyền và chinh phục kẻ thù đến nỗi khi họ nhìn thấy Ngài bị rướm máu dưới những trận đòn kinh khủng, một tù nhân yếu đuối, bất lực trong tay Philát, rồi khi họ nhìn thấy Ngài bị dẫn đi, bị đóng dinh trên cây thập tự và cũng chết như bao phạm nhân khác, mọi niềm hi vọng về Đấng Mêsia đều tan biến.

Nhưng vài tuần sau sự kiện Chúa bị đóng đinh, mặc dầu trước đây các môn đồ rất nghi ngờ, giờ đây họ đang công bố tại Jêrusalem rằng Giê-su là Chúa Tể và là Đấng Cứu Thế, là Đấng Mêsia của người Do Thái. Lời giải thích hợp lý duy nhất mà tôi có thể thấy về sự thay đổi này nằm trong ICôrinhtô 15:5, "Và Ngài đã hiện ra cho mười hai sứ đồ." Điều gì khác đã khiến cho những môn đồ tuyệt vọng này ra đi chịu khổ và chịu chết cho một Đấng Mêsia bị hành hình như vậy ? Chắc chắn là "Ngài đã tỏ mình đang sống bằng nhiều chứng cớ rõ ràng cho họ thấy. Trong suốt bốn mươi ngày ấy, nhiều lần Ngài đã hiện đến với các sứ đồ và dạy bảo họ những điều về nước Đức Chúa Trời" (Công vụ 1:3).

Vâng, vô số người đã chết vì lý tưởng cao đẹp, nhưng lý tưởng cao đẹp của các sứ đồ đã chết trên thập tự giá. Chỉ có sự phục sinh của Chúa Giê-su Christ và sự gặp gỡ Ngài khiến những người theo Ngài tin rằng Ngài là Đấng Mêsia. Vì vậy, không những họ đã làm chứng về điều này bằng môi miệng và đời sống, nhưng còn bằng sự chết của họ nữa.

JOSH MC DOWELL