Từ bài giảng luận "Người Có Phước"
CN Oct. 09, 2011 – Hội Thánh North Hollywood
13 Người nào tìm đặng sự khôn ngoan, Và được sự thông sáng, có phước thay!
14 Vì thà được nó hơn là được tiền bạc, Hoa lợi nó sanh ra tốt hơn vàng ròng.
15 Sự khôn ngoan quí báu hơn châu ngọc, Chẳng một bửu vật nào con ưa thích mà sánh kịp nó được.
16 Tay hữu nó cầm sự trường thọ, Còn trong tay tả, có sự giàu có và vinh hiển.
17 Các nẻo nó vốn là nẻo khoái lạc, Và các lối nó cả đều bình an.
18 Nó là cây sự sống cho ai nắm lấy nó; Người nào cầm giữ nó đều được phước hạnh.
(Châm Ngôn 3:13-18)
Mỗi khi Thánh Kinh nói đến PHƯỚC, gần như không phải là hướng về những mối lợi vật chất thấy được, hay mô tả một cái gì đó mà loài người ham thích, chờ đợi, mong muốn chúng thuộc về mình. Phần châm ngôn này bắt đầu với một câu có nhắc đến phước thay và kết luận cùng với được phước hạnh. Phước của người tìm được sự khôn ngoan thông sáng có phải chăng chỉ là những lợi nhuận dồi dào hay là những bảo đảm để hưởng thụ một đời sống an lạc và dự dật mọi sự?
Tiền bạc, vàng ròng, châu ngọc, bửu vật được nhắc đến ở câu 13 và 14. Khôn ngoan thông sáng quí hơn tất cả những thứ đó. Như vậy, sự khôn ngoan không phải cùng một loại với thứ tài sản đắt giá này. Tôi có thể dùng sự khôn ngoan thông sáng để tạo ra những thứ vật chất quí giá đó, nhưng chỉ có vậy thôi sao? Nếu thế thì sự khôn ngoan thông sáng của tôi tìm được cũng quá tầm thường vì giá trị của nó cũng chỉ ngang bằng với những vật chất được người ta ưa thích. Chắc đó không phải là điều Thánh Kinh muốn nói ở đây. Sự khôn ngoan thông sáng phải vượt trội hơn những thứ tài sản được coi là quí báu, phải là thứ cần thiết hơn tiền bạc, chất lượng hơn châu ngọc và phải được trân quí hơn gấp bội phần mọi thứ bửu vật.
Năm điều nhắc đến trong câu 15 và 16: trường thọ, giàu có, vinh hiển, khoái lạc và bình an. Những điều này nghe giông giống như ngũ phúc được định hình bởi người Trung Hoa: phúc, lộc, thọ, khang, ninh. Đó là những điều loài người mơ ước được sở hữu, nhưng ước mơ cũng chỉ là mơ ước, còn chúng có đến với mình hay không là một việc khác. Ai cũng muốn tất cả những phước hạnh này thuộc về mình và gia đình mình. Ai cũng muốn làm chủ chúng lâu dài để có một cuộc sống mà mọi người nhìn thấy phải trân trọng và kính phục. Thánh Kinh nói rằng tất cả đang thuộc về sự khôn ngoan thông sáng, đang ở trong tay (và chân) của sự khôn ngoan. Phải chăng Thánh Kinh muốn nói đến một điều quan trọng hơn, khi tôi có sự khôn ngoan, tôi phải hành động chứ không phải ngồi yên đó mà hưởng thụ an nhàn? Tôi có trong tay ngũ phúc, tôi phải biết sử dụng chúng để làm những công việc ích lợi, phải đến với mọi người bằng nhiều cách, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau để san sẻ những phước hạnh đó. Tôi không phải là một hồ chứa phước hạnh mà phải là nguồn phước tuôn tràn để mọi người đều cùng được hưởng phước hạnh từ thiên thượng.
Tôi không cường điệu những gì Thánh Kinh muốn nói với tôi hôm nay. Trong câu 18, Thánh Kinh ví sánh sự khôn ngoan thông sáng với CÂY SỰ SỐNG. Thật rõ ràng! Đó không phải là một thứ bảo vật chết, nhưng là một bảo vật sống, tăng trưởng từng ngày và cho những kết quả mong đợi. Tôi nhớ đến mô tả trong Thi Thiên thứ nhất: "Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước, Sanh bông trái theo thì tiết, Lá nó cũng chẳng tàn héo". Trong tôi phải có sự sống thật được truyền từ Chúa và sự sống đó phải ích lợi cho mọi người, sự sống đó phải được truyền đến cho những người sẵn sàng tiếp nhận để họ được tương thông với Nguồn Sống vĩnh cữu. Tôi nhờ Chúa sẽ sống khôn ngoan và anh em tôi cũng vậy. Sự khôn sáng có trong tôi cũng có trong anh em và chúng ta cùng chia sẻ với nhau phước hạnh của Chúa.
Tôi sẽ tìm được sự khôn ngoan thông sáng ở một nơi duy nhất, đó là trong tay Chúa.