Từ bài giảng luận "Chớ Lìa Bỏ Lời Dạy Dỗ"
CN Nov. 06, 2011 – Hội Thánh North Hollywood
1 Hỡi các con, hãy nghe lời khuyên dạy của một người cha, Khá chủ ý vào, hầu cho biết sự thông sáng; 2 Vì ta ban cho các con một đạo lý tốt lành; Chớ lìa bỏ lời dạy dỗ của ta. 3 Khi còn thơ ấu, ta là con trai của cha ta, Một đứa con một của mẹ ta yêu mến. 4 Cha ta có dạy ta rằng: Lòng con khá ghi nhớ các lời ta; Hãy gìn giữ mạng lịnh ta, thì con sẽ được sống. 5 Khá cầu lấy sự khôn ngoan, khá cầu lấy sự thông sáng, Chớ quên, chớ xây bỏ các lời của miệng ta; 6 Đừng lìa bỏ sự khôn ngoan, ắt người sẽ gìn giữ con; Hãy yêu mến người, thì người sẽ phù hộ con.
(Châm Ngôn 4:1-6)
Đạo là một con đường dài, rất dài cho ai muốn theo đuổi. Đạo bắt đầu với nghe những lời khuyên dạy của các bậc trưởng thượng, cũng có thể là nghe người biết trước mình những điều tốt lành này. Không dừng lại ở đây, đạo chỉ bám rễ trong tôi khi tôi chủ ý vào, không chỉ lấy nghe làm đủ, nhưng như hạt giống tốt nứt mọng, đâm chồi rồi lớn lên. Tiếp tục, tôi phải luôn đấu tranh với những ngăn trở từ tấm lòng cứng cỏi của tôi hay từ những sự cám dỗ, lo lắng của đời này khiến tôi không ghi nhớ lấy đạo đã gieo trong lòng mình. Nếu không ghi nhớ tôi sẽ quên đi rồi xây bỏ đạo lúc nào không hay. Tôi phải nhìn thấy rằng mình cần đến đạo và nhu cầu đó phải đạt đến mức yêu mến; đã yêu thì mới không quên, thấy cần, muốn giữ gìn cẩn thận, và không bao giờ lìa bỏ đạo lý tốt lành đã thành hình dần dần trong tôi.
Đạo là một con đường dài, xuyên suốt cả cuộc đời tôi nếu tôi chấp nhận bước đi trong đạo lý tốt lành. Hãy nhìn vào câu 3 và 4 của phân đoạn. Người khôn ngoan Sa-lô-môn đã phải đi từ thuở còn thơ ấu với những lời dạy dỗ của vua cha Đa-vít, vậy mà có lúc cũng bị xiêu lạc. May thay người vẫn còn có cơ hội hồi tâm trở lại với đạo để viết nên Châm Ngôn này. Điều đó nói lên rằng đạo không thể hoàn tất trong một giai đoạn ngắn hay dài, nhưng là cả cuộc đời. Bất cứ lúc nào tôi cũng có thể không nghe, không chủ ý, ngay cả khi tôi tưởng rằng mình sống trong Đạo. Lúc nào tôi cũng có thể quên, rất nhiều lý do khiến tôi hờ hửng, lơ là với Đạo, và nếu tôi quá chủ quan, tôi có thể lìa bỏ Đạo ngay cả khi tôi đang ở một điểm cao ngất trong đời sống Đạo. Con đường của Đạo là một con đường thẳng tấp, không quanh co khúc khuỷu, nhưng hẹp và lắm bẩy rập của kẻ không muốn tôi noi theo con đường tốt lành.
Đạo là một con đường dài, từ thế hệ này qua thế hệ tiếp nối. Chính vì thế, ngay hôm nay và bất cứ lúc nào trong tương lai, tôi đều phải thẩm định lại chính mình, trong tôi có thật sự sở hữu một đạo lý tốt lành chăng? Các bậc tiền bối của tôi đã giao cho một một đạo lý tốt lành với những lời day dỗ khôn ngoan, những điều đó tôi cần tiếp thu đầy đủ để chẳng phải chỉ là lý thuyết của sách vở, nhưng thật sự đượm nhuần cuộc sống tôi để tôi cũng như các tiền nhân, mạnh dạn tuyên bố với hậu tự rằng: "ta ban cho các con một đạo lý tốt lành ... chớ xây bỏ các lời của miệng ta". Ông cha tôi đã xong cuộc chạy, đã giữ được đức tin; bây giờ là phần của riêng tôi, tôi có trung tín, kính mến Chúa đủ để yêu mến, giữ gìn Lời Chúa và Đạo ở trong tôi thật sự là điều tốt lành cho tôi, cho cả con cháu tiếp nối theo sau.
Áp-ra-ham đã truyền một đạo lý tốt lành cho Y-sác. Y-sác chắc cũng đã chuyển giao cho hai con mình là Ê-sau và Gia-cốp, nhưng có một cái gì đó trục trặc ở thế hệ này. May thay, Gia-cốp trở nên Y-sơ-ra-ên khi gặp Chúa để đạo lý tốt lành được tiếp nối, và sau đó chúng ta có một Giô-sép thật khôn ngoan. Tôi lại nói thêm một lần nữa, đạo là đường dài thăm thẳm và con đường đó phải được tiếp nối hoàn hảo để cả một dòng dõi hưởng phước hạnh xứng đáng với danh xưng dòng dõi thánh của Chúa.
Bây giờ, tôi đang ở đâu? Tôi có vững bước trên đạo lý tốt lành mà tôi đã được chuyển giao từ cha ông tôi không? Tôi có đang tiếp tục làm công việc chuyển giao này cho con cháu mình? Chỉ khi tôi thật sự sống hạnh phúc trong đạo lý tốt lành thì tôi mới nói về đạo lý đó cho mọi người một cách chính xác và hiệu quả.