Từ bài giảng luận "Tin Kính và Tạ Ơn"
CN Nov. 20, 2011 – Hội Thánh North Hollywood
Phải bền đổ và tỉnh thức trong sự cầu nguyện, mà thêm sự tạ ơn vào. (Cô-lô-se 4:2)
Không chờ đến Lễ Tạ Ơn mới có những lời cám ơn Thiên Chúa. Không phải đợi đến khi được Chúa giải cứu khỏi một sự cố nào đó trong đời, một lời cầu xin khẩn thiết được nhậm, hay với một ơn ban đặc biệt, tôi mới bật lên những lời tạ ơn Chúa. Chúa ở cùng tôi luôn luôn, Ngài sẵn sàng làm ơn cho tôi bất cứ lúc nào. Tôi chỉ thấy ơn Chúa đối đải cùng tôi trong những việc lớn lao, còn mọi diễn biến bình thường trong cuộc sống tôi thì tôi thường cho là chẳng có gì đáng phải kể lể.
Tinh thần tạ ơn Chúa không phải như vậy. Đời sống của con cái Chúa là một đời sống tạ ơn. Cuộc sống củ là một con người quên Chúa, nghĩa là chẳng biết gì đến ơn Chúa ban cho, " vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm." (Rô-ma 1:21). Đời sống mới bắt đầu với một thay đổi tâm linh, rồi thay đổi cả nếp sống, suy nghỉ, sinh hoạt ... nghĩa là nhờ ơn nhưng không của Chúa rộng lượng ban cho để trở nên một người mới với Đấng Christ thành hình dần dần trong tôi.
Vấn đề ở đây không phải lúc nào mở miệng ra cũng "cám ơn Chúa, cám ơn Chúa". Cám ơn Chúa như vậy dễ học, dễ làm lắm. Lời cảm ơn trên đầu môi chót miệng mà, đâu có gì khó để biểu diễn trước mặt mọi người, nhưng không thể làm như vậy trước mặt Chúa. Miệng nói lời tạ ơn thật khi lòng cảm nhận được mình sống bằng ơn Chúa và chỉ có ơn của Chúa mà thôi.
Đọc lại những lời nhắn nhủ của Phao-lô đến các Hội Thánh:
(Ê-phê-sô 5:20) Hãy thường thường nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta. (Phi-líp 4:6) Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. (Cô-lô-se 3:17) Mặc dầu anh em nói hãy làm, cũng phải nhân danh Đức Chúa Giê-xu mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha. (ITê-sa-lô-ni-ca 5:18). ... phàm làm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ đối với anh em là như vậy.
Vậy thì làm sao tôi có được một tinh thần tạ ơn Chúa chân thành? Nếu tôi đọc Lời Chúa với cả tấm lòng yêu mến, nếu tôi đến với Chúa bằng những lời cầu nguyện phát xuất từ con tim, nếu tôi đi thờ phượng Chúa với ao ước được gặp Chúa; sự tạ ơn cũng phải được Chúa nhìn thấy từ lòng biết ơn chân thật của tôi. Nếu mọi sinh hoạt tâm linh là bổn phận, tạ ơn Chúa cũng là một trong những bổn phận đó, tôi phải thường xuyên ghi nhớ và thể hiện. Nếu tất cả những điều kể trên là không thể thiếu và tôi phải xem như một "kỷ luật tâm linh" thì việc tạ ơn Chúa cũng phải được liệt kê trong danh sách.
"Phải bền đổ và tỉnh thức trong sự cầu nguyện, mà thêm sự tạ ơn vào". Sự tạ ơn không chỉ mang tính cách thêm vào để lời cầu nguyện gia tăng trọng lực, nhưng có một tầm quan trong ngang bằng với sự cầu nguyện. Nếu tôi bền đổ và tỉnh thức trong sự cầu nguyện, tôi cũng phải bền đổ và tỉnh thức trong sự tạ ơn. Bền đổ tức là không phải lâu lâu mới nhớ đến, không phải chờ đến quan trọng mới mở miệng tạ ơn; bền đổ là thường xuyên, là trung tín, là cứ nhẫn nhục làm từ ngày này qua ngày khác, không rời bỏ mục tiêu của mình. Tỉnh thức là biết rõ, hiểu rõ, chuẩn xác trong lời tạ ơn của mình; không phải là nói theo, nói cho qua chuyện hay chỉ để vui lòng người nhưng bảy tỏ chân tình ở trước mặt Chúa một cách thận trọng.
Hôm nay, nhân ngày Lễ Tạ Ơn, tôi cần thẩm định lại sự tạ ơn trong tôi. Tôi có đang sống bằng sự cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh, bất cứ lúc nào và với cả tấm lòng biết ơn Chúa? Tôi phải bước đi trong nghĩa vụ này để càng ngày tôi càng cảm nhận được rằng: bởi lòng tạ ơn Chúa, tôi sẽ ở gần Chúa hơn và tôi sống có ích cho Chúa hơn trong sinh hoạt với mọi người quanh tôi. "Vậy, trước hết mọi sự ta dặn rằng, phải khẩn nguyện, cầu xin, kêu van, tạ ơn cho mọi người" (ITi-mô-thê 2:1).