Từ bài giảng luận "Kẻ Sửa Soạn"
CN Dec 04, 2011 – Hội Thánh North Hollywood
... chính người lại sẽ lấy tâm thần quyền phép Ê-li mà đi trước mặt Chúa, để đem lòng cha trở về con cái, kẻ loạn nghịch đến sự khôn ngoan của người công bình, đặng sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng. (Lu-ca 1:17)
(xin cũng đọc thêm Ma-thi-ơ 3:1-12; Mác 1:1-8; Luca 1:5-25; Luca 3:1-20; Giăng 1:19-28;)
Người được nói đến ở đây là Giăng Báp-tít, một người hết sức đặc biệt. Cha mẹ ông được Thánh Kinh nói rằng "cả hai đều là công bình trước mặt Đức Chúa Trời, vâng giữ mọi điều răn và lễ nghi của Chúa một cách không chỗ trách được". Ông là con cầu tự, lời cầu xin của cha mẹ ông được Đức Chúa Trời đáp ứng khi cả hai đều đã cao tuổi lắm rồi. Tên ông được Chúa đặt trước, chức vụ được đặc cách ban cho từ trong lòng mẹ, nhiệm vụ của ông đã được Chúa định sẵn. Sứ mạng của ông là người mở đường cho Chúa Cứu Thế, sứ điệp ông rao giảng là kêu gọi mọi người ăn năn, công việc gắn liền với tên ông là làm báp têm cho những người xưng tội mình và thuận phục Chúa. Chính Chúa Giê-xu cũng đã nhắc đến ông như sau: "trong những người bởi đàn bà sanh ra, không có ai được tôn trọng hơn Giăng Báp-tít".
Trên đời này chỉ có mỗi một Giăng Báp-tít là người được chọn để trở nên kẻ đi trước chuẩn bị cho sự giáng thế của Cứu Chúa Gê-xu, một người mang trọng trách rất lớn, một người dành cả cuộc đời mình chỉ để thực hiện một công việc duy nhất Chúa giao cho. Thế thì tôi học được gì ở Giăng Báp-tít, khi tôi không thể nào có được những điều kiện quá tốt như ông?
Xin dựa vào câu gốc hôm nay để học một vài điều cần thiết, dù không mang một tầm cỡ lịch sử như cuộc đời của Giăng Báp-tít.
... chính người lại sẽ lấy tâm thần quyền phép Ê-li mà đi trước mặt Chúa. Không thấy có những phép lạ, những sự chữa bệnh hay một điều gì đó siêu nhiên trong công việc của Giăng Báp-tít. Thánh Kinh chỉ ghi lại sự kêu gọi ăn năn với những lời lẽ vô cùng mạnh bạo, hơi quá mức bình thường. Tôi cũng có thể có rất nhiều cơ hội để gặp được những tôi tớ Chúa đầy ơn, những người thật sự đang hầu việc Chúa bằng quyền năng và ân tứ được ban cho bởi Chúa Thánh Linh. Nếu tôi tớ Chúa có những lời giảng dạy giống như Giăng Báp-tít, nghĩa là không nhẹ nhàng êm ái chút nào; mà là những lời như sấm truyền, những quở trách, những khuyên bảo dứt khoát thỉ tôi sẽ đón nhận với tâm trạng ra sao? Chỉ là thử đặt một trường hợp như vậy thôi, chứ còn ngày nay hầu như ít khi tôi phải ở vào hoàn cảnh như vậy.
Có một điều hơi lạ trong phần thứ hai của câu gốc. "Đem lòng cha trở về con cái", không phải đem lòng con cái trở lại cùng cha, nhưng ngược lại. Đó phải chăng là một sự cảm thông, một cánh cửa tình yêu rộng mở để đón nhận những kẻ non dại trở về; và hơn tất cả, phải chăng Thánh Kinh muốn nói đến ân điển của Chúa ban cho những kẻ tội đồ không đáng được thương xót? Một điều khác, "(đem) kẻ loạn nghịch đến sự khôn ngoan của người công bình", không giao cho kẻ loạn nghịch chỉ sự khôn ngoan nhưng là sự khôn ngoan của người công bình. Kẻ xấu mà khôn ngoan thì có thể càng xấu hơn, nhưng biến đổi chúng thành người tốt thì đúng là công việc chỉ có Chúa Thánh Linh thực hiện qua tôi tớ đầy ơn đầy quyền của Ngài sai phái.
Điều cuối cùng "sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng". Đây là một vấn đề dành cho riêng cá nhân tôi. Tôi có thuận phục theo ý Chúa để trở nên con dân thật của Ngài, một công dân sẵn lòng dành vị trí cao nhất trong tâm trí và cả cuộc đời mình chỉ duy nhất một Cứu Chúa Giê-xu, môt đầy tớ sẵn lòng làm bất cứ công việc gì Chủ giao cho, một người sắn lòng vì anh em trong gia đình Cơ-đốc, một người sẵn lòng giao cả cuộc đời mình cho công việc của Thiên quốc? Tôi có thật sự đang đứng trong đội ngủ của một dân sắn lòng hay chỉ là hữu danh vô thực?
Tóm lại, tôi có sẵn lòng nghe lời dạy bảo của những người đang mang trọng trách trước mặt Chúa, để Chúa Thánh Linh biến đổi tôi nên tốt lành hơn, xứng hiệp hơn với danh xưng con cái Chúa, và tên tôi có trong danh sách của một dân sẵn lòng chỉ dành riêng cho Chúa mà thôi?