Từ bài giảng luận "Sự Khỏe Mạnh"
CN Feb 05, 2012 – Hội Thánh North Hollywood
20 Hỡi con, hãy chăm chỉ về các lời ta, Khá nghiêng tai nghe những bài giảng thuyết ta.
21 Các lời ấy chớ để xa khỏi mắt con, Hãy giữ lấy nơi lòng con.
22 Vì lời ấy là sự sống cho người nào tìm được nó, Và sự khỏe mạnh cho toàn thân thể của họ.
(Châm Ngôn 4:20-22)
Có một sự liên kết hổ tương chặt chẽ giữa sức khỏe của thân thể và sức mạnh của tinh thần. Cả hai bổ sung, hổ trợ và cũng là hợp lực giúp tôi sở hữu được "một tinh thần minh mẫn trong một thể xác cường tráng".
Chúa Toàn Năng cho tôi có một sức sống mạnh mẽ nếu tôi chịu tiếp nhận Lời Hằng Sống của Ngài. Chỉ có hai lời khuyên bảo ở phần trích dẫn Thánh Kinh bên trên, nhưng chứa đựng cả một quá trình học tập lâu dài tương ứng với chiều dài đời sống tôi. Học Thánh Kinh là học tập cả một đời. Bất cứ một trường học nào dạy Thánh Kinh cũng chỉ là đề nghị một phương cách, đưa ra những chọn lựa hay phát họa một tiến trình để tự mỗi cá nhân có thể bắt đầu bước vào hành trình tiếp nhận một sự sống tràn đầy năng lực. Những phương cách vật lý có thể đem lại cho người ta một cảm giác an toàn cho sức khỏe thể xác, nhưng không thể xác định được sự sống sẽ thật sự kéo dài hơn hay không. Giáo dục Cơ Đốc không phải là những lời hứa hẹn mơ hồ, cũng không là những công thức, bài thuốc, hay những tuyệt chiêu hoặc bí kíp thần kỳ; nhưng kết quả đã được phê chuẩn là sự sống đời đời ở tương lai, và một nếp sống tràn đầy sinh lực ở hiện tại, cho dù phải sống trong hoàn cảnh không lấy gì làm thuận tiện.
Bắt đầu bằng sự chăm chỉ. Đó là ý thức, ham thích, quyết tâm và nổ lực trong tôi để theo đuổi việc học tập Lời Chúa. Đã qua thời kỳ trẻ nít bị bắt buộc phải học, quá trình học tập của tôi là do chính tôi lựa chọn và tự nguyện ép mình trong khuôn phép để kiên trì, trung tín, hướng lòng mình về mọi lời dạy dỗ của Thánh Kinh. Nếu chỉ phải chăm chỉ trong một thời gian hạn định, cố gắng một chút tôi có thể tự hào với sự xuất sắc hoàn thành học kỳ của mình; nhưng trường học của tôi là trường đời, thời gian học tập của tôi chỉ chấm dứt khi tôi được yên nghỉ hoàn toàn, thầy giáo của tôi là Đấng nhìn thấy tận nơi sâu thẳm của lòng tôi. Sự chăm chỉ của tôi được đánh giá bởi chính tôi và Vị Giáo Sư Tối Cao của tôi.
Từ sức mạnh của tấm lòng, sự chăm chỉ của tôi về Lời Chúa phải được thể hiện bằng thái độ lắng nghe khi Chúa phán bằng cách này hay cách khác. Tôi nhớ lời ví sánh của tiên tri Ha-ba-cúc: "Ta sẽ đứng nơi vọng canh, chôn chân nơi đồn lũy, rình xem Ngài bảo ta điều gì" (Ha-ba-cúc 2:1). Một cách bày tỏ lòng trông đợi Lời Chúa đáng học theo, tôi cũng phải có thái độ tương tự như thế với Lời Chúa. Khi tôi được nghe các tôi tớ Chúa giải bày Thánh Kinh, khi tôi theo học một lớp Trường Chúa Nhật, ở một buổi nhóm gia đình lễ bái, một phiên cầu nguyện tuần hoàn, có một thoáng nào đó tôi được nghe Lời Chúa tuyên đọc trên các phương tiện truyền thông; tôi sẽ nghiêng tai nghe, tôi sẽ chú tâm lắng nghe hay bình thản đến độ để Lời Chúa trôi đi không đọng lại nơi tôi một tí nào cả. Tôi có thể có một bề ngoài hết sức chăm chỉ, nhưng khi lương thực thiêng liêng được cẩn thận dọn ra trước mặt tôi, tôi lại là người không biết thưởng thức, không chịu đọng đủa, không nếm biết sự ngon ngọt của Lời Chúa, và tôi không thể nào khỏe mạnh được khi không chịu tiếp nhận Lời Chúa, dù tưởng chừng như là tôi đang chăm chỉ một cách hết sức đáng khen.
Trên đây đã nói đến việc từ trong lòng biểu hiện ra bên ngoài và bây giờ là điều ngược lại: Các lời ấy chớ để xa mắt con. Một lời Chúa phán cho tuyển dân của Chúa xưa kia: "Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy. Khá buộc nó trên tay mình như một dấu, và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn chí; cũng phải viết các lời đó trên cột nhà, và trên cửa ngươi" (Phục truyền 4:6-9). Không khó gì cho tôi để thực hiện những điều đó với một sự cung ứng quá đầy đủ từ các cơ sở Cơ Đốc ngày nay. Điều quan trọng là những công cụ đó hiện diện quanh tôi, để chính mắt tôi nhìn thấy hay chỉ bày biện dành cho người khác. Ngày nay tôi có thể có Thánh Kinh bên mình bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu; nhưng Lời Chúa phải được tôi thật sự "nhìn thấy" rõ ràng kể cả khi tôi không có những hổ trợ kỷ thuật bên mình. Đó là mấu chốt làm nên sự học tập hiệu quả cho tôi, để Lời Chúa được chính tôi khắc ghi vào trong tấm lòng của mình. Đôi mắt sáng suốt, mắt của thân thể này và mắt tâm linh nữa, sẽ khiến lòng tôi được tiếp sức bởi Lời Sống và Linh Nghiệm.
Và, đời sống tôi sẽ kết quả như điều Chúa muốn nói với tôi, không dừng lại ở tôi mà với tất cả mọi người nữa, trong câu 22 của Châm ngôn này.