Từ bài giảng luận "Cầu Nguyện Đẹp Lòng Chúa"
CN Feb. 12, 2012 – Hội Thánh North Hollywood
Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho. Bởi vì, hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ cửa thì được mở. Trong các ngươi có ai, khi con mình xin bánh, mà cho đá chăng? Hay là con mình xin cá, mà cho rắn chăng? Vậy nếu các ngươi vốn là xấu, còn biết cho con cái mình các vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban các vật tốt cho những người xin Ngài sao? (Mathiơ 7:7-11) [cũng đọc thêm Luca 11:9-13]
Chúa Giê-xu dạy cho tôi ba điều: hãy xin, hãy tìm và hãy gõ cửa; nhưng hầu như tôi cứ gộp cả ba điều đó lại làm một: "hãy xin sẽ được", và bám chặt lấy chỉ một phần của lời dạy này. Hôm nay được đọc lại, được nghe thêm, mới nhận ra sự thiếu xót "thấy một không thấy mười" của mình.
Hãy xin, sẽ được. Tôi đang đứng trước mặt Đấng ban cho như một con trẻ đứng trước cha mình và ngửa tay xin. Điều chắc chắn là tôi sẽ được cho, nhưng Cha sẽ cho tôi điều thật sự tôi cần, chứ không phải điều tôi muốn. Đã bao lần tôi "cầu xin mà không nhận lãnh được, vì cầu xin trái lẽ, để dùng trong tư dục mình" (Gia-cơ 4:3).
Hãy tìm, sẽ gặp. Là một người trưởng thành, tôi có thể tự chăm sóc mình. Có những việc tôi làm được, tuy nhiên cũng có nhiều việc tôi cần đến sự giúp sức của Chúa, và tôi phải tìm đến với Ngài. Chúa không bao giờ từ chối một cuộc gặp khi tôi cần đến Chúa, vì Chúa đã hứa rằng: "Các ngươi sẽ tìm ta, và gặp được, khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng" (Giê-rê-mi 29:13).
Hãy gõ cửa, sẽ mở cho. Hình ảnh của một sự chờ đợi, có khi là kiên tâm chờ đợi, nhưng điều chắc chắn là sẽ được mở cho. Ở một mức độ đức tin cần thiết, tôi sẽ biết bình tâm trông chờ sự đáp lời của Chúa với tinh thần "linh hồn tôi trông đợi Chúa hơn người lính canh trông đợi sáng, thật, hơn người lính canh trông đợi sáng"(Thi-thiên 130:6).
Ba hình tượng Chúa Giê-xu dùng được ghi lại trong Lu-ca đoạn 11 có lẽ không thể liến kết với ba điều vừa nói ở trên, nhưng cũng ghi lại như một thoáng cảm nhận bất chợt: bánh luôn có sẵn trong nhà để cho ngay, cá cần phải tìm đánh bắt, và phải biết chờ đợi để có trứng.
Điều quan trọng trong lời dạy này không chỉ nhắm ở chỗ "sẽ được"; nhưng là sự hiện diện của Chúa và mức độ tôi tương giao với Chúa. Chúa đối với tôi ra sao? Tôi phải lớn lên trong sự chăm sóc của Chúa, hiểu biết và gần gủi Chúa, để luôn nếm trải sự ban cho vô lượng vô biên của Ngài. Nếu đọc thêm Lu-ca đoạn 11 câu 13, lời của Chúa Giê-xu quả quyết như sau: "Nếu các ngươi là người xấu, còn biết cho con cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban Đức Thánh Linh cho người xin Ngài!". Tôi chỉ trông chờ bánh-cá-trứng, hay một sự ban cho vật chất để thỏa mãn xác thịt của mình; nhưng Chúa muốn cho tôi chính Chúa, khôn sáng thiêng thượng và ân tứ để tôi sống đầy đủ theo ý định tốt lành Ngài muốn thể hiện qua đời sống tôi.
Một điều khác, khi Chúa Giê-xu khai triển lời hứa này, Ngài chỉ nhắc đến một nhu cầu căn bản. Tôi nhớ lại một lời cầu xin trong bài cầu nguyện mà Chúa Giê-xu đã truyền dạy: "Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày" (Mathiơ 6:11). Nhu cầu ngày nay đâu có dừng lại ở một mức giới hạn nào, tôi sẽ ứng phó ra sao khi đứng trước mặt Chúa với hàng tá ước muốn?
Trong cả hai Phúc Âm đều có ghi lại một chữ BIẾT. Chúa biết nhu cầu thật sự của tôi, Chúa biết nên ban cho tôi điều gì, Chúa biết thứ gì ích lợi cho tôi; riêng phần tôi, tôi có biết điều mình cầu xin? Thánh Kinh dạy: "sự tin kính cùng sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn. Vì chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng" (ITimôthê 6:6-8); bởi "vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi" (Mathiơ 6:32).
Vậy thì, chính thái độ cầu nguyện của tôi và chính những điều tôi mở miệng cầu xin Chúa sẽ là thước đo lòng tôi đối với Chúa. Sự tương giao giữa Chúa với tôi có đủ và chân thành để tôi sống hạnh phúc trong mọi sự ban cho của Chúa một cách có ích lợi trên cõi trần này?