Từ bài giảng luận "Đắng Như Ngải Cứu"
CN Feb 26, 2012 – Hội Thánh North Hollywood
Vì môi kẻ dâm phụ đặt ra mật, và miệng nó dịu hơn dầu; nhưng rốt lại đắng như ngải cứu, bén như gươm hai lưỡi. Chân nó xuống chốn chết; bước nó đụng đến âm phủ. (Châm Ngôn 5:3-5)
Nếu đọc trọn đoạn 5 của Châm Ngôn, tôi nhận lời cảnh báo nghiêm trọng đầy hiểm họa từ việc ngoại tình và lời khuyên chung thủy với người yêu dấu của riêng tôi từ buổi đang thì. Vấn đề đó không nhỏ. Bài giảng luận trích một phần của đoạn, nhắc cho tôi cẩn thận với tai hại thường trực của tội lỗi nói chung; một mối nguy hại ngọt ngào, êm dịu, tha thiết nhưng kết cục là cái chết không tránh khỏi của tâm linh. Cũng là một chuyện lớn, lớn lắm.
Tôi chú ý đến những vật chất được nhắc đến ở đây trong một thể ví sánh. Đó là mật ngọt, dầu, ngãi cứu và gươm hai lưỡi. Những hình tượng này được dùng để nói đến cái tai hại khôn lường của những lời quyến rũ có sức giết người của dâm phụ; một cái gì đó đối nghịch lại với Chúa, với Lời Chúa, với công bình chánh trực, với sự sống và sự sáng. Ở đây không nhắc đến một thứ vũ khí nào khác của dâm phụ (hiểu rộng hơn với nghĩa bóng) như nhan sắc, tài hoa, mãnh lực hay mưu mẹo… chỉ nói đến lời từ môi miệng được trau chuốt hết dịu dàng êm ái để chài mồi.
Những điều đó thoạt nghe có vẻ giống với những điều tốt, nhưng nếu không đề cao cảnh giác, tôi sẽ mắc vào bẩy rập lúc nào không hay. Hãy xem:
Thi Thiên thứ 119 câu 103: "Lời Chúa ngọt họng tôi dường bao! Thật ngọt hơn mật ong trong miệng tôi!". Môi dâm phụ cũng tuôn ra những dòng mật ngọt, ngọt ngào làm sao những lời âu yếm, quyến rủ, nồng nàn đến nỗi làm xiêu lòng một đấng anh hùng tầm cở như Sam-sôn ngày trước.
Châm Ngôn đoạn 15 câu 1: "Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận". Dâm phụ còn rành rẽ gấp bội trong việc này, lời nói của nàng dịu dàng làm sao, được ví như dầu và dầu cũng từng được nhắc đến trong Thánh Kinh, để nói đến những ân tứ đặc biệt. Dầu của người Sa-ma-ri nhân lành làm êm dịu vết thương kẻ bị cướp, bị đánh đến bán sống bán chết, nằm thoi thóp bên vệ đường.
Ngãi cứu là một thứ cỏ mang vị đắng, có thể dùng để trị một vài thứ bệnh; cũng được sử dụng trong châm cứu làm tăng hiệu quả của kim châm vào kinh mạch trên thân thể con người; nhưng nó cũng có độc tính khá mạnh, chỉ nên dùng với liều lượng nhỏ theo qui định. Hậu quả tất yếu từ lời đường mật của dâm phụ là một lượng ngãi cứu đủ đắng để gây tử vong cho cả thể xác lẫn tâm linh.
Và, nói về gươm hai lưỡi, biểu trưng của một sự vô cùng sắc bén. Lời từ thơ Hê-bơ-rơ trong Tân Ước, đoạn 4 câu 12, "Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng". Lưỡi của dâm phụ cũng sắc bén như gươm hai lưỡi, nhưng không phải để giúp ích cho người nghe, mà là hủy diệt, một sự hủy diệt không thương tiếc.
Như vậy, một phương tiện được dâm phụ sử dụng hết sức điêu luyện để đạt mục tiêu là lời nói. Thánh Kinh đã đem mọi bí ẩn ra ánh sáng, lời của dâm phụ bắt đầu với vị ngọt như mật ong, sẽ trở nên đắng như ngãi cứu chết người; êm dịu nhẹ nhàng như dầu trị liệu sẽ biến thành gươm đoạt mệnh, hai lưỡi bén ngót.
Thế thì ở đây có bài học gì cho tôi? Không bàn đến chuyện tình dục lăng nhăng, tôi nhớ đến lời khuyên của một vị Mục Sư: "Hãy cẩn thận để phân biệt giữa ân tứ Thánh Linh và biệt tài ăn nói khéo léo". Trước một học thuyết, một phát kiến tâm linh, một đường hướng phục vụ … tôi phải nhờ ơn Chúa để nhìn ra chân tướng đâu là từ "dâm phụ" hay thật là Lời Chúa chân chính. Còn riêng đối với chính cá nhân tôi, tôi sẽ trung tín làm việc cho Chúa với ân tứ được ban cho bởi Đức Thánh Linh hay tôi đang luyện tập nhuần nhuyễn để môi miệng tôi dẻo nghẹo như mồm miệng của một kẻ mang danh "dâm phụ". Tôi đang chuyển giao sự sống và sự sống đời đời đã đón nhận từ nơi Chúa hay tôi đang lôi kéo người khác vào sự chết và sự chết đời đời bởi nếu tôi là một "dâm phụ" thì "chân nó xuống chốn chết; bước nó đụng đến âm phủ".