Từ bài giảng luận "Nước Đức Chúa Trời"
CN April 15, 2012 – Hội Thánh North Hollywood
Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã đến gần; các ngươi hãy ăn năn và tin đạo Tin Lành. (Mác 1:15)
Nghe nói về nước Đức Chúa Trời, hay nước thiên đàng, hoặc thiên quốc thì thích lắm, nhưng nếu phải trình bày về một nơi chốn mà mình không biết hoặc biết rất mơ hồ thì thành ra vấn đề rồi. Tôi không có ý muốn mô tả về nơi ở tương lai tuyệt vời đó, vì ngay cả những sách vở tài liiệu cũng không làm tôi thỏa mãn. Dầu vậy, trong bài giảng luận có hai điểm khiến tôi lưu ý.
Thứ nhất, Đức Chúa Trời đã tạo dựng một trái đất hết sức hoàn hảo, đến đỗi Thánh Kinh ghi lại rằng "Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành", mỗi khi Ngài phán phải có một cái gì đó để mở đường cho việc dựng nên loài người. Thế thì, thiên quốc không tốt đẹp hơn những gì loài người có thể nghĩ ra và làm phong phú cho cuộc sống hiện tại? (Sáng-thế ký 1). Thứ hai, cuộc sống của loài người đang hiện hữu hai vương quốc, một của Satan, và một thuộc về Đức Chúa Giê-xu Christ. Tôi, một người luôn tự hào mình là công dân của Thiên quốc, thật sự tôi đang sống ở bên phía nào? (Mathiơ 16:19-21)
Tôi không có nghi ngờ gì về một thiên quốc tuyệt hảo, nhưng tất cả những gì tôi biết hết sức mù mờ, những mô tả từ Thánh Kinh cũng chỉ là ước lệ theo cách nhìn của con người. Còn thế giới này, thế giới tôi đang sống biến đổi từng ngày. Trước đây một thập niên, tôi cần ít nhất 15 ngày để biết tin tức của người thân tôi, khi chúng tôi ở cách xa nhau nửa vòng trái đất. Còn hiện nay, chỉ với một cái bấm nhẹ nhàng trên một thiết bị nhỏ gọn, tôi có thể như ngồi cùng bàn cơm trưa và nói chuyện với các con ở một phương trời xa tít. Đó chỉ là chuyện nhỏ. Còn biết bao điều kỳ diệu của cuộc sống với những phương tiện hổ trợ mà trong mơ tôi cũng không thấy được. Những thứ đó có thật và ở trong tầm tay của tôi, trách sao tôi lại muốn được sống lâu trên đất này để nhìn thấy những tiện ích hổ trợ cho cuộc sống đời thường. Nó hấp dẫn quá, chúng thực dụng biết bao, chúng có thể làm cuộc sống tôi thuận tiện hơn. Và có phải chăng thiên quốc trở thành một điều mà tôi không thể không nhắc đến với những ngôn từ bay bổng, nhưng đã dần mất đi một chỗ đứng quan trong trong lòng tôi. Tôi tự hỏi mình, nếu ngay bây giờ tôi phải về thiên quốc, tôi không thể cải lại nhưng ... tiếc thật. Tôi đau bệnh, tôi vẫn ước ao được sớm mạnh lành với nhiều lý do thuyết phục che lại đằng sau ước muốn vẫn còn thích hưởng thụ cái gì đó của đời này. Hãy nghe một lời từ Thánh Kinh: "Tôi bị ép giữa hai bề muốn đi ở với Đấng Christ, là điều rất tốt hơn; nhưng tôi cứ ở trong xác thịt, ấy là sự cần hơn cho anh em" (Philíp 1:23,24). Về với Chúa là tốt hơn, nhưng tôi còn phải sống trên đời này là vì nhiệm vụ được giao phó. Tôi không phải sống cho tôi, nhưng tôi phải sống để làm ích cho anh em. Tôi có sống thật như vậy không? Tôi có thể qua mặt mọi người, nhưng ở trong mắt Chúa tôi ra thể nào?
Chỉ mới nói về phương diện vật chất, thử duyệt qua phần tinh thần của tôi một chút. Quan niệm sống chết có thể không còn là áp lực quá nặng nề trên cuộc đời của một Cơ đốc nhân như tôi. Theo Chúa, tôi không bị buộc phải từ bỏ những tình cảm thân thương của riêng mình. Một người thân của tôi, tạm lìa cõi đời này để về yên nghĩ trong Chúa; tôi buồn, tôi khóc, tôi tiếc thương. Điều đó là lẽ thường tình, nhưng đã biết trong nước Đức Chúa Trời là tuyệt vời, sao tôi cứ phải khóc, phải tiếc nuối cho người đã ra đi, mỗi khi nhắc đến? Sao tôi không thể có một niềm hãnh diện như có được một thân nhân cư trú ở một quốc gia nào đó tốt hơn nơi tôi đang sinh sống? Những người ra đi đã làm xong trách nhiệm trên đất này, đã vào nơi yên nghĩ, sao tôi lại muốn họ cứ sống với những nhọc nhằn đau đớn trên cối đời ô trọc này? Tôi không còn thấy người thân yêu mình nữa, nhưng trong ngân hàng dữ liệu của thiên quốc, một tế bào gốc của thân nhân tôi đã được lưu trử cẩn trọng để rồi một ngày của tương lai, Chúa sẽ tạo lại một hình hài không tì không vít cho người từ vất chất mà tôi tưởng rằng không bao giờ còn thấy lại. Với lòng hiếu thảo, tôi thích nhắc đến người quá cố, như dặn lòng rằng phải sống sao để không phụ công lao dưỡng dục của người. Nếu chỉ dừng lại ở đó thì cũng quá tốt rồi, tôi lại còn muốn cho mọi người nhìn thấy lòng hiếu thảo của tôi nữa. Rồi lại đượm một chút u buồn, một chút nước mắt, một chút tiếc thương. Sao vậy? Sự yên ủi của Chúa Thánh Linh không xoa dịu được tấm lòng nặng nề vì những mất mát quá lớn trong cuộc đời này, không duy trì được trong tôi một đời sống vui vẻ và bình tịnh của một người có lòng bình an trong Chúa? Tôi đang thực hiện điều đó với mục đích gì vậy? Mà tôi có mất mát gì đâu, tôi không thể có một tinh thần như người được ghi danh trong Thánh Kinh này sao? "Các tôi tớ hỏi người rằng: Vua làm chi vậy? Khi đứa trẻ nầy còn sống, vua kiêng ăn và khóc vì nó; và bấy giờ, nó đã chết vua chờ dậy và ăn! Vua đáp: Khi đứa trẻ còn sống, ta kiêng ăn và khóc lóc, vì ta nghĩ rằng: Nào ai biết; có lẽ Đức Giê-hô-va sẽ thương xót ta, và cho đứa trẻ được sống chăng. Nhưng bây giờ nó đã chết, ta kiêng ăn làm chi? Ta có thế làm cho nó trở lại ư? Ta sẽ đi đến nó nhưng nó không trở lại cùng ta" (IISamuên 12:21-23).
Sẽ có nhiều người không đồng suy nghĩ với tôi, nhưng với riêng tôi, bài giảng luận nhắc tôi thận trọng hơn trong cuộc sống của mình; một khách bộ hành trên đất, đang đi về một quê hương không bao giờ có trên đất này, nhưng đó là lời hứa thành tín của Đấng Sáng Tạo.