Từ bài giảng luận "Điều Đáng Quan Tâm"
CN Sep 23, 2012 - Hội Thánh North Hollywood
Đoạn, đi khỏi đó, trải qua xứ Ga-li-lê, Đức Chúa Giê-xu không muốn cho ai biết. Vì Ngài dạy các môn đồ rằng: Con người sẽ bị nộp trong tay người ta, họ sẽ giết đi; Ngài bị giết đã ba ngày rồi, thì sẽ sống lại. Nhưng môn đồ không hiểu lời ấy, lại sợ không dám hỏi Ngài.
Đến thành Ca-bê-na-um, đang ở trong nhà, Ngài hỏi môn đồ rằng: Lúc đi đường, các ngươi nói chi với nhau? Môn đồ đều làm thinh; vì dọc đường đã cãi nhau cho biết ai là lớn hơn trong bọn mình. Ngài bèn ngồi, kêu mười hai sứ đồ mà phán rằng: Nếu ai muốn làm đầu, thì phải làm rốt hết và làm tôi tớ mọi người. Đoạn, Ngài bắt một đứa trẻ để ở giữa môn đồ; rồi ẵm nó trong tay, mà phán rằng: Hễ ai vì danh ta tiếp một đứa trong những đứa trẻ nầy, tức là tiếp ta; còn ai tiếp ta, thì chẳng phải tiếp ta, bèn là tiếp Đấng đã sai ta vậy. (Mác 9:30-37)
Có nhiều lời dạy của Chúa Giê-xu thoáng nghe qua rất là nghịch lý, tỉ như điều được nhắc đến trên đây: "Nếu ai muốn làm đầu, thì phải làm rốt hết và làm tôi tớ mọi người". Có lẽ các thể chế chính trị cũng lấy ý tưởng này để khoa trương tinh thần phục vụ của những người nhận trách nhiệm trước toàn dân của đất nước mình, nhưng có mấy ai nghiêm chỉnh làm đúng như vậy. Thánh Kinh cũng chẳng buộc người Cơ-Đốc phải sống một cuộc đời lập dị, khác thường hay bất thường. Nếp sống Cơ-đốc là một tiến trình đưa cuộc sống lên trên những cái tầm thường đã ăn sâu trong tiềm thức của con người từ thế hệ này sang thế hệ khác. Điều tưởng chừng như nghịch lý từ Thánh Kinh là điều có giá trị tuyệt đối và khả thi; không phải được ban hành trên lý thuyết, lý tưởng hoá vấn đề hay khép con người vào những khuôn khổ cứng ngắt. Luật pháp của Chúa mở đường cho ân điển và rồi ân điển được ban cho để tôi làm tròn luật pháp. Tất cả đều nằm trong khả năng của một con người yếu đuối.
Các môn đồ của Chúa Giê-xu ngày xưa vẫn mang nặng bản chất con người bình thường. Họ luôn thích được nể trọng, được mọi người tôn kính và đề cao, được có trong tay một quyền lực nào đó để sai khiến người khác, họ muốn người khác phải phục tùng dưới sự cai trị của mình. Từ đó sanh ra tranh cải, buồn giận rồi thù ghét nhau, tiếp nối những hệ quả xấu khôn lường nếu không dừng lại kịp lúc. Tôi ngày nay cũng không hơn gì họ. Đó không phải là cách sống mà Chúa Giê-xu muốn thấy trong đời sống những người thuộc về Ngài. Chúa đưa ra một nguyên tắc và Ngài là gương sáng để chứng minh cho điều Ngài dạy bảo. Hãy nghe Thánh Kinh nói về Chúa Cứu Thế: "Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người. Ngôi Lời ở thế gian, và thế gian đã làm nên bởi Ngài; nhưng thế gian chẳng từng nhìn biết Ngài. Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy. Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự." (Giăng 1:1,10,11; Phi-líp 2:6-8)
Không nghịch lý sao khi Thiên Chúa từ bỏ địa vị tuyệt đỉnh cao trọng của mình để thiết lập một con đường sống cho những kẻ chống lại mình. Ngài từng nói: "Con người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người" (Mác 10:45).
Chúa không đòi hỏi tôi phải làm một điều vĩ đại như vậy. Chúa không buộc tôi phải làm những việc mà tôi không có khả năng để thực hiện. Gương lớn đó nhằm khích lệ tôi trong những công tác đơn giản hơn nhiều, để tôi rèn luyện nếp sống cá nhân thoát khỏi những lề thói cũ và càng ngày càng tiến xa hơn trong sự khôi phục lại những bản chất tốt lành mà con người đã đánh mất từ khi rời xa tình yêu của Thượng Đế.
Đề nghị của Chúa Giê-xu với các môn đồ là: "Hễ ai vì danh Ta tiếp một đứa trong những đứa trẻ nầy, tức là tiếp Ta". Trong sách Phúc âm theo Ma-thi-ơ cũng có chép: "Ai sẽ cho một người trong bọn nhỏ nầy chỉ uống một chén nước lạnh, vì người nhỏ đó là môn đồ ta, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ ấy sẽ chẳng mất phần thưởng của mình đâu" (Math 10:42). Thật đơn giản! Vậy mà tôi cứ ngước mắt tìm kiếm những điều quá tầm của mình để rồi than vãn là không đủ sức để hầu việc Chúa, để phục vụ anh em theo như Lời Chúa dạy. Tôi không chịu nhìn thấy những công việc tầm thường tương tự như trao một "chén nước" cho anh em, và vui mừng vì có thể đóng góp vào công việc nhà Chúa. Tôi thích đón tiếp những bậc cao trọng, tôi thích đến với những ân tứ lạ lùng, tôi say mê những lời như sấm truyền ... nhưng lại không biết rằng mình có thể làm mọi việc nhỏ có giá trị tượng tự trước mặt Chúa. Tôi tôn trọng, phục vụ, nâng đỡ hay tiếp trợ cho một anh em tầm thường, một "môn đồ nhỏ" tức là tôi đã tiếp đón Chúa. Tôi làm một cái gì đó bình thường cho anh em, Chúa vẫn coi trọng và sẵn dành phần thưởng cho tôi. Trong nhận thức đó, quanh tôi có biết bao nhiêu việc mà tôi làm được để tôi có công trong nhà Chúa.
Tôi không hợm mình khi tôi sống trong những nghịch lý đối với đời này, nhưng chính những nghịch lý từ Thánh Kinh sẽ khiến tôi bước từng bước vững vàng trên con đường nên thánh trong Chúa. Tôi không khoát bề ngoài một dáng vẻ khác biệt, nhưng sự khác biệt Chúa dạy làm thay đổi lòng tôi sẽ là một giá trị vĩnh cữu để tôi luôn thuộc Chúa và chính Đấng Christ dần dần thành hình trong tôi.