Từ bài giảng luận "Đổi Mới Nhờ Ân Điển"
CN Feb 10, 2013 - Hội Thánh North Hollywood
Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào. (Rô-ma 12:1.2)
Tôi nhìn vấn đề trong một phạm vi hẹp hơn, đó là cung cách thờ phượng Chúa của chính tôi. Việc được đổi mới, đó là điều chắc chắn đã xảy ra trong đời sống tôi. Tôi phải dâng trọn vẹn cuộc đời tôi cho Chúa, đó là việc tôi phải làm vì ân điển và bởi đức tin. Tôi không dám nói đến dâng hiến cả cuộc đời mình để hầu việc Chúa, nghĩa là đi vào trong một chức vụ trọng đại, đó là ơn quá lớn lao từ nơi chỉ định của Chúa. Tôi vẫn thường đọc lời Thánh Kinh nêu trên trong suy nghĩ như vậy và cảm thấy mình khó lòng đạt đến mức độ hầu như ngoài tầm với. Dù bài giảng luận đã hạ yêu cầu xuống ở mức rất đời thường của một con cái Chúa, nhưng tôi vẫn thấy mình chưa thể gánh vác nổi công việc của một thầy tế lễ lo bổn phận đối với đền thờ của riêng mình là chính thân thể tôi. Vì vậy, tôi nghĩ đến một phần trong đời sống tâm linh của tôi, tôi đã có ý niệm thờ phượng Chúa một cách phải lẽ để Đức Chúa Trời của tôi sẽ đẹp lòng khi tôi ra mắt Chúa cùng với anh em mình hằng tuần hay chưa?
"dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh". Khi đến với Chúa, tôi phải chuẩn bị cho mình như sự vẹn toàn của một của lễ xứng đáng dâng lên cho Chúa. Đó không phải là sự sang trọng thái quá, cũng chẳng cần đến một bề ngoài nổi bật với những thứ quý giá lấp lánh, cũng chẳng gắng sức để có những thứ "theo đời này" vẫn thường nâng lên hàng không thể thiếu khi cần đi đến những cuộc hội họp quan trọng. Tôi không làm cho mình nổi trội; cũng không thể nhuếch nhác, bê bối, cẩu thả, hay tự do quá trớn, chỉ biết có riêng mình mà không tôn trọng ai cả. Tôi sẽ đến với Chúa tươm tất hơn ngày thường trong khả năng tôi có thể lo liệu được tốt nhất, nhưng tôi vẫn là tôi thật bình thường để Chúa được tôn cao. Tôi không học theo người Pha-ri-si xưa kia vận dụng tối đa việc thể hiện cái bề ngoài đạo đức kỉnh kiền nhưng chỉ nhằm mục đích lôi cuốn người ta để ý đên mình và khen ngợi (Math 23:). Tôi cũng không cố gắng làm ra vẻ thế này thế kia, bởi tất cả những cái bề ngoài đó sẽ làm hiển hiện thật rõ nét cái bề trong rổng tuếch của tôi. Tôi đến với Chúa với chiếc áo trắng được giặt sạch từ dòng huyết của Cứu Chúa Giê-xu, và tôi phải biến mất đi để chính Chúa được bày tỏ vinh hiển trong chính tôi. Tôi không thể thánh khiết đủ để ra mắt Đức Chúa Trời, nhưng khi bước vào sự hiện diện thánh đó tôi thật sự có Cứu Chúa trong tôi thì tôi chắc chắn là Đức Chúa Trời sẽ đẹp lòng với của lễ sống và thánh này.
"hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình". Tôi là một của lễ sống nên không chỉ quan tâm đến dáng vẻ bề ngoài nhưng phải chăm chuốt cả bề trong, tức tấm lòng của tôi, cũng vô cùng quan trọng khi tôi bước chân vào nhà của Chúa. Nhiều khi nhìn lại, tôi thấy người thế gian khi bước vào một sự thờ phượng "theo đời này", họ rất thành kính, thành tâm, thành khẩn ... hơn tôi gấp bội. Tôi là một người được Chúa gọi đến sự tự do, nhưng tôi không có quyền lợi dụng điều đó để ăn ở theo tánh xác thịt (Gal 5:13). Trong tôi vẫn còn đó những lề thói, tập tục, truyền thống và cả sự học đòi lâu ngày chày tháng mọi cung cách của thế gian này; nhưng Chúa muốn tôi thay đổi bởi sự "biến hoá" trong ân điển, và tôi cần phải thờ phượng Chúa với tấm lòng chân thật theo cách Chúa muốn (Giăng 4:24). Người ta đến với thần của họ để cầu xin, tôi đến với Đức Chúa Trời của mình bằng sự dâng hiến chính mình. Họ bước vào sự thờ cúng với bao nổi lo lằng, tôi ra mắt Chúa trong sự vui mừng của tình cảm cha con. Họ có đủ mọi cách để huyền bí hoá công việc thờ tự; trong nhà Chúa, tôi là một đền thờ bằng xương bằng thịt cùng chung với anh em mình là những đền thờ sống, góp lại thành một đền thờ lớn làm vinh hiển Chúa và Chúa đẹp lòng. Người thế gian đến nơi thờ tự để tìm cho mình một lợi lộc vật chất, còn tôi đến để ra mắt Chúa, để hầu việc Chúa, để gây dựng thân thể Chúa, và để Danh Chúa được rao ra khắp nơi. Tôi có thể dùng mọi phượng tiện từ thế gian này để thờ phượng Chúa, nhưng tôi không thể để tính cách thế gian xâm nhập vào những sinh hoạt tâm linh. Tôi phải luôn cảm biết rằng tôi đang làm gì trước sự hiện diện của Chúa và Chúa đang nhìn thấy tôi, thấy cả diễn biến đang diễn ra trong lòng tôi ngay lúc đó.
Sự thờ phượng phải lẽ chính là tôi không dùng những cơ hôi quý báu đó để làm đẹp lòng mình, nhưng phải làm mọi sự đẹp lòng Chúa. Tôi đến để tôn cao Danh Chúa chứ không phải làm cho mình được đề cao trong công đồng con dân Chúa, dù có khéo léo khoác lên mình một chiếc áo thầy tu nói theo nghĩa bóng. Tôi thờ phượng Chúa theo ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Chúa chứ không phải theo suy nghỉ hay ý định của cá nhân tôi.
Tôi vẫn là một con người, tôi không thể thoát khỏi một giới hạn của con người, nhưng tôi có thể dâng lên Chúa một sự thờ phượng phải lẽ khi tôi nắm chắc lấy chủ đích của mình là được tương giao với Chúa. Ở đó là sự tôn kính, ở đó là lòng biết ơn sâu xa vì ân điển của Ngài và ở đó tôi thật sự ham thích với lòng vui mừng để đến với Chúa, chứ không phải chỉ là làm vì thói quen hay bổn phận không thể bỏ qua được.