Từ bài giảng luận "Hiệp Nhất Trong Thân"
CN Date, 2013 - Hội Thánh North Hollywood
Vậy, tôi là kẻ tù trong Chúa, khuyên anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi anh em, phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chìu nhau, dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh. Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh, như anh em bởi chức phận mình đã được gọi đến một sự trông cậy mà thôi; chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp têm; chỉ có một Đức Chúa Trời và một Cha của mọi người, Ngài là trên cả mọi người, giữa mọi người và ở trong mọi người. (Ê-phê-sô 4:1-6)
Nếu tôi liên kết mệnh lệnh ở câu 1 của phân đoạn này: "anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi" với câu 11, "Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin Lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư, để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ", vấn đề có vẻ sáng sủa hơn. Hiệp một là điều trọng yếu phải thực hiện cho cả cộng đồng, nhưng trước hết, điều đó nên được nhìn thấy ở những người có trách nhiệm. Bên trên có hiệp một, bên dưới mới yên vui. Mọi sự bất hoà xảy ra ở cấp tín đồ bình thường không khó giải quyết và có khi chỉ là những việc vặt vãnh của những con người chưa kịp lớn lên trong tâm linh; nhưng nếu có xung đột ở cấp lãnh đạo thì vấn đề sẽ nghiêm trọng và ảnh hưởng toàn diện. Nhìn từ khía cạnh đó không với ý định đổ hết trách nhiệm trên những người chăn, nhưng để thấy rằng việc "dùng dây hoà bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh" không chỉ nói chung chung, mà là vấn đề phải được chiêm nghiệm hết sức nghiêm túc.
Ba tâm tình mà Phao-lô nhắc nhở ba Hội Thánh khác nhau đã nói đến trong bài trước (xem lại bài THOẢ LÒNG Ở VẬY) được kết hợp có hệ thống trong bức thư gửi cho Hội Thánh Ê-phê-sô này. Thêm một bằng chứng nữa cho tâm tình hoà hiệp, khi Lời Chúa từ hai bài giảng luận của hai diễn giả được ban phát cho Hội Thánh qua hai Chúa Nhật liền nhau lại có cùng trọng tâm.
Phao-lô đã bắt chước Chúa để có một tâm tình giống Chúa và ông đã hãnh diện với địa vị "kẻ tù trong Chúa" của mình. Ông dùng điều đó để nhắc anh em cũng phải sống xứng đáng trong danh phận những đầy tớ của Chúa phục vụ Hội Thánh. Kẻ tù không còn viện dẫn quyền tự do để làm theo ý riêng mình, kẻ tù luôn luôn chấp hành mệnh lệnh, làm ngay với hết sức mình để sớm hoàn tất công việc được giao. Anh em trong chức phận Chúa đã gọi cũng phải có tâm tình như vậy, "tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự". Nếu ai cũng làm việc với tâm tình giống Chúa, dù không phải là rập khuôn và vẫn mang ít nhiều sắc thái riêng tư, nhưng sẽ gây dựng tốt công việc Chúa trên mọi phương diện vì có cùng một tâm tình, một mục tiêu, theo một mệnh lệnh chung.
Hãy xem tâm tình tầm thường của Cơ-Đốc Nhân được mô tả tiếp theo sau đó. Dù mang lấy trọng trách, nhưng càng gánh trách nhiệm lớn, người được Chúa sai phái càng phải có tâm tình tầm thường ăn ở với anh em, "phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chìu nhau". Đó là kết quả hiển nhiên từ Đức Thánh Linh. Nếu đã hô hào, đòi hỏi, phát động, yêu cầu anh em học nết khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục, yêu thương ... thì chính mình phải làm những điều đó nhiều hơn, tốt hơn, rõ ràng hơn để làm gương cho cả bầy. Kết quả trong một đời sống bước theo Thánh Linh có thể là những điều làm cho thế gian kinh ngạc, nhưng đó là nếp sống bình thường, cách sinh hoạt thường nhật, một tâm tình hết sức tầm thường của bất cứ ai xưng mình là người mang danh Chúa. Mang tâm tình bình thường đó để bước bên nhau, tạo nên sự liên kết gắn bó như những chi thể trong một thân.
"... hiệp một tâm tình, ở cho hoà thuận", đó là tâm tình mà Phao-lô muốn gởi gắm cho Hội Thánh Cô-rinh-tô. Tôi muốn gọi đó là tâm tình hoà hiệp, bởi chẳng những phải chỉ bằng mọi cách để hiệp với nhau, nhưng dù cho các tâm tình có khác biệt đôi chút, vẫn hoà quyện một cách ổn định trong sự kích hoạt của Chúa Thánh Linh. Đúng là như vậy, sẽ không có sự hiệp một nếu mọi việc không định vị trong sự hiện diện của Chúa Bình An. Sẽ cứ lấn cấn rồi sinh ra xung khắc, nếu chỉ là đóng góp vì bổn phận nhưng không được ràng buộc bởi dây hoà bình, với nhau và với Chúa. Nếu vẫn chưa giải quyết được những sôi động trong lòng mình với Chúa thì chắc hẵn không thể nào sống bình an với anh em trong Chúa. Vì vậy, không chỉ hô to khẩu hiệu "hiệp một" mà chính trong lòng mỗi người phải thật sự có bình an, sống hoà thuận với nhau, luôn giữ cho dây hoà binh được sử dụng như một ràng buộc thân thiết, êm ái, phước hạnh, để làm cho cộng đồng càng ngày càng phát triển mạnh mẻ dưới sự chỉ đạo của Chúa.
Nếp sống Cơ-đốc là nếp sống hoà hiệp của những người có cùng một đích nhắm vinh hiển ở tương lai. Sinh hoạt Cơ đốc phát xuất từ sự hoà hiệp của những tâm hồn yêu Chúa và yêu mến lẫn nhau. Cơ-Đốc nhân là những cá thể chứng minh sự hoà hiệp của Đức Chúa Trời Ba Ngôi trong một con người tầm thường, đã được biến đổi bởi đức tin, để giới thiệu một thế giới mới trọn lành, hạnh phúc, bình an và hoà hiệp.