Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 101

Dạy Dỗ Con Cái

Từ bài giảng luận "Lời Cha Dạy"

CN June 23, 2013 - Hội Thánh North Hollywood

Hỡi các con, hãy nghe lời khuyên dạy của một người cha, Khá chủ ý vào, hầu cho biết sự thông sáng; Vì ta ban cho các con một đạo lý tốt lành; Chớ lìa bỏ lời dạy dỗ của ta. Khi còn thơ ấu, ta là con trai của cha ta, Một đứa con một của mẹ ta yêu mến. Cha ta có dạy ta rằng: Lòng con khá ghi nhớ các lời ta; Hãy gìn giữ mạng lịnh ta, thì con sẽ được sống. (Sách Châm ngôn chương 4 câu 1 đến 5)

Dạy dỗ con cái là bổn phận của những người làm cha làm mẹ. Mẹ dạy con bằng những lời ru, bằng sự chăm sóc, bằng ánh mắt với lòng yêu thương vô bờ bến; cha giáo dục con bằng chuẩn mực, răn đe, trật tự trong tình yêu không bộc lộ. Xã hội càng văn minh càng đưa con cái đi ra xa tầm kiểm soát của gia đình, dần dà cha mẹ lơi đi trách nhiệm giáo dục con cái của mình. Nhu cầu của đời sống cũng làm cha mẹ lầm tưởng để rồi vô tình trao quyền giáo dục cho nhà trường, một cơ sở, tổ chức hay nhà thờ. Thánh Kinh muôn đời vẫn vậy, không thay đổi, không chuyển giao hay giảm nhẹ bổn phận giáo dục con cái của cha mẹ.

Sự giáo dục mà Thánh Kinh muốn phụ huynh phải luôn lưu tâm nằm gọn trong bốn chữ: "BIẾT KÍNH SỢ CHÚA". Khẩu hiệu quan trọng đó nói lên ba điều cơ bản: BIẾT CHÚA – KÍNH CHÚA –SỢ CHÚA. Đơn giản thế thôi, nhưng chi phối cả cuộc đời của một con người bới vì đó là một khoá học liên tục và chỉ chấm dứt khi tôi thật sự được (hoặc phải) đứng trước mặt Chúa, như Phao-lô đã viết: "Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ: đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy hai mặt đối nhau; ngày nay tôi biết chưa hết: đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy" (Sách Cô-rinh-tô thứ nhất, chương 13 câu 12).

Tôi xét chính minh trước khi nói đến việc dạy cho con cái tôi những điều đó. Tôi có thể học biết về Đức Chúa Trời. Tôi biết Ngài là Đức Chúa Trời kỵ tà, tôi biết Ngài không chấp nhận cho tôi hướng về một thần nào khác ngoài ra tôn cao Danh Thánh Độc Tôn của Ngài. Tôi biết Chúa là Đấng Tạo Hoá và có quyền năng

tuyệt đối trên muôn loài vạn vật. Tôi học biết về Chúa qua Thánh Kinh, từ những sinh hoạt tâm linh với Hội Thánh của Chúa. Có điều là tôi chỉ biết Chúa từng chút một, cũng như mọi người, không ai có thể biết hoàn toàn về Đức Chúa Trời Cao Cả. Dầu vậy, không phải đợi đến lúc tôi biết thật nhiều về Chúa thời tôi mới nói đến chuyên kính Chúa. Trong một đức tin ban đầu rất đơn sơ, ở đó cũng có thể thành hình trong tôi một lòng kính Chúa. Điều đó cũng không thể nói rằng nếu tôi càng biết nhiều về Chúa thì tôi sẽ càng kính sợ Chúa, bởi lòng kính Chúa phát xuất từ trong lòng tôi chứ không phụ thuộc vào tỉ lệ tôi học biết Chúa. Tôi có thể học rất giỏi và nhận thành quả tốt trong học tập, nhưng chỉ có Chúa là Đấng đo lường chính xác mức độ yêu kính Chúa trong tôi. Ngài không đánh giá tôi bằng những cái nhìn thấy được, nhưng Chúa biết lòng tôi đối với Ngài ra làm sao. Cũng với tình hình đó, giữa sự kính Chúa với thật sự có lòng biết sợ Chúa cũng không theo một tỉ lệ đo lường được.

Ba điều cơ bản nói trên không tiến hành lần lượt, nhưng sẽ thành hình cùng lúc trong tôi ở một cấp độ nào đó tuỳ theo lượng đức tin của tôi. Không có sự đánh giá "biết kính sợ Chúa" nhiều hay ít, bởi đòi hỏi của Chúa là: "Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi" (Sách Ma-thi-ơ chương 22 câu 3). Tôi đã nhìn thấy và học "biết kính sợ Chúa" từ cha mẹ tôi, bây giờ, trong chừng mực tôi "biết kính sợ Chúa" tôi phải dạy con tôi để chúng cũng tiếp nối đời sống phước hạnh trong sự "biết kính sợ Chúa". Cha mẹ tôi đã từng ngày học và làm gương cho tôi trong đời sống "biết kính sợ Chúa", ngày nay tôi phải tiếp tục học và sống theo gương bề trên để tôi cho thể truyền đạt lòng "biết kính sợ Chúa" được thể hiện qua nếp sống Cơ đốc hằng ngày của tôi trước mặt con cái mình.

Chính vì thế, tôi phải nhìn biết vị thế quan trong của tôi trong nhiệm vụ giáo dục con cái mà chúng tôi đã long trọng tuyên hứa trước mặt Đức Chúa Trời Ba Ngôi và trước sự chứng kiến của Hội Thánh khi chúng tôi giữ lễ dâng các con cái mình cho Chúa. Đó không phải là thủ tục, đó chẳng phải là những lời hứa suông, nhưng dễ lắm tôi không tôn trọng và đổ trách nhiệm cho người khác. Con cái tôi cần kiến thức của đời này nhưng trên hết chúng phải được tôi xây dựng trong lòng chúng nền tảng "biết kính sợ Chúa". Hội Thánh là môi trường tốt nhất để phát triển lòng tin cho con cái tôi, nhưng chính tôi phải là người nêu gương tốt và dẫn chúng đi trên một chặng đường theo Chúa mà tôi đã nhận lãnh trách nhiệm.

Cha mẹ tôi đã đi trong Đạo và hướng Đạo cho tôi. Tôi phải tiếp nối công trình đó với quyết tâm vững bước trong Đạo và chỉ dạy cho con tôi chánh Đạo. Sự chọn lựa thuộc quyền của con cái tôi, nhưng tôi phải khẳng định rằng mình đang đi và hưởng dẫn cho hậu tự mình đúng Đạo phải theo. Tôi dùng chữ ĐẠO được viết hoa bên trên không mang nghĩa đạo chỉ là một tôn giáo. Tôi phải "BIẾT KÍNH SỢ CHÚA" và nếu muốn con cái tôi tiếp tục hạnh phúc, tôi phải chuyển giao điều đó cho chúng nó khi vẫn còn có cơ hội.