Từ bài giảng luận "Cây Xanh Giữa Sa Mạc"
CN Aug 25, 2013 - Hội Thánh North Hollywood
Đức Giê-hô-va phán như vầy: Đáng rủa thay là kẻ nhờ cậy loài người, lấy loài xác thịt làm cánh tay, lòng lìa khỏi Đức Giê-hô-va. Nó sẽ như thạch thảo trong sa mạc, không thấy phước đến, nhưng ở trong nơi đồng vắng khô khan, trên đất mặn không dân ở. Đáng chúc phước thay là kẻ nhờ cậy Đức Giê-hô-va, và lấy Đức Giê-hô-va làm sự trông cậy mình. Nó cũng như cây trồng nơi bờ suối, đâm rễ theo dòng nước chảy; ngộ khi trời nắng, chẳng hề sợ hãi, mà lá cứ xanh tươi. Gặp năm hạn hán cũng chẳng lo gì, mà cứ ra trái không dứt. (Giê-rê-mi 17:5-8)
"Đức Giê-hô-va phán như vầy", những gì tiếp sau đó không phải là lời khuyên của người đi trước muốn truyền lại cho thế hệ sau; cũng không phải là từ kinh nghiệm, từng trải, nhưng đây chính thật là lời phán truyền từ Đức Chúa Trời Tự Hữu Hằng Hữu. Một lời rủa sả đi với một lời chúc phước giống như hai câu đối tương ứng để cảnh báo cho tất cả mọi người không phân biệt, không loại trừ, không ngoại lệ; một mệnh lệnh hết sức minh bạch, một điều luật không thay đổi được ban ra muôn đời không cần phải tu chính.
Trước mặt Đức Giê-hô-va chỉ có hai thành phần: theo Chúa hoặc không theo Chúa. Điều đó được đánh giá từ tấm lòng chứ không phải cách hành xử bề ngoài. Kẻ nhờ cậy Đức Giê-hô-va có lòng hi vọng và nhờ cậy hoàn toàn nơi Chúa; còn kẻ có lòng lìa khỏi Đức Giê-hô-va lại nhờ cậy vào loài người, vào sức mạnh thấy được nơi con người, có thể là tiền tài, danh vọng, quyền thế hay một sức mạnh đáng nể nào đó. Không có thành phần thứ ba, dù cho con người cố tạo ra một thế trung dung để không làm buồn lòng bên này hay bên kia, để được lợi từ cả hai phía, để gom hết vào mình mọi thứ bảo đảm mà không làm thất thoát bởi sự không hiểu biết trọn vẹn. Đức Chúa Trời không có điều khoản nào cho phép sự trung lập tưởng chừng hợp lý này. Nhắc lại, chỉ có hai hạng người: theo Chúa hoặc không, và chỉ có vậy thôi. Đứng về phía Chúa là những con người "nhờ cậy Đức Giê-hô-va và lấy Đức Giê-hô-va làm sự trông cậy mình". Những con người đó đặt cả cuộc đời mình vào tay Chúa, sống chết vì Chúa, cho Chúa và vâng theo mọi ý muốn của Chúa. Còn phía bên kia, những "kẻ nhờ cậy loài người, lấy loài xác thịt làm cánh tay mình, lòng lìa khỏi Đức Giê-hô-va". Không cần phải giải thích nhiều, một sự phân chia ranh giới rất minh bạch, và đa số lại nằm trong tập thể này. Nên nhớ điều này, không thuộc về Chúa có nghĩa là chống lại, là nghịch cùng Chúa (Math 12:30; Mác 9:40; Luca 11:23).
Hãy xem cuộc đời của những kẻ nhờ cậy loài người. Tất cả mọi thứ bên ngoài của họ đẹp như thạch thảo, loài hoa nhỏ nhưng phát triển cùng nhau thành từng mãng lớn. Và đây là cách dùng chữ đầy dụng ý của Thánh Kinh: "như thạch thảo trong sa mạc". Chúng chỉ là loài cỏ dại, lại bị đặt vào trong sa mạc. Có lẽ chúng tưởng là mình sẽ đem lại sức sống, tươi vui hay biến sa mạc trở nên nơi vui vẻ, hạnh phúc và đáng sống. Than ôi! Lòng trông mong đó không đủ để làm thay đổi sa mạc, trái lại sức mạnh khủng khiếp của sa mạc sẽ biến chúng thành "khác nào rơm rác gió thổi bay đi" (Thi 1:4). Tưởng chừng như mọi cái đều là phước hạnh, tưởng chừng như có thể làm thay đổi cuộc đời bất hạnh này; nhưng tất cả chỉ là hảo vọng, không giúp ích gì cho đồng vắng khô khan, đất mặn thế gian, vùng đất chết. Những con người có lòng lìa khỏi Đức Giê-hô-va, nhờ cậy loài người, lấy loài xác thịt làm sức mạnh sẽ giống như vậy, chỉ là thạch thảo trong sa mạc.
Còn "những kẻ nhờ cậy nơi Đức Giê-hô-va và lấy Đức Giê-hô-va làm sự trông cậy mình"? "Đáng chúc phước thay!". Họ không phải là loài cỏ dại, họ là cây được chọn và được chính Chúa trồng nơi bờ suối. Họ cũng không phải là cây bị bỏ rơi nơi sa mạc khô khan, nhưng có một dòng nước sống nuôi họ luôn xanh tươi. Thạnh thảo có một bộ rễ rất tốt, nhưng rễ đó không tìm thấy nước vì sống nơi sa mạc khô khan. Cây xanh tươi bởi đã đâm rễ theo dòng nước chảy và dòng nước không hề dứt cứ chảy mãi chảy mãi đem lại sự sống dư dật cho cây. Điều đó không có nghĩa là người thuộc về Đức Giê-hô-va không gặp những khó khăn trở ngại trong cuộc đời của mình. Lời phán của Đức Giê-hô-va rất rõ ràng: "ngộ khi trời nắng", "gặp năm hạn hán", phải, tôi vẫn phải hứng chịu mọi nghịch cảnh, tôi vẫn phải đi qua những giai đoạn khó khăn tăm tối của cuộc đời, nhưng khi tôi để lòng trông cậy Đức Giê-hô-va, tôi "chẳng hề sợ hãi, cũng chẳng lo gì" như lời hứa của Chúa. Còn hơn thế nữa, thạch thảo sẽ chết vô ích vì dựa vào sức mạnh của thế gian, nhưng năng lực từ nơi Chúa sẽ giúp tôi sống xanh tươi trong mọi hoàn cảnh, và đời sống tôi dù phải trải qua nhiều giai đoạn khô hạn vẫn nhờ nơi Chúa để "cứ ra trái không dứt".
Thạch thảo sẽ tự mình phát triển trong sa mạc, tôi không như vậy, tôi là cây được trồng trong vườn của Đức Giê-hô-va, tôi được sự trông nom của Chúa. Tôi sống mạnh mẽ và sanh lắm trái cho Chúa bởi tôi không hướng lòng mình về những thế lực chóng tàn của đời này, nhưng trong tôi có sức sống từ nơi Gốc Nho Thật (Giăng 15:), sức sống đó cứ mạnh mẽ trong tôi, một mạch nước thành hình trong tôi và "văng ra cho đến sự sống đời đời" (Giăng 4:14).