Vậy nếu trong Đấng Christ có điều yên ủi nào, nếu vì lòng yêu thương có điều cứu giúp nào, nếu có sự thông công nơi Thánh Linh, nếu có lòng yêu mến và lòng thương xót, thì anh em hãy hiệp ý với nhau, đồng tình yêu thương, đồng tâm, đồng tư tưởng mà làm cho tôi vui mừng trọn vẹn. (Phi-líp 2:1,2)
Làm sao tôi có thể hiệp ý với anh em được đây?
Anh em có suy nghỉ của anh em, tôi có cách suy nghỉ của riêng tôi. Anh em đã làm việc và hoạt động bao nhiêu năm rồi theo cách của anh em; còn tôi, tôi cũng bị đóng khung trong kinh nghiệm tuyệt vời của mình.
Tôi muốn cống hiến những gì mình có thể làm được, nhưng những điều đó không ở trong kế hoạch hay không nằm trong sở thích của anh em. Ngược lại những điều anh em làm, tôi không thấy thích hợp với đường hướng của riêng tôi. Và như thế là tan vỡ. Tôi phải làm sao đây?
Người ta cho rằng cần có sự thỏa hiệp. Như vậy là phải có sự thông cảm nhau, thông hiểu nhau. Đó phải là một hành động hổ tương, nghĩa là từ cả hai phía, chứ đâu phải chỉ đòi hỏi một bên nhượng bộ. Mà có ai chịu nhượng bộ ai đâu! Nếu có thì …
Người ta đòi hỏi tôi một sự nhượng bộ với lý do là vì công việc chung. Tôi làm được điều đó nếu tôi cố gắng thêm một chút. Trong hoàn cảnh này, tôi trở nên một người tự ép mình nín chịu điều mình không ưa không thích. Tôi không muốn như vậy, tôi không muốn làm bộ trước mặt anh em, tôi không muốn mình giả dối, giả hinh, giả dạng, giả vờ hay bất cứ cái giả gì khác. Không phải tôi ngon lành gì đâu, nhưng mà sao không cho tôi sống thật với lòng mình? Sao buộc tôi phải chấp nhận mà không ai chịu chấp nhận tôi?
Và biết đâu tôi đã bị lên án "không ở trong Đấng Christ", "không có lòng yêu thương", "không hiệp một", "không có đồng tâm tình như Đấng Christ" …Có phải tôi là như vậy không? Điều tôi chắc rằng đối với anh em, tôi đã đánh mất đi sự vui vẻ, và tôi cũng không thể làm cho ai vui mừng cả, chứ đừng nói đến vui mừng trọn vẹn. Chắc Chúa sẽ buồn tôi nhiều lắm, nhưng tôi phải làm sao đây?
Tôi ơi! Hãy một lần nữa đọc lại Lời Chúa, thêm một lần nữa đi mà!
NẾU CÓ. Hai chữ “nếu có” này được nhắc đến bốn lần trong hai câu Thánh Kinh, cả bốn lần đề cập về lòng yêu thương và các hệ luận. Tôi lúc nào cũng vỗ ngực nói mình đầy dẫy tình yêu thương mà có đúng như vậy không? Nếu có, sao tôi cứ nhìn anh em chỉ với bộ mặt yêu thương mà lòng đầy oán hận? Tôi muốn thực hiện những toan tính của mình mà không đủ ơn yêu thương làm cho anh em hiểu mình. Tôi nghe mọi điều từ anh em nhưng tôi có thật lòng tôn trọng anh em, hay nghe để mà nghe vậy thôi, việc anh anh làm, việc tôi tôi chịu trách nhiệm?
YÊU THƯƠNG. Tôi học điều này nơi Chúa, học hoài học mãi từng ngày của cuộc đời mình. Tôi hỏi lại chính mình, tình yêu thương đó có thật là tình yêu giống như Chúa? Tôi yêu anh em đến độ MẾN, đến mức THƯƠNG XÓT, để thật sự là niềm AN ỦI của anh em; và gắn bó với anh em, thông công với anh em trong sự điều hành trực tiếp của chính Chúa Thánh Linh?
Rõ ràng là trên hết mọi sự tôi phải thưa với Chúa về chính mình. Và nếu tôi chịu học tập để tốt hơn, chắc chắn trong tôi sẽ có “đồng tình yêu thương, đồng tâm, đồng tư tưởng” để “hiệp ý với nhau”.